Bóng đá Việt Nam hậu Troussier: Hình ảnh nào cho Liên đoàn Bóng đá Việt Nam?
Cuộc “hôn nhân” giữa Liên đoàn Bóng đá Việt Nam và ông thày có biệt danh "phù thuỷ trắng" này chẳng những không có được tuần trăng mật mà còn giữa đường đứt gánh, đường ai nay đã nấy đi. Rút kinh nghiệm từ cuộc hôn nhân trước với ông thày đồng hương của Philippe Troussier là ông Letar cũng đứt gánh giữa chừng và sau đó phải cầu cứu ngân sách khoản tiền trên 200.000 USD đền bù, trong lần chia tay này, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đã thoát được việc phải trả khoản đền bù, ngoài việc chi một số tháng lương “tay nải” để tiễn Troussier.
Thói thường khi đội tuyển thi đấu kém cỏi, sa sút phong độ cùng việc không đạt được các mục tiêu tầm khu vực và thế giới, thì việc cho thôi huấn luyện viên là điều dễ làm nhất bởi đã có hợp đồng thiết kế lấy thứ hạng tại các giải làm chuẩn để hành động. Song điều này có vẻ ổn hơn với các nền bóng đá phát triển cao, từng vào sâu và có các thứ hạng đáng kể tại các giải đấu lớn.
HLV Philippe Troussier tại một buổi họp báo trước trận đấu. Ảnh: TTXVN |
Với bóng đá Việt Nam khi vừa thoát được ra khỏi “ao làng” khu vực nay lại đứng trước nguy cơ tụt hạng theo phương thẳng đứng, việc phải sa thải sớm một huấn luyện viên do chính Liên đoàn Bóng đá Việt Nam lựa chọn không khỏi đặt ra câu hỏi cùng sự lo ngại của người hâm mộ về vai trò, trách nhiệm của “ông” Liên đoàn.
Nhất là khi việc sa thải ông Troussier cũng đồng nghĩa với việc bóng đá Việt Nam chấp nhận việc trôi đi các thành tích đã đạt được trước khi có ông này, cùng việc chấp nhận “xôi hỏng, bỏng không” của bóng đá nước nhà trong thời gian hơn 1 năm qua.
Có thể nói sự ra đi của ông thày Philippe Troussier là dấu hiệu rõ nhất về sự khủng hoảng của bóng đá Việt Nam thời hậu Park Hang Seo. Có lẽ quá hiểu triết lý “không ai tắm hai lần trên cùng một dòng sông” nên ông Park đã cho thấy việc không mặn mà gì với việc quay trở lại cương vị cũ.
Lời xin lỗi của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam với người hâm mộ sau khi chia tay với ông Troussier không những không làm yên lòng người hâm mộ bóng đá cả nước mà nó còn khiến cho câu hỏi bóng đá Việt Nam cần làm gì để có thể không phụ thuộc, không “rung lắc” mỗi khi biến động về huấn luyện viên cũng như việc nhanh chóng lấy lại các thứ hạng cao đã từng có trên bảng xếp hạng của FIFA thêm gay gắt hơn.
Việc định hướng chọn huấn luyện viên nội hay ngoại là hoàn toàn thuộc thẩm quyền của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam. Nhưng một khi lựa chọn định hướng thày ngoại thì với việc cất công tìm người, bỏ tiền chi lương để tìm ra được gương mặt hợp ‘tạng”, hợp chất với bóng đá Việt Nam và tích hợp được những phẩm chất cần có của bóng đá hiện đại là điều cần được hết sức quan tâm. Vì đã có không ít bài học đau đớn rồi.
Cần nhận thấy rằng định hướng phát triển bóng đá theo các giải lớn thế giới đã cho thấy đây là công việc có phần quá sức với bóng đá Việt Nam và nó đòi hỏi một cách làm phù hợp hơn, hiệu quả hơn. Nói như vậy không có nghĩa là lại quay về với tư duy bằng lòng với huy chương ở giải khu vực mà cốt để làm đẹp cho các báo cáo tổng kết.
Người hâm mộ bóng đá nước nhà đang cần những câu trả lời rõ ràng hơn từ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam chứ không chỉ là thay một ông thày này bằng một ông thày khác là xong để "đi tiếp". Vì xét cho cùng Liên đoàn cũng chỉ mang vai người làm thuê cho cả nền bóng đá nước nhà mà thôi.