Những thách thức pháp lý dai dẳng về môi trường đầu tư: Góc nhìn doanh nghiệp châu Âu
Tháo gỡ vướng mắc, cải thiện môi trường đầu tư Làm gì để giữ chân “đại bàng” đầu tư nước ngoài? "Ông lớn" FDI kiến nghị những gì để cải thiện môi trường đầu tư Việt Nam? |
Liên quan đến môi trường đầu tư của Việt Nam, điểm đáng chú ý trong báo cáo là, Chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) trong quý vừa rồi là bất chấp mức tăng trưởng GDP mạnh mẽ nửa đầu năm đã giảm từ 52,8 trong quý I xuống 51,3 trong quý II năm 2024. Có thể thấy gì về mức sụt giảm được nhìn nhận là “nhẹ” này?
Điểm lớn nhất ở đây chính là việc cho dù môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam được xem là có nhiều nỗ lực, có nhiều cải tiến song dường như các nỗ lực đó đang đòi hỏi nhiều hơn, nhanh hơn để có thể duy trì hình ảnh của một điểm đến hấp dẫn trong thu hút đầu tư khi các nước trong khu vực cũng đang có những động thái quyết liệt không kém Việt Nam trong việc cải thiện chính sách thu hút đầu tư. Đi cùng đó là sự cần thiết phải tiếp tục điều chỉnh chính sách để duy trì đà tăng trưởng.
Trong khi các doanh nghiệp châu Âu vẫn lạc quan về tiềm năng của Việt Nam, báo cáo của EuroCham đã nêu bật những thách thức pháp lý mang tính dai dẳng cản trở tăng trưởng và đầu tư.
Cụ thể, các biểu hiện mà báo cáo của EuroCham gọi là sự “dai dẳng” được thể hiện dưới các khía cạnh chính như các quy định mơ hồ được giải thích theo nhiều cách khác nhau; thủ tục hành chính rườm rà; khó khăn trong việc xin giấy phép và phê duyệt.
Bên cạnh sự “dai dẳng” đó còn là những thách thức về thị thực và giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài cũng như sự tồn tại của việc phê duyệt mang tính trùng lặp hoặc không nhất quán giữa các cấp chính quyền.
Việt Nam cần cải thiện nhiều hơn nữa về chính sách thu hút FDI theo EuroCham |
Các rào cản mang tính pháp lý khác còn được thể hiện ở việc cấp phép cho lao động nước ngoài và bảo vệ dữ liệu cá nhân. Theo khảo sát của EuroCham, liên quan đến giấy phép lao động và thị thực cho người nước ngoài, mặc dù Nghị định số 70/2023/NĐ-CP được ban hành vào tháng 9/2023 nhằm đơn giản hóa thủ tục cấp phép lao động và thị thực cho người lao động nước ngoài, nhưng chỉ có 3,3% số người được hỏi cho biết có những cải thiện đáng kể. Trong khi một nửa số người được hỏi cho rằng có một số tiến bộ thì một phần tư cho thấy không có thay đổi nào.
“Tăng cường quá trình này là rất quan trọng để thu hút nhân tài quốc tế và thúc đẩy trao đổi kiến thức”, EuroCham nêu quan điểm
Trong khi đó, Nghị định số 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân (PDPD) được thiết kế để bảo vệ thông tin cá nhân đã vô tình gây ra sự lo lắng trong các doanh nghiệp. 1/4 số người tham gia khảo sát thừa nhận chưa hiểu đầy đủ các yêu cầu của Nghị định và chỉ 1/3 cảm thấy tự tin vào khả năng tuân thủ của mình. Điều này nhấn mạnh sự cần thiết phải có hướng dẫn và hỗ trợ rõ ràng hơn từ các cơ quan chức năng để bảo đảm quá trình chuyển đổi và tuân thủ được diễn ra suôn sẻ.
Để thúc đẩy dòng chảy FDI tiếp tục đổ vào Việt Nam, kích thích tăng trưởng kinh tế, báo cáo của EuroCham đã đưa ra năm cách thức. Theo đó cần hợp lý hóa các quy trình hành chính và thủ tục; tăng cường sự rõ ràng trong pháp luật để giảm bớt việc giải thích không chính xác; phát triển cơ sở hạ tầng cốt lõi (đường, cảng, cầu...); đơn giản hóa thủ tục cấp thị thực, giấy phép lao động cho chuyên gia nước ngoài; bảo đảm ổn định chính trị và an ninh.
Theo các chuyên gia, Việt Nam hoàn toàn có thể làm ngay và làm tốt hơn những phương thức này để không bỏ lỡ các cơ hội trong bối cảnh thời gian cho các nhà đầu tư ra quyết định đang ngày càng ngắn lại.