Thành lập Hội đồng Lúa gạo quốc gia: Điều chỉnh thể chế phát triển ngành lúa gạo
Liên quan đến đề xuất thành lập Hội đồng Lúa gạo quốc gia, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng - Giảng viên cao cấp Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Kinh tế quốc dân chia sẻ điểm nhìn với phóng viên Báo Công Thương.
Thưa chuyên gia, ông đánh giá thế nào về đề xuất thành lập Hội đồng Lúa gạo quốc gia?
Đây là sáng kiến có giá trị thực tiễn rất cao và là việc đáng lẽ nên triển khai sớm hơn để tương xứng với không gian phát triển mới của ngành lúa gạo quốc gia đang trên đà chuyển biến trong giai đoạn phát triển mới, phát triển cao và công nghiệp hoá. Đây là sự chuyển dịch tư duy từ sản xuất nông sản sang kinh tế nông nghiệp xanh, bền vững bằng sự điều chỉnh thể chế phát triển ngành lúa gạo giai đoạn mới.
Bối cảnh mới đặt ra cho ngành sản xuất lúa gạo của Việt Nam những yêu cầu gì, thưa ông?
Ngành lúa gạo đang có những tín hiệu phát triển mạnh mặc dù có không ít thách thức mang tính thời đại như an ninh lương thực, xoá nghèo, biến đổi khí hậu và xanh hoá triệt để. Điều đó đòi hỏi ngành lúa gạo Việt Nam cần phát triển theo hướng chuyển từ số lượng sang chất lượng, nhỏ lẻ tự phát sang quy mô lớn, hiện vật sang giá trị.
Chuyên gia kinh tế PGS.TS Nguyễn Thường Lạng |
Cùng đó cần tổ chức vận hành theo chuỗi giá trị xanh, bền vững, thân thiện và thương hiệu toàn cầu, đủ sức lan toả đến nhiều lĩnh vực kinh tế thực chất và động lực phát triển lâu dài của toàn bộ nền kinh tế, tiến bộ xã hội và phục vụ các chương trình mục tiêu quốc gia.
Vậy sứ mệnh của Hội đồng Lúa gạo quốc gia sẽ là gì, thưa chuyên gia?
Hội đồng Lúa gạo quốc gia có sứ mệnh cao cả trong phát triển tầm nhìn, xây dựng giá trị cốt lõi ngon, sạch, giàu dinh dưỡng của lúa gạo Việt, định vị ngành lúa gạo, mô hình phát triển, quy trình vận hành khoa học, tinh gọn theo hướng chuyển đổi số, xanh, năng lượng, tuần hoàn, kinh tế xanh, chia sẻ và bao trùm.
Có thể nêu lên 5 trọng tâm thuộc về sứ mệnh của Hội đồng trong vai trò tham mưu chiến lược.
Thứ nhất, xây dựng thể chế phát triển ngành lúa gạo theo cách tiếp cận kinh tế nông nghiệp xanh, phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050.
Thứ hai, xây dựng mô hình phát triển ngành lúa gạo theo hướng công nghiệp xanh, số hoá, tuần hoàn và lấy sáng tạo giá trị làm trung tâm dựa trên kết hợp lợi thế so sánh với đổi mới sáng tạo.
Thứ ba, kết hợp giữa bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia với gia tăng giá trị xuất khẩu gạo như tăng kim ngạch xuất khẩu gạo, ít nhất 1,5 đến 2 lần đến năm 2035.
Thứ tư, cải thiện đáng kể thương hiệu lúa gạo Việt Nam trong khu vực và thế giới để có thể đứng trong nhóm 3 quốc gia có thương hiệu gạo mạnh nhất toàn cầu bằng chất lượng, năng lực cung ứng và khoa học - công nghệ ngành lúa gạo.
Thứ năm, phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ và liên quan trong hệ sinh thái công nghiệp lúa gạo bền vững và bao trùm.
Ngành lúa gạo Việt Nam đang đứng trước nhiều vận hội phát triển mới. Ảnh minh hoạ. |
Theo ông, để làm tròn sứ mệnh đó, cần đặt ra những yêu cầu nào với mô hình này?
Để thực hiện sứ mệnh đó của Hội đồng Lúa gạo quốc gia, cần có Đề án thực hiện các chức năng cụ thể và có hiệu lực thực hiện cao bằng việc đặt Hội đồng trực thuộc Thủ tướng Chính phủ để có thể bảo đảm khả năng phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan quản lý nhà nước các cấp gắn với quy hoạch ngành lúa gạo một cách phù hợp.
Ở đây rất cần có cơ chế vận hành Hội đồng khẩn trương, hiệu quả, không phải là một cấp hành chính mới trong hệ thống quản lý quốc gia. Nếu quyết tâm, quyết liệt và có phương thức triển khai phù hợp, Hội đồng sẽ phát huy chức năng, vai trò, nhiệm vụ hiệu quả để phát triển vị thế ngành lúa gạo Việt Nam giai đoạn mới.
Xin cảm ơn ông!