Tận dụng tốt cơ hội mở ra từ các FTA, tạo thêm động lực tăng trưởng cho nền kinh tế
Các FTA đã giúp nền kinh tế Việt Nam kết nối với gần 60 nền kinh tế, tổng GDP chiếm gần 90% GDP thế giới. Việc tham gia các FTA đã góp phần đưa nền kinh tế nước ta duy trì mức tăng trưởng cao từ 6 - 7%/năm, kinh tế vĩ mô ngày càng ổn định; lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm.
Việc chủ động hội nhập kinh tế quốc tế thông qua đàm phán, ký kết và thực thi các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, trong đó có các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tiêu chuẩn cao, đã giúp cho năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và của doanh nghiệp nước ta được cải thiện rõ rệt; đặc biệt là cơ hội để tăng tính bền vững, không chỉ trong phát triển thị trường mà còn định hình khả năng tham gia vào các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng của khu vực và toàn cầu.
Tận dụng tốt các cơ chế mở ra từ FTA mà Việt Nam tham gia |
Việc tham gia các FTA đã thực sự tạo thêm động lực và mang lại nhiều tác động tích cực cho kinh tế Việt Nam. Thị trường xuất nhập khẩu được mở rộng và đa dạng hóa; thị trường dịch vụ tài chính phát triển hơn với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư nước ngoài; hệ thống thể chế, chính sách cũng từng bước được hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập và thực thi cam kết trong các FTA. Cùng với tham gia WTO từ năm 2007, việc thực thi các FTA đã góp phần thúc đẩy GDP của Việt Nam tăng hơn 300%, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 350%.
Kết quả này là minh chứng cho chủ trương đúng đắn của Đảng ta về hội nhập kinh tế quốc tế; trong đó có việc tham gia các FTA và chỉ đạo kịp thời của Chính phủ trong tăng cường thực hiện và khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do hướng tới đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế theo hướng hiệu lực và hiệu quả.
Giữa những bối cảnh bất định của thế giới hiện tại mà mới nhất là xung đột giữa Iran và Israel bùng phát, việc đánh giá tác động và tình hình thực hiện FTA tại thời điểm này là thực sự cần thiết đối với cả các doanh nghiệp và nền kinh tế, đồng thời hỗ trợ và giúp cho công tác thực thi trong thời gian tới được hiệu quả hơn, mang lại lợi ích lớn hơn cho nước ta.
Rủi ro thách thức nhất là về năng lực cạnh tranh, hoàn thiện khuôn khổ pháp luật cũng như việc thực thi các cam kết trong những lĩnh vực mới chưa có trong các FTA trước đây như vấn đề lao động, công đoàn, môi trường, thách thức về bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, tạo môi trường ổn định cho phát triển kinh tế.
Ngoài ra, những hạn chế nội tại như sự quan tâm của người dân, doanh nghiệp, chính quyền địa phương chưa đúng mức và chưa dành nguồn lực tương xứng cũng đã và đang là rào cản khiến cho không ít cơ hội từ FTA bị bỏ lỡ, tạo ra thách thức trong việc triển khai và nắm bắt cơ hội.
Do đó, để thực thi hiệu quả FTA cần các chiến lược, sự chủ động, đổi mới mạnh mẽ. Theo đó, điều quan trọng là phải tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật nhằm bảo đảm tính nhất quán, đồng bộ, công bằng, minh bạch, không phân biệt đối xử, đúng trình tự thủ tục nhằm hạn chế tranh chấp phát sinh với nhà đầu tư nước ngoài và giải quyết hiệu quả các tranh chấp nếu có. Đồng thời tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế cảnh báo sớm để phòng ngừa tranh chấp.
Cùng với đó, cần có sự phối hợp đồng bộ của tất cả các cấp, ngành, địa phương và doanh nghiệp. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc triển khai và thực thi các FTA đã có hiệu lực trên cơ sở phát huy tối đa nội lực, gắn kết chặt chẽ và thúc đẩy quá trình hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng, nâng cao sức mạnh tổng hợp và năng lực cạnh tranh.
Việt Nam và UAE đang đẩy nhanh tiến trình đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện (CEPA). Được biết các “nút thắt” cuối cùng của tiến trình đàm phán đã và đang được tập trung tháo gỡ để sớm đi đến ký kết CEPA. |