Thừa Thiên Huế: Quan tâm đến công tác dân tộc và đời sống tinh thần của đồng bào
Trong đó, lễ Phát động phong trào “Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo” và Hội thảo “Xây dựng và bảo tồn giá trị văn hóa đồng bào Cơ tu” là 2 nội dung trọng tâm của công tác dân tộc được tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức trong năm 2022.
Phát động phong trào “Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo”
Lễ phát động do Ban Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức với sự tham gia của gần 150 già làng, trưởng bản, người có uy tín trên địa bàn huyện A Lưới. Việc phát động phong trào “Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo” nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của các dòng họ, dòng tộc, làng, bản, đặc biệt là vai trò của trưởng họ, trưởng tộc, già làng, trưởng thôn, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số gương mẫu, nòng cốt đi đầu trong thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững.
Tạo điều kiện tốt nhất để đồng bào lao động sản xuất |
Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, phát huy nội lực của các dòng họ, làng, bản, người có uy tín chung tay cùng cấp ủy, chính quyền địa phương động viên, khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các gia đình trong dòng họ, làng, bản nỗ lực vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no, góp phần thực hiện thành công công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh.
Để phong trào thi đua được thực hiện sâu rộng, có hiệu quả, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu cả hệ thống chính trị vào cuộc, hỗ trợ đồng bộ, kịp thời chung tay cùng các hộ nghèo thoát nghèo; quyết tâm phấn đấu hộ nghèo có sức lao động phải thoát nghèo. Đặc biệt, già làng, trưởng bản, người có uy tín phải nêu cao hơn nữa vai trò của mình trong làng bản, dòng họ nhằm động viên, khuyến khích con em tích cực, nỗ lực thoát nghèo. Cấp ủy, chính quyền tiếp tục vận động, tuyên truyền cho người dân giúp cho bản thân hộ nghèo có ý chí vươn lên thoát nghèo. Kỳ vọng cấp ủy, chính quyền các địa phương vào cuộc theo từng địa chỉ hộ nghèo để phong trào có chiều sâu, phát triển lâu dài, thật sự đem lại lợi ích thiết thực cho người dân.
Lễ phát động phong trào “Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo” nhằm phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái của nhân dân toàn tỉnh, hướng đến mục tiêu đến cuối năm 2023, huyện A Lưới đủ điều kiện thoát khỏi huyện nghèo Quốc gia. Ban chỉ đạo giảm nghèo bền vững huyện A Lưới đã xây dựng kế hoạch giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện từ đầu năm 2022 là gần 50% (tương đương với 7.022 hộ nghèo), giảm xuống dưới hơn 12% (tương đương với 1.784 hộ nghèo vào năm 2025); tỷ lệ bình quân giảm 9,49%/năm. Riêng năm 2022 giảm 10,18%; cả giai đoạn 2022 - 2025 giảm 5.238 hộ tỷ lệ khoảng 37,96%.
Để đạt mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra, huyện A Lưới đã và đang triển khai việc tạo công ăn việc làm, xóa nhà tạm cho người dân. Nhiều mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cũng đã và đang được triển khai như: Trồng nấm, trồng sâm bố chính, chăn nuôi trang trại bò, lợn hữu cơ…
Tổ chức hội thảo “Xây dựng và bảo tồn giá trị văn hóa đồng bào Cơ tu”
Hội thảo được tổ chức tại huyện Nam Đông, nơi có khoảng 46% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Cơ tu. Đời sống văn hóa của đồng bào khá đa dạng, phong phú; các nghề thủ công truyền thống, nghệ thuật trình diễn được đúc kết qua nhiều thế hệ đã tạo nên bản sắc riêng có của đồng bào Cơ tu huyện Nam Đông.
Trước nguy cơ bản sắc văn hóa truyền thống đặc sắc của người Cơ tu ngày càng mai một, hội thảo đã nghe các nhà nghiên cứu đến từ Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế trao đổi từ khảo sát di sản văn hóa đến việc phát huy giá trị di sản gắn với du lịch ở Nam Đông; đề xuất mô hình Làng du lịch miền núi trên địa bàn huyện. Đặc biệt, là được nghe chia sẻ tâm huyết và trăn trở của các già làng, trưởng bản đối với vấn đề bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của người Cơ tu cho hôm nay và mai sau.
Đời sống văn hóa của đồng bào Cơ tu đa dạng, phong phú |
Mặc dù thời gian qua, đồng bào dân tộc Cơ tu đã có những cách làm hay, sáng tạo để lưu giữ bản sắc văn hóa truyền thống của người Cơ tu nhưng thời gian tới cần quan tâm hơn nữa. Đây là trách nhiệm của cả cộng đồng, trong đó có vai trò rất quan trọng của các già làng, trưởng bản với vai trò là những người giữ gìn hồn cốt bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số. Đặc biệt, việc xây dựng khu bảo tồn làng truyền thống dân tộc Cơ tu cần toàn diện cả văn hóa vật thể và phi vật thể, đúng bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Cơ tu; kết hợp hài hòa giữ bảo tồn và phát triển văn hóa; kết hợp khai thác du lịch góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Qua hội thảo này, huyện Nam Đông sẽ có những bước đi, những giải pháp hiệu quả hơn trong việc khai thác, phát triển văn hóa - du lịch trên địa bàn.