Điện mặt trời mái nhà: Đừng ‘bới lông tìm vết’ để rồi ‘nhìn gà hóa cuốc’
Gia tăng đầu tư điện mặt trời trong các tòa nhà cao tầng, trung tâm thương mại Điện mặt trời áp mái: Nhìn ra thế giới Điện mặt trời áp mái nối lưới càng nhiều, chi phí hệ thống càng lớn |
Bộ Công Thương vừa công bố dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu. Đây là lần đầu tiên loại hình năng lượng này được xây dựng chính sách một cách rõ ràng trong đó phân định rõ điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu không đấu nối và có đấu nối với hệ thống điện quốc gia.
Mặc dù hoạt động điện lực là hoạt động đặc thù đòi hỏi các quy định nghiêm ngặt về kỹ thuật, an toàn, phòng chống cháy nổ song với trong vai trò cơ quan soạn thảo, Bộ Công Thương đã nhấn mạnh quan điểm là phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu chính là để khuyến khích tự dùng, đáp ứng nhu cầu tự thân, giảm áp lực cho hệ thống truyền tải điện quốc gia. Chính bởi vậy dự thảo Nghị định đã xây một loạt các cơ chế khuyến khích phát triển loại hình này.
Bộ Công Thương xây dựng nhiều chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu. Ảnh minh hoạ. |
Theo đó điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực; công trình xây dựng có lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu không phải thực hiện điều chỉnh, bổ sung đất năng lượng và công năng theo quy định của pháp luật; tổ chức, cá nhân phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu được giải quyết các hồ sơ, thủ tục theo cơ chế một cửa liên thông theo quy định tại Nghị định này.
Hai chính sách khác khuyến khích khác cũng rất đáng chú ý là khuyến khích các tổ chức, cá nhân kết hợp điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu với đầu tư, lắp đặt, vận hành hệ thống lưu trữ điện để chủ động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và sử dụng điện; ưu tiên bố trí ngân sách để thực hiện phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu lắp đặt tại các trụ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công, trụ sở của các cơ quan, đơn vị được xác định là tài sản công.
Có thể nói các chính sách khuyến khích trên đã mang dáng dấp của sự đột phá trong tư duy quản lý theo hướng vừa không tạo ra thêm các thủ tục hành chính mà còn giảm thiểu tối đa các thủ tục hành chính cần thiết đối với hoạt động đặc thù như phát triển điện.
Phát triển và quản lý luôn cần song hành bởi vậy trong khi đề ra các chính sách khuyến khích, quan điểm của Bộ Công Thương như được Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh nhiều lần là: “Nếu không đấu nối, liên kết với hệ thống điện quốc gia thì được ưu tiên phát triển không giới hạn về công suất, điều này không đòi hỏi tất cả đối tượng phải áp dụng không phát điện lên lưới, nhưng nếu không dùng hệ thống này thì chỉ được ghi nhận “giá 0 đồng” trong trường hợp phát dư công suất lên lưới điện quốc gia. Nếu có đấu nối, liên kết với hệ thống điện quốc gia thì tổng công suất phát triển trên cả nước không vượt quá 2.600MW (theo Quy hoạch và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII), nhưng cũng không cho phép mua bán điện trong trường hợp này”.
Tuy nhiên, sau khi dự thảo chính sách về khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái tự sản, tự tiêu được đưa ra để lấy ý kiến đã xuất hiện nhiều bình luận mang tính “bới lông tìm vết”, thậm chí là xuyên tạc các chủ trương quan điểm nêu trong dự thảo, xuyên tạc các chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương. Những ý kiến này đa phần xoáy sâu vào chi tiết "giá 0 đồng" để "thao túng tâm lý" hòng tìm cách dẫn dắt dư luận hiểu sai về chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời tự sản, tự tiêu. Không chỉ cố tình xuyên tạc, họ còn cố tình làm to câu chuyện “0 đồng” này để làm ảnh hưởng đến một chính sách đang là đòi hỏi của thực tiễn mà không ít ý kiến “phản biện” đang (và thậm chí) mong chờ cho chính sách này “chết yểu”.
Ai cũng biết rằng điện mặt trời là mặt hàng sản xuất ra gần như phải được tiêu thụ ngay bởi việc lưu trữ là một đòi hỏi mang tính thách thức lớn về mặt kỹ thuật trước khi có thể đóng được vai trò điện nền ở một thời điểm nào đó. Cùng với đó việc ưu tiên bảo đảm vận hành ổn định hệ thống truyền tải điện quốc gia luôn là nằm trong số các ưu tiên cao nhất của mọi quốc gia. Việc phát triển điện mặt trời là cần thiết nhưng không thể lấy việc phát triển này để tạo một sức ép cho hệ thống truyền tải điện quốc gia.
Cần nhìn nhận một thực tế là nhiều chính sách phát triển điện mặt trời thời gian qua đã chứng kiến không ít việc trục lợi, thậm chí phục vụ cho một số nhóm lợi ích mà nói nôm na là “mượn đầu heo nấu cháo”.
Việc thiết kế các chính sách phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu như được nêu trong dự thảo là hoàn toàn cần thiết mà bất cứ quốc gia nào có tiềm năng, có điều kiện đều phải tiến hành. Đương nhiên một chính sách không thể tạo ra một hiệu ứng “Achilles không có gót chân” nhưng chính sách mà cụ thể ở đây là phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu với một loạt các ưu đãi của cơ quan quản lý nhà nước mà cụ thể là Bộ Công Thương cần được nhìn nhận, đánh giá công bằng, khách quan, toàn diện.
Phản biện, góp ý, xây dựng chính sách là để chính sách tốt lên, thực tiễn hơn chứ không phải phản biện là để “bới lông tìm vết” để rồi “nhìn gà hoá cuốc”, vô hình chung cổ xuý cho những kẻ muốn nhằm hợp thức hoá những cái sai từng tồn tại hay tìm ra cho được một giọt mực để vẩy vào những chính sách đang cần hơi thở cuộc sống để hoàn thiện.