Chuyên gia nói gì về việc “lương tăng 1 đồng, giá tăng 3 đồng”?
Cải cách tiền lương là biện pháp lâu dài Chốt phương án, thời điểm tăng lương tối thiểu vùng lên 6% Kiểm soát 'chặt' lạm phát, tránh các mặt hàng thiết yếu 'leo thang' theo lương |
Từ ngày 1/7, Quốc hội đã thống nhất thực hiện các nội dung cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công… trong đó, điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng tương đương mức tăng 30%.
“Toát mồ hôi” vì lương chưa tăng, giá đã vội tăng
Theo ghi nhận của phóng viên, tình hình hàng hóa và giá cả tại các chợ, cửa hàng, đơn vị kinh doanh cho thấy, giá bán nhiều loại hàng hóa đã rục rịch tăng trước thời điểm lương tăng. Trong đó, đa số các nhóm hàng lương thực, thực phẩm như thịt heo, gạo, trứng tăng 5-10%, đặc biệt là rau, củ tăng đã tăng giá từ 10-15% tùy theo từng sản phẩm. Từ đây có thể thấy, hàng hoạt hàng hoá thiết yếu, dịch vụ ăn uống cũng có xu hướng thiết lập một mức giá mới.
Bà Nguyễn Thị Nụ, tiểu thuơng kinh doanh thịt tại chợ Mỹ Đình. Ảnh: Linh Trang |
Chia sẻ với Báo Công Thương, bà Nguyễn Thị Nụ, tiểu thương kinh doanh thịt tại chợ Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, cho biết, mặt hàng thịt lợn đã tăng nhẹ từ trước khi có chính sách tăng lương.
“Giá một số mặt hàng đã rục rịch tăng hơn so với trước, phần vì kinh tế khó khăn nên nhiều tiểu thương như bà cũng buôn bán cầm chừng, lượng hàng vừa đủ. Về mặt hàng thịt lợn tôi đang bán thì đã nhích tăng nhẹ”, bà Nụ nói.
Mặc dù một số mặt hàng đang "chạy theo lương" song, nhiều do kinh tế khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu, nhiều tiểu thương không dám tăng giá để... giữ chân khách.
Theo chia sẻ của bà Bùi Thị Lan, tiểu thương bán rau ở chợ Đồng Xa, quận Cầu Giấy cho biết, chuyện tiền lương tăng cũng có ít nhiều ảnh hưởng đến việc giá các loại lương thực, thực phẩm. Tuy nhiên, muốn có khách thì phải giữ giá.
“Mức giá của mặt hàng rau củ quả tôi đang bán vẫn ở mức giá chung, tôi không muốn tăng giá theo các mặt hàng khác vì nếu tăng, người dân lại càng mua ít hơn”, bà Lan chia sẻ.
Việc tăng lương là điều vừa mừng vừa lo, mừng là cán bộ, công nhân, viên chức được tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Còn lo là khi tiền lương tăng thì việc các mặt hàng lương thực thực phẩm có tăng cao lên nhiều hay không?
Cần có giải pháp quản lý giá phù hợp để không tạo ra những cú sốc về giá
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhận định, thời gian vừa qua, nhiều mặt hàng hoá đã rục rịch tăng giá. “Mức tăng này chưa cao và chúng ta hy vọng các cơ quan quản lý nhà nước sẽ quản lý tốt hơn để giá không tăng hoặc tăng hợp lý”, ông Thịnh nói.
Theo đó, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh đã đưa ra nhiều giải pháp để tránh việc “lương tăng 1 đồng, giá tăng 3 đồng”. Thứ nhất, đó là sự kết hợp giữa Cục Giá của Bộ Tài Chính và Tổng cục Quản lý thị trường của Bộ Công Thương trong việc rà soát đầu vào, đầu ra giá thành của những mặt hàng thiết yếu để xem giá thành thế nào, giá bán ra sao, có tăng hay không và tăng có hợp lý không. Điều này rất quan trọng vì nó ảnh hưởng ngay đến đời sống cũng như mặt bằng giá.
Theo chuyên gia, cần có giải pháp quản lý giá phù hợp để không tạo ra những cú sốc về giá. Ảnh Linh Trang |
Thứ hai, sự phối hợp của Cục Quản lý thị trường, các đội quản lý thị trường với chính quyền trong việc kiểm tra các nhà hàng, cửa hàng kinh doanh, hộ tiểu thương cũng như chợ dân sinh việc tăng giá cả, đảm bảo niêm yết giá và tăng giá phù hợp.
Thứ ba, cơ quan quản lý nhà nước cũng phải xem xét, nếu có việc tăng giá điện hay tăng giá các dịch vụ công trong lĩnh vực y tế, giáo dục đào tạo thì cũng phải xem mức tăng có phù hợp và phải có thời gian giãn cách để không tạo ra những cú sốc về giá.
“Đặc biệt việc kiểm tra, giám sát phải thực hiện thường xuyên, liên tục trước và sau khi tăng lương. Quan trọng nhất là nếu tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, hộ kinh doanh nào tăng giá bất hợp lý thì phải có chế tài xử lý nghiêm”, chuyên gia nhấn mạnh.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 61/CĐ-TTg ngày 22/6/2024 gửi Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá.
Tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc đăng ký giá, kê khai giá khi các tổ chức đăng ký giá, kê khai giá, thay đổi mức giá đối với mặt hàng thuộc diện phải đăng ký giá, kê khai giá, kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về giá, xử lý theo thẩm quyền.
Kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh trên thị trường của các tổ chức, cửa hàng kinh doanh, hộ tiểu thương cũng như chợ dân sinh về việc chấp hành các quy định về giá, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá, kinh doanh hàng giả, kém chất lượng và các hành vi gian lận trong thương mại, đưa tin thất thiệt gây tâm lý hoang mang trên địa bàn, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, tăng giá.
Phân tích, tổng hợp diễn biến mặt bằng giá thị trường và các thông tin liên quan đến cung, cầu thị trường trong nước tác động đến mặt bằng giá thị trường, diễn biến chỉ số giá tiêu dùng (CPI), đề xuất các giải pháp cân bằng cung cầu thị trường hàng hóa.
Không để lợi dụng chính sách tăng lương của Chính phủ để nâng giá hàng hóa, dịch vụ bất thường ảnh hưởng đến đời sống dân sinh và các hoạt động của các cơ quan, tổ chức.