Việt Nam và Đan Mạch tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng hợp tác đầu tư
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị và hợp tác với Đan Mạch, đánh giá cao hợp tác sâu rộng giữa hai nước trên tất các lĩnh vực trong thời gian qua, đặc biệt sau khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác Toàn diện năm 2013.
Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao kết quả chuyến thăm Việt Nam vừa diễn ra của Thái tử Kế vị Đan Mạch Frederik với nhiều thỏa thuận hợp tác được ký kết giữa hai bên trong các lĩnh vực tiềm năng là tăng trưởng xanh, năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng hiệu quả; hoan nghênh Quốc hội Đan Mạch đã sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA); vui mừng ghi nhận kim ngạch thương mại song phương có bước tăng trưởng tích cực trong 9 tháng đầu năm 2022, đạt 554 triệu USD, tăng 27% so cùng kỳ năm trước; đầu tư của các doanh nghiệp Đan Mạch vào Việt Nam có bước nhảy vọt với dự án đầu tư nhà máy sản xuất đồ chơi trung hòa carbon trị giá hơn 1 tỷ USD của Lego tại Bình Dương, mở ra xu hướng đầu tư xanh trong hợp tác giữa hai bên.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đại sứ Vương quốc Đan Mạch tại Việt Nam Nicolai Prytz trao đổi tại buổi tiếp. |
Bày tỏ vinh dự được đảm nhận vị trí Đại sứ tại Việt Nam, đối tác quan trọng của Đan Mạch tại khu vực, Đại sứ Nicolai Prytz nhấn mạnh quan hệ kinh tế-thương mại-đầu tư song phương là ưu tiên và trọng tâm trong nhiệm kỳ của mình.
Đại sứ Đan Mạch khẳng định trong thời gian tới sẽ nỗ lực hết sức để góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Đan Mạch trong các lĩnh vực Đan Mạch có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu nhất là năng lượng tái tạo, tăng trưởng xanh, kinh tế biển và sẽ phối hợp phía Việt Nam mở rộng cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực còn nhiều tiềm năng như giáo dục-đào tạo, văn hóa-du lịch, khoa học-công nghệ.
Quang cảnh buổi tiếp. |
Về các vấn đề khu vực, hai bên chia sẻ đánh giá, khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực, nhất trí về tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, giải quyết hòa bình các tranh chấp dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).