Hai năm thực thi Hiệp định RCEP: Tỷ lệ tận dụng ưu đãi chưa như kỳ vọng
Hiệp định RCEP kết nối chuỗi sản xuất khu vực, thúc đẩy xuất khẩu Hướng dẫn về cấp C/O mẫu RCEP |
Hiệp định RCEP đã chính thức có hiệu lực với Việt Nam từ ngày 1/1/2022. Quãng thời gian 2 năm thực thi hiệp định này tuy còn ngắn song bước đầu có thể nhận thấy những nội dung đáng lưu ý cho thời gian tiếp theo, báo cáo mới đây về kinh tế Việt Nam năm 2023 của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhìn nhận.
Ảnh minh họa |
Báo cáo của CIEM cho biết, tỷ trọng xuất nhập khẩu của Việt Nam với các quốc gia trong Hiệp định RCEP nhìn chung giữ xu hướng giảm. Tỷ trọng kim ngạch xuất nhập khẩu sang các nước RCEP trên tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng từ 45,7% năm 2012 lên 44,2% năm 2018, sau đó giảm còn 39,5% năm 2022.
Cùng đó tỷ lệ tận dụng ưu đãi trong RCEP của Việt Nam còn tương đối thấp (0,67%) và cũng là thấp nhất trong số các FTA mà hiện Việt Nam đã tham gia. Tuy vậy, góc nhìn về tận dụng ưu đãi trong FTA ở khu vực RCEP cần được mở rộng, bởi RCEP được thiết lập trên cơ sở đã có một loạt FTA ở khu vực Đông Á. Chính vì vậy, việc hiện thực hóa RCEP đã tạo thêm động lực cho các hoạt động tận dụng FTA ở khu vực này (trong đó có các FTA của ASEAN) trong bối cảnh khó khăn do dịch COVID-19.
Về những khó khăn thách thức, nhóm nghiên cứu của CIEM lưu ý, một thách thức lớn đối với doanh nghiệp ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng là RCEP có thể tạo ra nguy cơ chuyển hướng thương mại, cụ thể là tăng cạnh tranh với Trung Quốc.
“Là thành viên của RCEP, Trung Quốc được hưởng ưu đãi thuế và do đó làm mất lợi thế cạnh tranh trước đây của doanh nghiệp Việt Nam. So với các quốc gia thành viên, các doanh nghiệp Việt Nam còn yếu về quy mô vốn, trình độ công nghệ, kỹ năng quản lý và lao động. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam gặp nhiều bất lợi khi cạnh tranh trên các thị trường, đặc biệt là khó có thể cạnh tranh với Trung Quốc”, báo cáo viết.
Cùng đó RCEP có thể làm gia tăng nhập siêu của Việt Nam. Áp lực cạnh tranh gia tăng với các ngành sản xuất trong nước khi hàng hóa từ các nước khác có thể đưa vào Việt Nam với mức thuế suất thấp hơn. Thực tế, số liệu nhập siêu giai đoạn trước 2020 với các nước RCEP ít nhiều đã phản ánh lo ngại này.
Đặc biệt, thách thức lớn nhất là việc các cơ quan, doanh nghiệp không có tư duy phù hợp đối với tiếp cận và khai thác cơ hội từ RCEP. Một bộ phận cơ quan, doanh nghiệp còn nhìn nhận RCEP là “tiêu chuẩn thấp”, ít lợi ích hơn so với các Hiệp định khác như EVFTA, CPTPP...
Ở một chừng mực khác, cách khai thác RCEP vẫn chưa đặt trong chiến lược tổng thể để tận dụng các FTA, trong đó có các FTA của ASEAN – vốn đặt nền móng cho việc hình thành RCEP. Ngược lại, nếu không tính tới các xu hướng điều chỉnh quy định và chính sách ở các thị trường RCEP sau năm 2022, thì doanh nghiệp có thể bị động, thậm chí suy giảm khả năng cạnh tranh khi khai thác các thị trường này.