Thủ tướng Chính phủ: Dứt điểm thực hiện hóa đơn điện tử trong bán lẻ xăng dầu trong tháng 3
Theo đó, đến 31/3/2024 xem xét xử lý các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không thực hiện quy định về hóa đơn điện tử, trong đó có cả việc yêu cầu tạm dừng hoạt động kinh doanh và thu hồi giấy phép, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của Thủ tướng, trong ngày 18/3/2024, Bộ Công Thương đã liên tiếp có 2 văn bản nhấn mạnh nhiệm vụ với các địa phương tập trung ưu tiên nguồn lực hỗ trợ thương nhân kinh doanh xăng dầu thực hiện quy định về việc lập và phát hành hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu, đặc biệt là trong việc lập hóa đơn điện tử tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu cho các khách hàng theo từng lần bán hàng và cung cấp dữ liệu hóa đơn điện tử theo quy định.
|
Đồng thời, yêu cầu các thương nhân kinh doanh xăng dầu tiến hành lập hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu, đặc biệt là trong việc lập hóa đơn điện tử tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu cho các khách hàng theo từng lần bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu và cung cấp dữ liệu hóa đơn điện tử theo quy định.
Số liệu mới nhất từ Tổng cục Thuế cho biết, tính đến ngày 15/3/2024, tổng số cửa hàng xăng dầu đã thực hiện xuất hoá đơn điện tử cho từng lần bán hàng là 10.649 cửa hàng, đạt khoảng 67,6% số cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên toàn quốc.
Lý do chính của các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu "lần lữa" chưa chấp hành chỉ đạo của Chính phủ và các bộ là thực hiện công việc này đòi hỏi chi phí đầu tư và lo ngại “ách tắc” trong khâu phục vụ.
Trong khi đó, Khoản 1 Điều 90 Luật Quản lý thuế quy định, khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn điện tử để giao cho người mua, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ. Khoản 4 Điều 9 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định, thời điểm lập hoá đơn điện tử đối với trường hợp bán xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ cho khách hàng là thời điểm kết thúc việc bán xăng dầu, theo từng lần bán. Các cửa hàng xăng dầu bắt buộc phải thực hiện phát hành hoá đơn theo từng lần bán hàng, từ ngày 1/7/2022.
Trên thực tế, khảo sát diện rộng của các cơ quan chức năng cho thấy rõ, thực tế tại các điểm cây xăng bán lẻ đã áp dụng xuất hoá đơn điện tử không có sự ách tắc như lo ngại, công việc phục vụ bán hàng vẫn diễn ra suôn sẻ. Việc lập hóa đơn điện tử là theo phần mềm, được thực hiện tự động, số lượng hóa đơn đã xuất sẽ được lưu trữ đầy đủ bằng hình thức điện tử (không phải in ra). Do đó, hoạt động này không làm mất thời gian của người mua không có nhu cầu lấy hóa đơn nhưng vẫn tạo điều kiện doanh nghiệp tuân thủ đúng quy định cũng như phục vụ cho công tác quản lý.
Trong khi đó, khảo sát của các đơn vị cung cấp dịch vụ cũng cho thấy một con số khá bất ngờ khi hóa đơn xuất ra cũng chỉ mất khoảng 40 - 60 đồng/hóa đơn, nghĩa là con số hàng tỷ đồng mà các doanh nghiệp cho rằng phải bỏ ra để đầu tư cho việc thực hiện xuất hoá đơn điện tử cho bán lẻ dường như không có căn cứ đứng vững, nếu không muốn nói là thiếu chính xác.
Ích lợi từ việc xuất hoá điện tử trong bán lẻ xăng dầu với cơ quan quản lý lẫn doanh nghiệp đã là rõ ràng không còn gì phải bàn cãi. Điều đáng mừng là cùng với sự vào cuộc thường xuyên, quyết liệt của Bộ Công Thương cùng các bộ chức năng, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cũng đã có bước chuyển mạnh mẽ trong nhận thức với việc những tháng gần đây số lượng cây xăng bán lẻ xăng dầu đã tăng đáng kể.
Xăng dầu là mặt hàng chiến lược, là đầu vào quan trọng của nền kinh tế. Do đó việc tạo bước chuyển cơ bản trong quản lý và kinh doanh mặt hàng này không chỉ tạo một phong cách kinh doanh văn minh, minh bạch mà còn góp phần ổn định thị trường trong nước cũng như nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp, thương nhân kinh doanh xăng dầu.