Thấy gì từ thông điệp kiên quyết của một số Bí thư Tỉnh ủy về quản lý đất đai?
Tình trạng một bộ phận cán bộ tại các địa phương làm công tác quản lý đất đai có các hành vi gây nhũng nhiễu, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, thậm chí là có các hành vi tham nhũng đã gây ra không ít sự cản trở cho tiến trình phát triển. Cùng đó để lại không ít những bài học cho công tác quản lý cán bộ khi thời gian qua đã phải chứng kiến việc nhiều cán bộ, công chức tại các địa phương ra trước vành móng ngựa và đối diện với các bản án nghiêm khắc.
Để đấu tranh kiên quyết với tình trạng nhũng nhiễu trong lĩnh vực quản lý đất đai, đưa nguồn lực đất đại phát huy tác dụng với phát triển kinh tế ở các địa phương nói riêng và cả nước nói chung, nhất là khi các điều luật của Luật Đất đai sắp đi vào thực thi, vai trò của người đứng đầu tổ chức Đảng ở địa phương là hết sức quan trọng.
Phát huy nguồn lực đất đai để phát triển kinh tế - xã hội cả nước. (Ảnh minh hoạ) |
Điều đáng mừng là tại một số tỉnh, bước đầu đã có những chuyển động theo hướng này, cho thấy tư duy mới trong tăng cường sự chỉ đạo của người đứng đầu tổ chức đảng các tỉnh.
Tại tỉnh Đồng Tháp mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong có công văn yêu cầu Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, các cơ quan giúp việc Tỉnh ủy, Tỉnh đoàn và các Huyện ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong thi hành công vụ.
Công văn này có nội dung nêu rõ, các hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn phiền hà cho người dân và doanh nghiệp của một bộ phận cán bộ, công chức trong thi hành công vụ, gây bức xúc trong nhân dân, nhất là việc đăng ký cấp giấy chứng nhận, chuyển đổi mục đích sử dụng đất; xin cấp phép đầu tư, đăng ký kinh doanh; đấu thầu, xây dựng cơ bản; lĩnh vực giáo dục, y tế, thuế... đã làm giảm lòng tin của người dân, ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của địa phương.
Từ thực trạng này, Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, xử lý hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong thi hành công vụ trong lĩnh vực đăng ký cấp giấy chứng nhận, chuyển đổi mục đích sử dụng đất; xin cấp phép đầu tư, đăng ký kinh doanh; đấu thầu, xây dựng cơ bản…
Cùng đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót, việc khắc phục những kết luận, kiến nghị; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong thi hành công vụ. Đồng thời, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong ngành, lĩnh vực, cơ quan, đơn vị thuộc trách nhiệm phụ trách, quản lý.
Tại một địa phương khác, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An cho biết tỉnh sẵn sàng thay thế ngay cán bộ, công chức viên chức có hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu trong giải quyết các thủ tục đất đai.
Phát biểu trong buổi làm việc mới đây với ngành tài nguyên môi trường để đánh giá công tác quản lý nhà nước, tháo gỡ khó khăn về đất đai và việc chuẩn bị triển khai luật Đất đai 2024, Bí thư Dương Văn An đã yêu cầu không để xảy ra tình trạng trễ hẹn trong giải quyết thủ tục đất đai, không để xảy ra tiêu cực; trong trường hợp trễ hẹn hồ sơ đất đai phải tìm ra nguyên nhân trễ hẹn từ khâu nào, lý do vì sao để khắc phục.
"Nếu có sai phải xin lỗi dân một cách chân thành, bằng lương tâm, trách nhiệm của công chức thi hành công vụ; sửa chữa kịp thời các sai sót ấy, hướng đến giảm tối đa các sai sót, để không còn phải xin lỗi nữa", Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An nói.
Có thể thấy, tuy là công tác chỉ đạo ở địa phương song những thông điệp rõ ràng, kiên quyết của các Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp và Bình Thuận cho thấy có những bước chuyển trong tư duy quản lý liên quan đến các vấn đề quốc gia mang tính đại sự là quản lý đất đai và phòng, chống tham nhũng.
Luật Đất đai số 31/2024/QH15 đã quán triệt đầy đủ và thể chế hóa theo đúng tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ 5 BCH Trung ương Đảng khóa XIII, phù hợp với hiến pháp, đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành. Luật sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.
Trong bối cảnh Luật Đất đai sắp đi vào thực thi, việc nâng cao hiệu lực quản lý, nâng cao năng lực, trình độ, cán bộ trực tiếp và gián tiếp liên quan đến lĩnh vực đất đai là hết sức quan trọng để góp phần đưa các nội dung của Luật Đất đai đi vào cuộc sống.
Đồng thời là dịp để nâng cao đạo đức thực thi công vụ của đội ngũ làm công tác này thực sự công tâm, không tạo ra các rào cản hạn chế phát huy nguồn lực đất đai với phát triển kinh tế - xã hội địa phương cũng như trên phạm vi cả nước; đồng thời cũng như không để có cán bộ, công chức rơi vào vòng xoáy của các hành vi tham nhũng, tư lợi, lợi ích nhóm để cuối cùng phải gánh chịu trách nhiệm hình sự.
Đây cũng là dịp để các địa phương có các biện pháp cần thiết để động viên và bảo vệ đội ngũ cán bộ, công chức dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì sự phát triển chung.