Ồn ào quanh TikTok “Vua quạt” và câu chuyện thượng tôn pháp luật trong kinh doanh
Mấy ngày nay, các clip liên quan đến TikTok “Vua quạt” với những phát ngôn bị xem là không chỉ khiếm nhã mà còn mang tính xúc phạm đang làm "nóng" cõi mạng.
Tiếp thêm độ "nóng" cho câu chuyện của “Vua quạt” là một số bài báo của một tạp chí liên quan đến chống hàng giả với nhiều lập luận cho rằng, cơ sở sản xuất này có các dấu hiệu “vi phạm” các quy định về kinh doanh.
Đáng chú ý là các bài viết này đã dẫn chứng nhiều quy định của pháp luật để đưa ra các chế tài pháp luật được xem là tương xứng với hành vi của một số cá nhân liên quan trong vụ việc.
Vụ việc hiện vẫn đang được các cơ quan chức năng của địa phương làm rõ để đưa ra hướng xử lý cần thiết theo đúng quy định của pháp luật.
Trong diễn biến liên quan tới vụ Tiktoker ''Vua quạt'', cơ quan công an đã niêm phong, tạm giữ nhiều sản phẩm. (Ảnh: Chính Công) |
Trước khi bàn về chuyện liệu cơ quan chức năng có đưa ra được các xử lý để cơ sở kinh doanh này “tâm phục, khẩu phục” trong việc chấp hành các quy định liên quan trong kinh doanh, thì điều cần làm rõ là tính thượng tôn pháp luật trong kinh doanh.
Việc đề cao tính thượng tôn trong pháp luật cần được đến từ hai phía, cả người chấp hành pháp luật lẫn cơ quan thực thi pháp luật.
Ở góc độ là người dân, tính thượng tôn pháp luật thể hiện ở việc người dân nghiêm chỉnh chấp hành các quy định pháp luật được ban hành. Tuy nhiên, để đạt được kết quả mong muốn này, người dân phải được biết và hiểu rõ các quy định được ban hành, để từ đó họ mới có thể chấp hành tốt.
Để người dân được biết và hiểu rõ, thì luật pháp sau khi được ban hành phải được phổ biến công khai, bằng nhiều phương tiện truyền tải, và trong một khoảng thời gian đủ dài để tất cả các thành phần trong xã hội có cơ hội được biết và hiểu rõ.
Ở góc độ cơ quan thực thi pháp luật, tính thượng tôn pháp luật thể hiện ở việc ban hành và thi thực thi pháp luật vào đời sống xã hội phải đúng đắn và công bằng, mà kết quả mong muốn là tạo ra công lý thật sự cho toàn xã hội.
Tính thượng tôn pháp luật còn được thể hiện trong mối tương quan giữa người chấp hành pháp luật và người thực thi pháp luật. Mối tương quan này phải bình đẳng, công bằng, theo đó, việc thực thi quyền hạn theo chức trách, nhiệm vụ được pháp luật trao cho, mà không bị bất cứ sự chi phối nào.
Bên cạnh đó, người chấp hành pháp luật cũng phải được bảo đảm các quyền dân chủ và chỉ làm đúng theo những gì pháp luật quy định. Người thực thi pháp luật phải có trách nhiệm giải thích, hướng dẫn người chấp hành pháp luật làm theo đúng thủ tục, quyền hạn, nghĩa vụ do pháp luật quy định. Có như vậy, thì mới bảo đảm được tính thượng tôn pháp luật.
Trong việc thực hiện thượng tôn pháp luật, vai trò của báo chí truyền thông là rất quan trọng nhưng điều cần chú ý là báo chí không thể làm thay các cơ quan thực thi pháp luật. Việc viện dẫn các quy định pháp luật, thiển nghĩ, có thể cho phép đưa ra với công luận một hình dung về sự việc nhưng điều đó không đồng nghĩa rằng, bản chất sự việc sẽ là đúng như vậy.
Trở lại vụ việc TikTok “Vua quạt”, một câu hỏi được đặt ra là liệu “Vua quạt” là “đáng thương” hay “đáng giận” cả trong chấp hành pháp luật, ứng xử lẫn lựa chọn phong cách khởi nghiệp, phong cách kinh doanh?
Dưới góc độ khởi nghiệp, “Vua quạt” cho thấy những thực tế của một người đi lên từ chỗ hầu như không có gì, biết chọn một lối đi riêng cho “sản phẩm”, một thị trường ngách phục vụ đối tượng tiêu dùng ở nông thôn có nhu cầu sản phẩm song túi tiền không cho phép vươn tới những sản phẩm cùng loại. Những sản phẩm của “Vua quạt” có thể không đáp ứng đúng những quy chuẩn cần thiết nhưng vẫn có nhu cầu thị trường trong khi chính các hãng quạt lớn lại bỏ qua. Ở đây còn có yếu tố khởi nghiệp bất ly hương tại một vùng quê có truyền thống làng nghề như huyện Yên Phong, Bắc Ninh là điều đáng chú ý.
Cũng còn nữa là khởi nghiệp trong thời đại ứng dụng mạng xã hội bùng nổ, “Vua quạt” đã chủ động “chơi” các ứng dụng này cho các “sản phẩm” của mình để tạo sự thu hút cho sản phẩm.
Nhưng khởi nghiệp chưa bao giờ là con đường dễ dàng. Có thể thấy, hoạt động sản xuất còn chứa đựng yếu tố tự phát của “Vua quạt”, chưa được chính quyền, cơ quan quản lý kinh doanh, cơ quan quản lý thị trường kiểm tra, có các động thái hướng dẫn, giúp đỡ thường xuyên. Khi xảy ra sự việc lại nôn nóng, bị kích động, chủ quan, cho rằng mình “không sai gì về các yếu tố các quy trình, quy chuẩn sản xuất hàng hoá”.
Câu chuyện “Vua quạt” có thể là một bài học cho thấy các nỗ lực khởi nghiệp rất cần được định hướng về tính thượng tôn pháp luật lẫn phát huy vai trò của các cơ quan chức năng để tạo điều kiện cho mọi ý tưởng khởi nghiệp đóng góp tốt nhất cho xã hội.
Người khởi nghiệp cần được tạo điều kiện tư vấn, hướng dẫn về pháp luật, về quy định kinh doanh lẫn đạo đức kinh doanh trên tiến trình khởi nghiệp để có thể tránh dẫn đến những hành vi vi phạm. Và nếu một khi có hành vi vi phạm được các cơ quan chức năng xác định, khi xử lý cần xem xét động cơ, hậu quả, tác động xã hội và nên có cái nhìn, quan điểm xử lý khách quan, mang tính giáo dục, tạo cơ hội cho doanh nghiệp khắc phục, sửa sai nhưng cũng không nương nhẹ, bao che.