Điểm chuẩn vào lớp 10: Đỉnh cao hay vực sâu?
Đồng loạt hạ điểm chuẩn vào lớp 10 chuyên ở Hà Nội Hà Nội công bố điểm chuẩn vào lớp 10 chuyên 2018 Danh sách điểm chuẩn vào lớp 10 trường chuyên Hà Nội |
Giữa những dòng tin mấy ngày nay, có tin không vui, một cậu bé 15 tuổi ngụ ở quận Ba Đình, Hà Nội sau khi biết điểm chuẩn vào lớp 10 đã chọn cách nhảy cầu Long Biên. Kết cục may mắn đã đến với cậu khi được mọi người kịp thời cứu sống.
Hẳn là cậu bé này cùng không ít các bạn cùng trang lứa trong vòng 2 tháng qua đã chịu những áp lực ghê gớm quanh kỳ thi vào lớp 10 trung học phổ thông. Có những người bạn của cậu đã bị những người lớn khéo léo hay lộ liễu “vận động” không tham dự kỳ thi này để ngộ nhỡ nếu không thi đỗ, ngôi trường trung học cơ sở vừa tốt nghiệp có thể bị “vạ lây” khi trong số các tiêu chí thành tích (lại thành tích) của trường, có số lượng học sinh thi đỗ vào các trường trung học phổ thông. Nếu một trường trung học cơ sở có con số này ít hơn trường khác, cái “danh” của trường thế nào cũng bị ảnh hưởng.
Ảnh minh hoạ |
Ở trường đã vậy, về nhà các em lại bị “bồi” thêm cho cái căng thẳng tột độ lo ôn thi để đỗ vào các trường công lập là những sức ép đến từ chính cha mẹ các em, thậm chí thi đỗ hay là ra khỏi nhà?
Nhiều người quan niệm: Phải thi đỗ bằng được bởi cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới này thì làm được gì cho đời (!).
Tất cả những điều trên đã biến kỳ thi vào lớp 10 trung học phổ thông căng thẳng hơn bất cứ kỳ thi nào trong hệ thống giáo dục Việt Nam. Thậm chí là cái căng thẳng vốn có trước đây của các kỳ thi vào đại học tưởng như đã nhẹ gánh với xã hội nhưng hoá ra nó đã được “tái sinh”.
Xã hội chúng ta liệu có được hưởng lợi gì từ sự căng thẳng của một kỳ thi hay không?
Có không ít giáo viên vui mừng trước những kết quả thi đỗ cao vào lớp 10 của học trò mình nhưng cũng có những giáo viên đã không giấu nổi những giọt nước mắt trước những em học sinh yêu quý của mình mới hôm qua còn đầy trong sáng, đầy ước mơ liền đó gặp phải cú sốc sau một kỳ thi.
Nó cũng đã khiến cho câu hỏi điểm thi vào lớp 10 là đỉnh cao hay vực sâu càng thêm khó trả lời.
Chỉ biết rằng, là đỉnh cao hay vực sâu đều để lại cho các cô cậu học trò rời trường trung học cơ sở để đến với những cấp học cao hơn một sang chấn tâm lý đầu đời rất khó quên về sau này.
Chúng ta vẫn thường nói, hãy dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em. Về lý thuyết thì không ai phủ nhận điều này nhưng chúng ta, những người lớn đã thực sự làm được bao nhiêu, đã thực sự làm được những gì để những điều tốt đẹp nhất mà chúng ta quan niệm đến được với các em, để con đường đến tương lai dẫu đi qua những mái trường hay những trung tâm nghề nghiệp không xảy ra những “điểm chết” tinh thần.
Để các em không phải là những sản phẩm méo mó của người lớn cũng như niềm tin vừa chớm nở của các em vào cuộc sống, vào tương lai không bị vùi dập.