Từ lừa đảo trên mạng đến nỗi lo an toàn dữ liệu
Giả danh giám đốc Công ty Xổ số miền Bắc để lừa đảo trên mạngThừa Thiên Huế: Khởi tố hai “thầy bói” lừa đảo trên Facebook |
Một người bạn của chúng tôi kể, trong câu chuyện liên quan đến lừa đảo trên mạng hoặc qua điện thoại gần đây, đều đặn sáng và chiều, điện thoại của anh nhận được các cú gọi có đầu số 024 hoặc 028, rằng anh được “tặng” vài chục triệu vào tài khoản và đây chỉ là cuộc gọi một chiều, nếu không nghe sẽ “mất” tiền.
“Miếng pho-mai miễn phí chỉ có trên bẫy chuột”, anh nói.
Tưởng như không nghe thì thôi nhưng những kẻ lừa đảo giấu mặt vẫn không buông tha anh. Hôm mới rồi lại có cú điện thông báo dữ liệu cá nhân của anh bị sai cần “điều chỉnh” gấp.
Vẫn giữ “phong độ” tỉnh táo, anh cười khà khà rồi dập máy.
Càng về cuối năm, lừa đảo trên mạng càng hoạt động mạnh, tần suất cao gấp nhiều lần. Theo số liệu của Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2023, tình hình lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái; tăng 37,82 % so với 6 tháng cuối năm 2022
Bên cạnh những thông báo “cổ điển” rằng khổ chủ liên quan đến ma tuý, tội phạm, nhận hàng và muôn vàn dạng thức nội dung khác, chốt lại của những cú điện thoại không mời mà gọi ấy đều là chuyển tiền đến một tài khoản được chỉ định, đã có không ít những dạng thức tinh vi hơn, cao cấp hơn như nhờ truy cập link, dùng trí tuệ nhân tạo để dựng hình ảnh người quen, đối tác, giao thức song cũng chung mục đích là đồng tiền.
Ảnh minh hoạ. |
Các chuyên gia cho rằng, với trào lưu chuyển đổi số càng ngày càng mạnh mẽ, các thiết bị di động ngày càng phổ biến, tần suất sử dụng ngày một cao thực sự là "kho tàng" nơi chứa các ứng dụng nhắn tin và mạng xã hội mà chúng ta sử dụng. Trong khi đó, lừa đảo cũng đang ẩn nấp trên các nền tảng này, chờ đợi "con mồi" sập bẫy và vô tình thiết bị di động vốn tưởng như thân thiết bỗng trong một phút giây nào đó trở thành vật phản chủ.
Cảnh báo các hình thức lừa đảo tuy là kịp thời, là cần thiết nhưng hoàn toàn chưa đủ sức răn đe. Người dân tuy đã ngày càng tỉnh táo hơn, chủ động trong các tương tác, giao tiếp, nhất là trong giao tiếp, tương tác với các cơ quan chức năng nhưng sự chủ động đó của họ dường như chưa theo kịp sự gian manh của các đối tượng lừa đảo trên mạng.
Câu chuyện ở đây chính là mức độ an toàn của các dữ liệu công dân, dữ liệu doanh nghiệp được bảo mật, bảo đảm đến đâu. Bởi trong các đối thoại trên mạng, các đối tượng này cho thấy nắm rõ thông tin đến từng chi tiết chẳng khác gì “nằm gầm giường” của công dân, doanh nghiệp.
Có nhiều bằng chứng để khẳng định, Việt Nam tồn tại từ lâu một thị trường mua đi bán lại các dữ liệu cá nhân, doanh nghiệp. Số liệu của các cơ quan chức năng cho thấy, dữ liệu cá nhân của hơn 2/3 dân số Việt Nam đang bị thu thập, chia sẻ trên mạng với nhiều hình thức và mức độ khác nhau.
Bên cạnh thói quen bất cẩn của người dân trong trao đổi, lưu trữ dữ liệu cá nhân, sự bảo đảm an toàn trong các trao đổi này liệu đã được các nhà mạng di động quan tâm đúng mức hay chưa cũng là một câu hỏi lớn. Bởi ngay trong một cuộc họp của cơ quan chức năng với các nhà mạng trong việc chống lại hiện tượng tin nhắn rác, người viết bài này đã chứng kiến sự phản ứng có phần hờ hững của đại diện các nhà mạng có mặt tại chỗ.
Chuyển đổi số càng mạnh, dữ liệu giờ đây không chỉ là tài sản, là uy tín của người dân, doanh nghiệp mà còn là công cụ để các đối tượng lừa đảo trên mạng có thể dễ bề thao túng tâm lý người dân, doanh nghiệp. Bởi vậy, những vụ lừa đảo trên mạng như đã thấy thời gian qua không thể gọi là hiện tượng được nữa mà nó là bằng chứng sống cho thấy việc bảo mật an toàn dữ liệu ở Việt Nam còn nhiều lỗ hổng đang đòi hỏi có các giải pháp công nghệ “bịt” cấp thiết.