Cơ hội xuất khẩu trực tuyến ''sải cánh'' từ lợi thế các FTA thế hệ mới
“Diễn đàn Xuất khẩu trực tuyến ngành hàng Thực phẩm và Đồ uống 2020” Xuất khẩu trực tuyến sẽ là động lực tăng trưởng mới |
Rộng cửa cho hàng Việt xuất khẩu xuyên biên giới
Nhiều chuyên gia nhận định, xuất khẩu trực tuyến đang là xu thế và thực tế mới của nhiều doanh nghiệp trong quá trình tìm ra các giải pháp thích ứng với bối cảnh bình thường mới. Đây cũng là phương thức đa dạng hoá kênh và cách thức để doanh nghiệp tìm kiếm bạn hàng và đơn hàng nhanh chóng, tiếp cận tới mọi thị trường, thực hiện các giao dịch kinh doanh hiệu quả, với khả năng lợi nhuận cao; đồng thời là con đường nhanh nhất để đưa hàng Việt Nam ra thế giới.
Theo nghiên cứu của Juniper Research (Anh), quy mô thị trường xuất khẩu online đạt khoảng 1.600 tỷ USD vào năm 2023 và có thể vượt qua mốc 3.000 tỷ USD vào năm 2028.
Tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam có thể đạt 296,3 nghìn tỷ đồng vào năm 2027. Ảnh minh họa |
Dự báo của công ty nghiên cứu thị trường Zion Market Research cũng cho thấy, từ năm 2020 – 2027, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử xuyên biên giới toàn cầu sẽ đạt hơn 28%/năm... Thương mại điện tử xuyên biên giới có thể sẽ tăng lên mức 3,3 nghìn tỷ USD trong 2 năm tới.
Tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam đã cao hơn gấp 2,3 lần tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử nói chung và có thể đạt 296,3 nghìn tỷ đồng vào năm 2027.
Các chuyên gia thương mại điện tử cũng đánh giá, với những lợi thế sẵn có như chính sách quốc gia hỗ trợ mạnh mẽ cho xuất khẩu, năng lực sản xuất dồi dào, thương mại điện tử phát triển nhanh chóng, Việt Nam đang ở "giai đoạn vàng" để xuất khẩu trực tuyến.
Trao đổi cơ hội của các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đối với lĩnh vực xuất khẩu trực tuyến của Việt Nam, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho hay, hiện Việt Nam đã tham gia và đang đàm phán 17 FTA thế hệ mới, với những cam kết sâu, rộng và toàn diện về tự do thương mại hàng hóa và dịch vụ; trong đó nổi bật là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) – EVFTA...
Việc ký kết và tham gia các FTA thế hệ mới đang và sẽ có tác động lớn đến nền kinh tế Việt Nam thông qua việc giảm thuế và mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, nhất là những sản phẩm mà Việt Nam có lợi thế, như nông thủy sản, đồ gỗ, dệt may, giày dép…; tăng thu hút FDI và thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế, cắt giảm phí sản xuất; thay đổi, cải thiện chính sách và pháp luật theo hướng minh bạch hơn, thuận lợi và phù hợp hơn với thông lệ quốc tế...
Những cam kết về tự do hoá và cạnh tranh bình đẳng thương mại và dịch vụ trong khuôn khổ các FTA mà Việt Nam đang và sẽ tham gia sẽ tạo cơ hội tích cực và thuận lợi cho xuất khẩu trực tuyến của doanh nghiệp vào các thị trường FTA.
Doanh nghiệp Việt có lợi thế và tự tin về thuế xuất nhập khẩu và các hàng rào phi thuế quan khác khi xuất khẩu trực tuyến vào thị trường các thành viên của các Hiệp định Thương mại tự do mà Việt Nam đã ký với các quốc gia.
Hơn nữa, các doanh nghiệp ít phải cạnh tranh trực tiếp vì cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam không đụng hàng với các doanh nghiệp nội địa của các nước phát triển thành viên FTA.
Cũng liên quan đến vấn đề này, Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Nguyễn Thị Minh Huyền cho biết, trong các FTA thế hệ mới mà Việt Nam tham gia hầu hết đều có cam kết về thương mại điện tử.
Các cam kết về thương mại điện tử đã tạo điều kiện phát triển và thúc đẩy xây dựng những nền tảng thương mại phi giấy tờ, tạo thuận lợi cho việc truyền tải và công nhận các chứng từ điện tử liên quan tới xuất khẩu, hướng tới việc thực hiện xuất khẩu trực tuyến hoàn toàn.
Ngoài ra, các biện pháp thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới nói chung sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm nhiều chi phí trong xây dựng mạng lưới phân phối, giới thiệu sản phẩm.
“Bằng hình thức xuất khẩu trực tuyến, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có cơ hội bình đẳng vươn ra thị trường thế giới, thay vì chịu thua thiệt trước các đối thủ quy mô lớn, tiềm lực vốn mạnh như trong xuất khẩu truyền thống” – bà Nguyễn Thị Minh Huyền nhấn mạnh.
Trợ lực từ chính sách, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp
Bên cạnh những cơ hội, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cũng chỉ ra những thách thức hiện nay đối với các doanh nghiệp khi muốn “vươn xa” toàn cầu.
Cụ thể, khi xuất khẩu trực tuyến sang các thị trường FTA, hiện các doanh nghiệp rất dễ gặp những thách thức về kiến thức, năng lực, quy định và chi phí; nổi bật là thông tin và năng lực vượt qua các quy định liên quan về tính tuân thủ sản phẩm thường thay đổi theo thời gian, theo thị trường; logistics, thanh toán, pháp lý, xây dựng và bảo vệ thương hiệu.
Góp ý về giải pháp, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách để thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế theo lộ trình, đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả, duy trì ổn định môi trường đầu tư, kinh doanh, không gây xáo trộn, ảnh hưởng đến lợi ích của các doanh nghiệp đang hoạt động cũng như các nhà đầu tư mới.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong |
Đồng thời, kịp thời rà soát, sửa đổi, điều chỉnh, bãi bỏ quy định không phù hợp với các cam kết quốc tế nhằm thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ trong các điều ước quốc tế song phương, đa phương và khu vực mà Việt Nam là thành viên.
Đặc biệt, cần đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực về đầu tư, xây dựng, đất đai, thuế, hải quan, xuất nhập khẩu phù hợp với các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế; giám sát chặt chẽ việc ban hành và áp dụng các giấy phép, điều kiện kinh doanh.
Thêm nữa, đẩy mạnh việc hoàn thiện thể chế tài chính, đảm bảo tính đồng bộ, công khai, minh bạch, ổn định và phù hợp với yêu cầu thực tiễn đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và các cam kết quốc tế.
Tăng cường tuyên truyền, phổ biến các cam kết, hiệp định mà Việt Nam tham gia đến từng ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân để các đối tượng có liên quan thực hiện hiệu quả các cam kết; hoàn thiện các chính sách thương mại cho phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
Các bộ, ngành và địa phương cần chủ động thông tin và cập nhật các lộ trình và nội dung cam kết hội nhập trong các khuôn khổ FTA cho doanh nghiệp; khuyến khích phát triển các dịch vụ hỗ trợ thị trường, nhất là bổ trợ tư pháp và bảo trợ doanh nghiệp trong quan hệ kinh doanh với các đối tác, người tiêu dùng nước ngoài.
Doanh nghiệp cần quan tâm chủ động tìm hiểu thông tin, nâng cao năng lực phản ứng thị trường và chuẩn bị mọi kịch bản cho các tình huống phát sinh khi xuất khẩu trực tuyến.
Ở góc độ quản lý, bà Nguyễn Thị Minh Huyền góp ý, để tận dụng tốt ưu đãi từ Hiệp định thương mại tự do, các doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ nội dung cam kết trong các Hiệp định để hiểu sâu về lợi ích từ các Hiệp định thương mại tự do, quyền lợi và trách nhiệm của doanh nghiệp theo những cam kết của Hiệp định.
Sau đó, doanh nghiệp cần có những chuẩn bị về nhân lực, cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động xuất khẩu trực tuyến.
"Hiện nay, Bộ Công Thương đã có các Kế hoạch thực thi Hiệp định, trong đó gồm nhiều chương trình, hoạt động liên quan đến hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nâng cao năng lực. Doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu và tích cực tham gia các chương trình này" - bà Nguyễn Thị Minh Huyền thông tin.