Từ vụ truy tố nhà báo Hàn Ni: Đừng biến mạng xã hội thành "sọt rác" tâm hồn
Bà Hàn Ni tố cáo ông Huỳnh Uy Dũng giúp sức cho bà Phương Hằng TP. Hồ Chí Minh: Bà Đặng Thị Hàn Ni bị truy tố mức án cao nhất 7 năm tù |
Cùng bị Viện kiểm sát nhân dân TP. Hồ Chí Minh truy tố với bà Hàn Ni còn có ông Trần Văn Sỹ (66 tuổi, luật sư). Đáng chú ý cáo trạng của cơ quan kiểm sát nêu lý do không xử lý hai bị can này về các hành vi khác.
Khung hình phạt cho tội danh của bà Hàn Ni và ông Sỹ là từ 2 đến 7 năm.
Ảnh minh hoạ. |
Theo cáo trạng, từ tháng 9/2021 đến tháng 2/2022, ông Trần Văn Sỹ sử dụng tài khoản YouTube "LS Trần Văn Sỹ", còn bà Đặng Thị Hàn Ni sử dụng tài khoản YouTube và Facebook "Nhà báo Hàn Ni" để đăng bài, tổ chức nhiều buổi ghi hình phát trên mạng xã hội có nội dung sai sự thật, nhằm xúc phạm đến nhân phẩm, danh dự, uy tín của ông Huỳnh Uy Dũng và vợ là Nguyễn Phương Hằng.
Vụ việc đã gây ồn ào mạng xã hội, thu hút khá đông người truy cập kèm theo lượng lớn các bình luận, tạo những sự ồn ào hoàn toàn không cần thiết, đặt ra nhiều câu hỏi về văn hoá ứng xử, tôn trọng cá nhân cũng như văn hoá sử dụng mạng xã hội, hướng công luận vào những mâu thuẫn cá nhân mà xao nhãng những vấn đề cần thiết hơn.
Năm 2023 cũng là năm mà mạng xã hội ở Việt Nam được “tận dụng” triệt để cho những việc “xả” mâu thuẫn cá nhân, bôi nhọ hình ảnh người khác. Đáng chú ý những đối tượng “xung trận” này lại là những người có tầm ảnh hưởng, người được xem là “của công chúng”, nghĩa là những người có “tông” cao về văn hoá, hiểu biết.
Tiếc thay khi dính vào những vụ việc cãi cọ, thậm chí là xung đột trên mạng xã hội, những cá nhân này đã tự làm biến dạng, làm méo mó hình ảnh của chính mình trước khi biến mạng xã hội thành cái sọt rác của tâm hồn.
Mới đây nhất vụ việc hai tên tuổi trong giới âm nhạc là ca sĩ Minh Huyền và nhạc sĩ Lưu Hương Giang cũng “đụng độ” trong một màn ném điện thoại vào nhau khi đang cùng làm việc tại một cơ sở giáo dục âm nhạc có tiếng.
Rồi một nữ ca sĩ nổi tiếng khác cũng “lên sóng” để bỉ bác, mạt sát đồng nghiệp bằng những ngôn từ không mấy hay ho.
Những vụ việc như thế khiến cho không ít người buộc phải tự mình cấm cửa mạng xã hội, bởi không muốn chứng kiến, không muốn trở thành một chứng nhân cho những vụ việc nằm ở vĩ độ thấp nhất của văn hoá ứng xử. Hoặc nói thẳng không muốn chứng kiến hàng trăm, hàng nghìn "bịch rác, sọt rác" được vô tư quẳng lên các trang hoặc “app” xã hội từng ngày, từng giờ.
Các ứng dụng công nghệ đã cho phép mạng xã hội thực sự là một bộ phận quan trọng trong “hệ sinh thái mới”, mang đến cho con người những lợi ích không hề nhỏ. Tuy nhiên, việc sử dụng mạng xã hội cũng ẩn chứa những mặt trái tạo nên những nguy cơ biến đổi văn hóa nói chung, văn hóa ứng xử. Điều này có thể tạo không ít những cản trở cho việc xây dựng những thiết chế văn hoá mới nói chung cũng như cho phát triển công nghiệp văn hoá ở Việt Nam nói riêng.
Pháp luật Việt Nam cũng đã đưa ra các chế tài nghiêm khắc với việc xử lý những hành vi lạm dụng mạng xã hội trong khi vẫn tôn trọng các quyền tự do cá nhân trong ứng xử, trong việc sử dụng mạng xã hội. Nhưng việc tôn trọng này không thể là cái cớ để những người tự coi mình là “sáng tạo nội dụng số” tiếp tục coi nhẹ văn hoá ứng xử trên mạng xã hội mà không phải chịu trách nhiệm gì khi nghĩ rằng môi trường mạng là “ảo”, là “vô danh”.
Lời giải cho vấn đề ở đây là bên cạnh việc tăng cường thiết chế pháp luật, rất cần đến việc phổ biến kỹ năng số để mọi người dân tự nâng cao nhận thức và đưa ra một số chuẩn mực, giá trị cốt lõi khi tham gia mạng xã hội.
Làm rốt ráo việc này, mới có thể mong mạng xã hội không còn là chỗ "trút, xả" để trở thành những sọt rác của tâm hồn, của cộng đồng.