Tiền tài khoản ''không cánh mà bay'' và nỗi lo an toàn ngân hàng điện tử
Hiện nay, mô hình ngân hàng điện tử (e-banking) đã được hầu hết các ngân hàng thương mại Việt Nam triển khai trong hệ thống các chi nhánh, phòng giao dịch.
Những lợi ích của ngân hàng điện tử có lẽ không cần phải bàn cãi khi tốc độ chuyển tiền nhanh chóng (gần như tức thời) và dễ dàng mọi lúc mọi nơi, dễ dàng thanh toán các hóa đơn trực tuyến, tra cứu số dư tài khoản, kết nối với ví thông minh, và còn vô số thứ khác.
Lại có câu: “Ngân hàng điện tử đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại”, hay “ăn, ngủ cùng ngân hàng điện tử”.
Nhưng thử tưởng tượng vào một ngày đẹp trời nào đó người ta bỗng nhiên nhận được một dòng tin nhắn từ chính ngân hàng điện tử thân thiết hơn cả vợ hay bạn gái kia rằng “tài khoản của quý khách còn (vài chục nghìn) đồng” trong khi vẫn yên chí, đinh ninh rằng số tiền hàng chục, hàng trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng vẫn được “ngủ yên” tại một nơi được coi là an toàn nhất nhì trong cuộc sống này thì người ta sẽ phải làm gì sau vài phút “đứng hình”?
An toàn của ngân hàng điện tử gắn liền với bảo mật dữ liệu cá nhân. Ảnh minh hoạ. |
Những dáng vẻ xinh tươi của những cô nhân viên giao dịch, những động tác, lời nói giao dịch ngọt ngào bỗng chốc tan biến và thay vào đó là hành trình đầy gian khổ không có điểm dừng để làm rõ sự việc và cũng gian khổ không kém để những mong đòi lại tiền.
Cay đắng nhất là việc các vụ tài khoản ngân hàng điện tử "bốc hơi" lại thường rơi vào những khách hàng thuộc diện chăm sóc VIP của các ngân hàng với số tiền “khủng” 9, 10 chữ số trở lên gửi vào ngân hàng chứ ít khi nhằm vào mấy tài khoản vài triệu, vài chục triệu đồng.
Với sự phát triển của công nghệ thông tin, rủi ro về an ninh thông tin cũng tăng lên rất mạnh. Nếu hệ thống bảo mật không được bảo đảm đủ tốt, thông tin cá nhân và tài khoản ngân hàng của khách hàng có thể bị đánh cắp hoặc lộ ra ngoài... khiến cho kẻ lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách hàng.
Tình trạng lợi dụng dịch vụ ngân hàng điện tử để lừa đảo hoành hành rất mạnh từ cuối năm 2023 đến nay. Các đối tượng lừa đảo thường tập trung đánh vào điểm yếu nhất trong chuỗi giá trị thanh toán là người dùng. Theo đánh giá của Bộ Công an, trong năm 2023, tổng số tiền người dân bị các đối tượng lừa đảo qua mạng (trong đó có cả ngân hàng điện tử khoảng 8.000 đến 10.000 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với năm 2022.
Rõ ràng ở đây, dữ liệu cá nhân của người dùng trong đó có nhiều dữ liệu liên quan đến tài khoản ngân hàng đã bị lộ lọt để xuất hiện giữa “thanh thiên bạch nhật” ngay trước mắt những kẻ tội phạm. Trong khi đó việc thiếu vắng những căn cứ pháp luật liên quan đến bảo vệ dữ liệu cá nhân đang tạo mối de doạ không nhỏ cho sự an toàn của những tài khoản
Những sự việc mất tiền như đã xảy ra (và sẽ còn tiếp tục xảy ra) nếu không được giải quyết hợp lý, kịp thời, hoặc một câu trả lời rõ ràng, dứt khoát về trách nhiệm của phía ngân hàng nhận gửi tiền sẽ gây hậu quả không hề nhẹ, không hề nhỏ đối với cá nhân người bị mất tiền.
Chẳng những vậy, đây còn là một lỗ hổng pháp lý lớn để các đối tượng xấu như tội phạm mạng, hacker, thậm chí là cán bộ, nhân viên tại ngân hàng dễ dàng chiếm đoạt tiền trong tài khoản của người dân, như đã từng xảy ra. Đồng thời, sẽ làm mất lòng tin của hình thức ngân hàng điện tử nơi mà khách hàng đặt trọn niềm tin để gửi tiền, tài sản của mình vào ngân hàng quản lý và kinh doanh, nếu không muốn nói xa hơn là mất lòng tin vào tính thanh khoản của các ngân hàng.