Hiệu quả tiết kiệm chống lãng phí nhìn từ dự án đường dây 500kV mạch 3
Rút ngắn thời gian thực hiện dự án chính là chống lãng phí
Tại Diễn đàn “Bộ Công Thương: Chống lãng phí, khơi thông nguồn lực phát triển” diễn ra vào sáng ngày 23/12 tại Hà Nội, Tổng giám đốc Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) Phạm Lê Phú khi nói về hiệu quả của dự án đường dây 500kV mạch 3 đã khẳng định: Việc sử dụng hiệu quả nguồn lực, rút ngắn thời gian thực hiện các công trình, dự án đầu tư công trọng điểm, quan trọng quốc gia hay những dự án có tác động lan tỏa cũng chính là chống lãng phí.
Hiệu quả tiết kiệm chống lãng phí nhìn từ dự án đường dây 500kV mạch 3 |
Dự án đường dây 500kV là một trong số ít những điển hình về chống lãng phí được Tổng Bí thư Tô Lâm nói đến. Tổng Bí thư Tô Lâm đã lưu ý tổng kết, nhân rộng kinh nghiệm triển khai dự án đường dây 500kV mạch 3 để rút ngắn thời gian thực hiện các công trình, dự án đầu tư công trọng điểm, quan trọng quốc gia, đường cao tốc, công trình trọng điểm, liên vùng, dự án có tác động lan tỏa.
Theo ông Phạm Lê Phú, các dự án truyền tải điện thường có quy mô và nguồn vốn đầu tư lớn. Lưới điện 500kV thường bao gồm các trạm biến áp công suất lớn và đường dây dài hàng trăm km kết nối các nhà máy điện lớn ở nhiều khu vực khác nhau trên toàn quốc; kết nối liên miền Bắc – Trung – Nam tạo nên một trục xương sống cung cấp điện cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Các đại biểu tham dự Diễn đàn. Ảnh: Cấn Dũng |
“Thông thường thời gian triển khai các dự án 500kV thường kéo dài từ 4 đến 5 năm (tính cả thời gian chuẩn bị đầu tư), tùy thuộc vào quy mô và độ phức tạp của mỗi dự án. Việc xây dựng các tuyến đường dây điện dài hàng trăm km, trạm biến áp lớn đòi hỏi rất nhiều thủ tục pháp lý cũng như thời gian triển khai thi công rất lâu”- Tổng giám đốc EVNNPT Phạm Lê Phú cho hay.
Dự án đường dây 500kV mạch 3: Điển hình về chống lãng phí trong đầu tư
Các dự án đường dây 500kV mạch 3 mà EVNNPT vừa thực hiện đầu tư là một ví dụ điển hình trong chống lãng phí. Với tổng chiều dài 519 km, điểm đầu là Trung tâm điện lực Quảng Trạch, điểm cuối là Trạm biến áp 500kV Phố Nối, gồm 04 Dự án thành phần, đi qua 211 xã, phường, thị trấn của 43 huyện, thị xã thuộc 9 tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hoá, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hải Dương và Hưng Yên.
Các dự án có quy mô lớn với tổng mức đầu tư gần 22.300 tỷ đồng (gần 1 tỷ USD), 1.177 vị trí cột, nhiều cột cao 145 m, nặng hơn 400 tấn, khối lượng đào đất đá là hơn 2,5 triệu m3, sử dụng hơn 705.000 m3 bê tông, gần 70.000 tấn cốt thép móng; tổng khối lượng lắp dựng cột thép là 139.000 tấn; kéo rải tổng cộng gần 14.000 km dây dẫn các loại.
Đây là các công trình truyền tải điện có vai trò đặc biệt quan trọng để nâng cao độ dự trữ ổn định trên giao diện Bắc - Trung, góp phần bổ sung công suất từ các nguồn điện khu vực Bắc Trung Bộ về trung tâm phụ tải khu vực miền Bắc; truyền tải công suất các nhà máy nhiệt điện và năng lượng tái tạo khu vực Bắc Trung Bộ vào hệ thống điện quốc gia; giảm tải và tránh quá tải cho các đường dây 500kV hiện hữu đảm bảo tiêu chí N-1, đặc biệt khi công suất truyền tải cao theo giao diện Bắc - Trung ở thời điểm các nhà máy thủy điện miền Bắc phát thấp.
Ông Phạm Lê Phú khẳng định, việc đẩy nhanh tiến độ các dự án đường dây 500kV mạch 3 đã mang lại nhiều hiệu quả và kết quả rõ rệt, đặc biệt là trong việc tiết kiệm, chống lãng phí nguồn điện và tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên. Các hiệu quả có thể được nhìn nhận qua một số khía cạnh chính sau:
Ông Phạm Lê Phú chia sẻ về hiệu quả của dự án đường dây 500kV mạch 3 mang lại do rút ngắn thời gian thực hiện. Ảnh: Cấn Dũng |
Thứ nhất, giảm tải cho các tuyến đường dây hiện tại: Trước khi mạch 3 được triển khai, các tuyến đường dây 500kV mạch 1 và mạch 2 thường xuyên phải hoạt động hết công suất, dẫn đến tình trạng quá tải và không thể truyền tải hết nguồn điện, đặc biệt là trong các giờ cao điểm. Việc đẩy nhanh tiến độ đường dây 500kV mạch 3 giúp phân bổ lại tải giữa các tuyến, giảm tình trạng quá tải, giảm tổn thất điện năng và nâng cao hiệu quả truyền tải.
Thứ hai, tăng cường khả năng truyền tải nguồn điện lớn: Các nhà máy điện (đặc biệt là các nhà máy năng lượng tái tạo ở miền Trung, miền Nam) có công suất cao, giá thành rẻ. Tuy nhiên, trong trường hợp thiếu đường truyền tải, phần điện này có thể bị lãng phí vì không thể chuyển đến các khu vực tiêu thụ. Đẩy nhanh tiến độ đường dây 500kV mạch 3 giúp truyền tải điện hiệu quả hơn, giảm tình trạng thừa điện không được sử dụng, đặc biệt trong các tháng cao điểm mùa khô hoặc mùa mưa bão.
Những con số được Công ty vận hành Hệ thống điện và Thị trường điện Quốc gia (NSMO) thống kê đã cho thấy rõ hiệu quả: Giới hạn truyền tải hiện tại đã được nâng lên 4.600 - 5.000MW theo từng chế độ vận hành.
“Điều này có ý nghĩa lớn khi trước đó, với 2 mạch đường dây 500kV, giới hạn truyền tải chỉ tương ứng 2.200MW trên giao diện Bắc - Trung. Trong gần 2 tháng vận hành, có những thời điểm công suất vận hành tối đa đã đạt trên ĐZ Quảng Trạch-Thanh Hóa lên đến gần 1.600MW, Thanh Hoá - Phố Nối lên đến 1.200MW. Với chiều ngược lại từ Bắc vào Trung tương ứng là 1.540MW và 1.370MW”- ông Phú khẳng định.
Cùng đó, sản lượng truyền tải trên đường dây Phố Nối - Thanh Hóa đạt 87 triệu kWh, đường dây Thanh Hóa - Quảng Trạch đạt 185 triệu kWh theo chiều Bắc - Trung. Sản lượng truyền tải của cả giao diện là 940 triệu kWh. Theo chiều ngược lại, sản lượng truyền tải trên đường dây Phố Nối - Thanh Hóa đạt 168 triệu kWh, đường dây Thanh Hóa – Quảng Trạch đạt 67 triệu kWh theo chiều Trung – Bắc, trong khi sản lượng truyền tải của cả giao diện là 530 triệu kWh.
Dự án sớm đưa vào khai thác đã tận dụng tối đa nguồn điện tái tạo, kết nối các nguồn điện tái tạo với hệ thống điện quốc gia.
Các đại biểu tham dự Diễn đàn. Ảnh: Cấn Dũng |
Việc đẩy nhanh tiến độ các tuyến đường dây 500kV mạch 3 giúp giảm lãng phí nguồn điện này bằng cách truyền tải kịp thời và hiệu quả đến các khu vực có nhu cầu sử dụng điện. Khi hệ thống truyền tải không được hoàn thành đúng tiến độ, nhiều công trình điện, đặc biệt là các nhà máy điện mới, không thể kết nối vào lưới điện quốc gia. Điều này làm cho nguồn điện sản xuất ra không được sử dụng tối đa, dẫn đến lãng phí năng lượng, làm chậm quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch.
Các nhà đầu tư trong và ngoài nước có thể chần chừ trong việc triển khai các dự án năng lượng khi thấy rằng hệ thống truyền tải chưa phát triển đầy đủ hoặc có sự chậm trễ trong việc kết nối điện. Điều này làm giảm sự hấp dẫn của thị trường năng lượng quốc gia và có thể làm mất cơ hội phát triển bền vững trong tương lai.
Tăng cường tính ổn định và an ninh cung cấp điện: Việc đẩy nhanh tiến độ các dự án đường dây 500kV mạch 3 đã giúp tăng cường sự ổn định của hệ thống điện quốc gia. Các khu vực miền Bắc và miền Nam, nơi có nhu cầu sử dụng điện cao, sẽ được cung cấp nguồn điện ổn định hơn, đồng thời giảm thiểu sự phụ thuộc vào các tuyến truyền tải hiện tại, vốn có thể gặp sự cố trong điều kiện quá tải. Các ngành công nghiệp, đặc biệt là các ngành có nhu cầu điện lớn như sản xuất thép, chế biến thực phẩm, dệt may, v.v., rất cần có hệ thống truyền tải điện ổn định và đủ công suất. Khi hệ thống truyền tải bị chậm, các nhà máy, cơ sở sản xuất không thể hoạt động hết công suất, dẫn đến giảm năng suất lao động, gián đoạn trong chuỗi cung ứng và thậm chí là thiệt hại về kinh tế.
Bên cạnh đó, dự án cũng đã giúp tạo ra một hệ thống dự phòng vững chắc hơn trong trường hợp xảy ra sự cố trên các tuyến truyền tải khác. Điều này không chỉ giúp bảo vệ an ninh năng lượng mà còn giúp tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng, giảm tổn thất trong quá trình truyền tải và cung cấp điện cho các khu vực tiêu thụ. Đồng thời giảm sự phụ thuộc vào các nguồn phát điện đặt đó, cũng nh wtoois ưu hóa sử dụng nguồn lực tài chính và cơ sở hạ tầng.
Những bài học kinh nghiệm được rút ra từ dự án đường dây 500kV mạch 3
Theo ông Phạm Lê Phú, nếu như đường dây 500kV mạch 1 được triển khai đầu tư xây dựng bằng tinh thần dám làm, dám chịu trách nhiệm, đường dây 500kV mạch 2 bằng tinh thần phát huy nội lực, khả năng tự cường dân tộc, thì Dự án đường dây 500kV mạch 3 được triển khai trên tinh thần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị từ Chính phủ, các Bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp, người dân đã chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, đổi mới cách làm để đưa Dự án về đích đúng tiến độ.
Toàn cảnh diễn đàn. Ảnh: Cấn Dũng |
Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần nhấn mạnh: "Nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, tầm nhìn, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới và sáng tạo, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân và doanh nghiệp". Từ thành công của các Dự án mạch 3, EVN và EVNNPT đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm quý như sau:
Thứ nhất: công tác Lãnh đạo, chỉ đạo. Các Dự án được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Nhà nước các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng (Ban chỉ đạo), Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, sự vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương các cấp.
Thứ hai: công tác quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện. Ngay từ khi bắt đầu triển khai dự án Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo “Tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó; việc phân công phải rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ sản phẩm, rõ kết quả, dễ kiểm tra, đôn đốc, đánh giá”. Hàng tháng Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ trực tiếp họp để kiểm tra tiến độ và giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị. Ban chỉ đạo Nhà nước các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trong điểm ngành năng lượng tổ chức họp định kỳ 2 tuần 1 lần dưới sự chủ trì của đồng chí Phó Trưởng ban thường trực, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, phân rõ trách nhiệm, thời gian giải quyết để thúc đẩy tiến độ….
Thứ ba, sự vào cuộc các cấp chính quyền các cấp và đồng thuận của người dân địa phương. Thực hiện chỉ đạo của Thủ Tướng chính phủ về “4 tại chỗ” người dân và các doanh nghiệp địa phương tham gia cung cấp nguyên vật liệu, máy thi công, tham gia thi công các hạng mục phù hợp với năng lực.
Kết quả các Dự án đã huy động tại các địa phương: 2.267 máy thi công các loại, chiếm 92% tổng số máy thi công; 7.273 người, chiếm 90% lao động phổ thông; mua vật liệu xây dựng của 226 Công ty, chiếm 95% tổng khối lượng.
Thứ tư: sự cố gắng nỗ lực, chung sức, chung lòng của tất cả các lực lượng tham gia xây dựng. Các nhà thầu cung cấp cột thép, nhà thầu thi công xây dựng đã tập trung mọi nguồn lực, nỗ lực cùng chủ đầu tư vượt mọi khó khăn, tổ chức sản xuất, thi công “3 ca 4 kíp”, “vượt nắng, thắng mưa”, “xuyên lễ/Tết/ngày nghỉ”, đảm bảo tiến độ, chất lượng yêu cầu.
EVN/ EVNNPT phát huy toàn bộ sức mạnh nội sinh và tinh thần “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, huy động hơn 3.300 cán bộ, công nhân trong các đơn vị của ngành Điện trên mọi miền đất nước tình nguyện tham gia hỗ trợ thi công các Dự án. Đồng thời, phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng Quân đội, Công an nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, các Tập đoàn nhà nước, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội phụ nữ các địa phương đã cùng với EVN/EVNNPT, các nhà thầu phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ, hiệu quả theo đúng tinh thần "trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt".
Các Tập đoàn Viettel, PVN và VNPT đã cùng chung sức cử 12 tổ đội với gần 250 người tham gia dựng cột. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã kịp thời vận chuyển gần 1.000 container vật tư thiết bị nhập khẩu để bàn giao cho các đơn vị thi công. Quân khu IV đã cử hơn 1.000 cán bộ, chiến sỹ hỗ trợ vận chuyển vật tư thiết bị, kéo dây tại các vị trí thi công khó khăn. Lực lượng Công an thường xuyên bám sát công trường đảm bảo an ninh trật tự. Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Đoàn thanh niên 09 tỉnh đã phát huy tinh thần“đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”, huy động 465 đội với 6.272 thanh niên tình nguyện tham gia tại 297 điểm thi công, hỗ trợ vận động người dân tháo dỡ, di dời nhà cửa, vận chuyển vật tư thiết bị, đảm bảo công tác an toàn giao thông.
EVNCPC cử hơn 400 người là các kỹ sư, công nhân điện, công nhân lái xe từ 13 Công ty Điện lực và Công ty Dịch vụ Điện lực miền Trung xung kích hỗ trợ Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia thực hiện dự án đường dây 500kV mạch 3 (Quảng Trạch - Phố Nối) |
Thứ năm, vai trò quan trọng của công tác truyền thông. Do làm tốt công tác tuyên truyền nên nhân dân địa phương hiểu được tầm quan trọng của dự án luôn đồng thuận và ủng hộ các dự án. Tính từ khi Dự án được khởi công đến thời điểm hoàn thành, đóng điện đã có hơn 6.600 tin bài được đăng tải trên các phương tiện truyền thông khác nhau như truyền hình quốc gia/địa phương, báo điện tử, báo giấy, mạng xã hội, thu hút sự quan tâm theo dõi và tương tác của nhiều triệu lượt khán giả, bạn đọc trên mọi miền đất nước.
Thứ sáu, phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn trong công tác thi đua, động viên tinh thần hăng say lao động. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Công đoàn Điện lực Việt Nam, Công đoàn EVNNPT đã thường xuyên thăm hỏi, tặng quà, động viên người lao động, khích lệ tinh thần làm việc hăng say trên công trường. Phát động/sơ kết nhiều phong trào thi đua như: “Tiến độ nhanh nhất; Chất lượng tốt nhất; An toàn tiết kiệm nhất; Sáng tạo nhất; Chăm lo đời sống tốt nhất”; Chiến dịch thi đua nước rút “45 ngày đêm hoàn thành các Dự án Đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch - Phố Nối”;... Các phong trào được chủ đầu tư, nhà thầu thi công, gia công chế tạo cột thép và các đơn vị liên quan với khoảng 30.000 người lao động nhiệt tình hưởng ứng tạo động lực, quyết tâm hoàn thành các Dự án đúng tiến độ.
Với tinh thần chung sức đồng lòng, phát huy khối đại đoàn kết dân tộc, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, Dự án Đường dây 500kV mạch 3 đã hoàn thành thắng lợi! Tinh thần thần tốc, quyết thắng của Dự án đã truyền động lực cho người dân, doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị trong công cuộc phát triển hạ tầng của đất nước, góp phần thực hiện 3 đột phá chiến lược về hạ tầng mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra.