Việt Nam giữ vững vị trí đối tác thương mại lớn thứ 3 của Hàn Quốc
Xuất khẩu sang Hàn Quốc dần hồi phục rõ nét Được người dân Hàn Quốc ưa chuộng, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam tăng vọt |
Ảnh minh hoạ. |
Các dữ liệu của KITA cho biết, trao đổi thương mại trong năm 2023 của Hàn Quốc với Việt Nam đã đạt mức 79,43 tỷ USD, trong đó xuất khẩu giảm 12,3% xuống còn 53,49 tỷ USD và nhập khẩu cũng giảm 2,9%. Thặng dư thương mại của Hàn Quốc cũng giảm 19,5% xuống còn 27,55 USD.
“Mặc dù vậy, Việt Nam trong năm thứ 2 liên tiếp đứng trên Nhật Bản, giữ vị trí đối tác thương mại lớn thứ 3 của Hàn Quốc. Năm ngoái, trao đổi thương mại giữa Hàn Quốc và Nhật Bản đạt 76,68 tỷ USD. Trung Quốc, xếp trên Hoa Kỳ, vẫn là hai đối tác lớn nhất của Hàn Quốc với giá trị buôn bán lần lượt là 267,66 tỷ và 186,96 tỷ USD”, KITA cho biết.
KITA cho biết xuất khẩu của Hàn Quốc sang Việt Nam sụt giảm nhiều là các sản phẩm bán dẫn, giảm 21,6% xuống còn 12,73 tỷ USD trong năm 2023. Ngoài ra, nhiều sản phẩm như màn hình phẳng, dầu mỏ, thiết bị thông tin không dây và các loại nhựa tổng hợp cũng sụt giảm số lượng xuất khẩu sang Việt Nam.
Việt Nam và Hàn Quốc thiết lập ngoại giao vào năm 1992. Khi đó, trao đổi buôn bán giữa 2 nước chỉ đạt 500 triệu USD. Từ đó đến nay, thương mại song phương liên tục tăng, đặc biệt từ khi hai nước ký Hiệp định thương mại tự do (VKFTA) năm 2014. Thời điểm đó, Việt Nam là đối tác đứng hàng thứ 8 của Hàn Quốc. Đến năm 2022, Việt Nam lần đầu tiên vượt lên trên Nhật Bản trở thành đối tác lớn thứ 3 của Hàn Quốc.
Trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol hồi tháng 6/2023, hai bên nhất trí phối hợp triển khai tốt Hiệp định thương mại tự do song phương (VKFTA) và các biện pháp tạo thuận lợi thiết thực cho doanh nghiệp hai nước; phối hợp thúc đẩy sớm hoàn thành mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD và hướng tới mục tiêu 150 tỷ USD năm 2030.
Theo Tổng thống Yoon Suk Yeol, Việt Nam và Hàn Quốc đang là những nước được hưởng lợi ích từ tự do thương mại và cần bảo vệ, giữ gìn những lợi ích này trong tương lai. Do đó, cần tăng cường hợp tác về các lĩnh vực như chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, năng lượng tái tạo; hy vọng doanh nghiệp hai nước sẽ có nhiều dự án hợp tác cụ thể, thiết thực, hiệu quả.