Bình Phước: Hình thành vùng chuyên canh cây điều
Bình Phước phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số Bình Phước: Xây dựng chợ sản phẩm trực tuyến vùng đồng bào dân tộc thiểu số |
Sau 3 năm thực hiện Kế hoạch số 235/KH-UBND ngày 21-9-2020 của UBND tỉnh về việc thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 15-4-2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển ngành điều Bình Phước giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030, ngành điều đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Đây cũng là tiền đề giúp phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nơi đây. Đặc biệt, nhận thức rõ nguồn lợi mà cây điều mang lại cho đồng bào dân tộc thiểu số, thời gian qua, Bình Phước đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hình thành vùng chuyên canh cây điều phục vụ cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến điều xuất khẩu. Đồng thời, ban hành nhiều văn bản, nghị quyết nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp điều xây dựng vùng nguyên liệu, phát triển sản xuất.
Mô hình thâm canh điều bền vững ở huyện Phú Riềng. Ảnh: T.H |
Hiện trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã có 10 hợp tác xã xây dựng chuỗi liên kết với doanh nghiệp với 3.000 ha được chứng nhận hữu cơ Mỹ, EU. Tỉnh cũng đã triển khai 17 đề án khuyến công, hỗ trợ 61 cơ sở công nghiệp nông thôn với kinh phí hơn 96,6 tỷ đồng. Đến nay, toàn tỉnh có 35.000 ha điều tái canh, trồng mới với giống có năng suất đạt từ 2,5 tấn/ha trở lên. Tại các huyện Bù Gia Mập, Bù Ðăng, Ðồng Phú có đất rộng, địa hình dốc, Bình Phước đã xây dựng các vùng chuyên canh cây điều với diện tích 140.000 ha.
Thời gian tới, Bình Phước tiếp tục đẩy mạnh tổ chức sản xuất, chú trọng hình thành vùng nguyên liệu, chuỗi liên kết, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời, sắp xếp lại các doanh nghiệp chế biến điều theo hướng quy mô lớn, có thiết bị, công nghệ hiện đại, sản phẩm chất lượng, đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Hỗ trợ một số mô hình điểm trình diễn trong sơ chế, bảo quản sau thu hoạch nhằm từng bước thay đổi nhận thức, tư duy về phát triển hệ thống sơ chế, bảo quản sau thu hoạch. Vận động nông dân tham gia chuỗi giá trị trong từng sản phẩm từ khâu sản xuất, thu hoạch, sơ chế, bảo quản, chế biến đến phân phối, tiêu dùng. Ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại kết hợp cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất, thu hoạch, sơ chế và bảo quản. Ðặc biệt là thu hút đầu tư, nhất là trong phát triển các hệ thống, nhà máy sơ chế, bảo quản sau thu hoạch trên địa bàn tỉnh.
Chế biến điều xuất khẩu |
Bình Phước đã tái cấu trúc ngành hàng, lĩnh vực, sản phẩm theo hướng chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng. Trong đó, chế biến hạt điều là một trong những lĩnh vực được doanh nghiệp đầu tư máy móc hiện đại để chế biến chuyên sâu. Ðược coi là trung tâm chế biến hạt điều số 1 thế giới, đến nay toàn tỉnh có khoảng 500 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến, xuất nhập khẩu sản phẩm từ hạt điều, chiếm 70% số doanh nghiệp và chiếm 50-80% năng lực chế biến hạt điều của cả nước.
Ðể có nguồn nguyên liệu “sạch”, nhiều doanh nghiệp đã liên kết với hợp tác xã nông nghiệp cùng nông dân trồng điều và bao tiêu sản phẩm. Đơn cử như Hợp tác xã nông nghiệp sạch Hòa Phú (xã Bù Nho, huyện Phú Riềng) được thành lập đầu năm 2021 với tổng diện tích vườn cây hơn 300 ha, trong đó phần lớn là điều đang cho thu hoạch. Sau khi thành lập, hợp tác xã đã liên kết với Công ty TNHH một thành viên Hạt Ðiều Vàng xây dựng vùng nguyên liệu “sạch” bảo đảm cung ứng cho công ty.
Từ năm 2015, Công ty cổ phần Hà Mỵ (huyện Ðồng Phú) đã có ý thức xây dựng vùng nguyên liệu hạt điều cho riêng mình. Ngoài việc hỗ trợ nông dân cây giống, công ty xây dựng quy trình trồng, chăm sóc cây điều hữu cơ và phát sổ nhật ký ghi chép cho nông dân để truy xuất nguồn gốc hạt điều. Nhờ đó, đến nay doanh nghiệp đã có hàng trăm héc-ta điều nguyên liệu và dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng.
Ngành điều Bình Phước đang phát triển mạnh mẽ và hướng đến sản xuất theo chuỗi khép kín, chế biến sâu. Các dòng sản phẩm điều đạt chất lượng cao, đáp ứng các tiêu chí khắt khe của thị trường quốc tế. Ngành điều cũng đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh khi chiếm 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm.
Bình Phước là địa bàn chuyển tiếp giữa Tây Nguyên và Ðông Nam Bộ nên có địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu thích hợp cho cây điều phát triển. Tỉnh đã hình thành các vùng chuyên canh cây điều nhằm phát huy tiềm năng, giá trị và thúc đẩy phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. |