Thực thi Hiệp định EVFTA: Ngành Da giày đảm bảo các cam kết về lao động
Ngành da giày đã tận dụng hiệu quả ưu đãi xuất xứ trong EVFTA Tận dụng công nghệ phát triển ngành da giày trong bối cảnh mới Làm chủ công nghiệp hỗ trợ - tạo đà phát triển ngành da giày |
Ngành Da giày hội nhập từ rất sớm. Hầu như các hiệp định thương mại ngành Da giày đã tận dụng được cơ hội, 95% trong tổng lượng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành vào các thị trường đã ký kết các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) trong đó có Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA).
Trước bối cảnh hội nhập, việc thúc đẩy thực thi các cam kết trong EVFTA và tuân thủ các quy định của pháp luật quốc tế về lao động là điều tất yếu đối với doanh nghiệp xuất khẩu và ngành Da giày. Bà Phan Thị Thanh Xuân - Tổng thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam đã có những chia sẻ với Báo Công Thương về vấn đề này.
Thực thi các cam kết trong EVFTA và tuân thủ các quy định của pháp luật quốc tế về lao động, ở phía cơ quan đại diện của cộng đồng doanh nghiệp da giày, xin bà cho biết: Doanh nghiệp da giày Việt Nam đã ý thức như thế nào trong thực hiện các quyền lợi cho người lao động theo luật định, đặc biệt trong vấn đề tuyển dụng, việc làm và thu nhập?
Bà Phan Thị Thanh Xuân: Ngành Da giày sử dụng lực lượng lao động rất lớn, khoảng 1,5 triệu lao động và hàng hoá được xuất khẩu đi nhiều thị trường. Đặc biệt trong đó, EU là thị trường lớn thứ hai nên tính tuân thủ của các doanh nghiệp rất được coi trọng. Chính vì thế, việc đáp ứng yêu cầu về lao động luôn đặt ra hàng đầu, nếu các nhà máy không thực hiện, tuân thủ đúng thì chắc chắn đơn hàng xuất khẩu sẽ không thành công.
Bà Phan Thị Thanh Xuân - Tổng thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam |
Với những doanh nghiệp xuất khẩu của ngành da giày, việc đáp ứng được các tiêu chuẩn về các điều luật của Việt Nam cũng là một trong những cái các doanh nghiệp đều ý thức được rõ ràng. Bên cạnh đó, khi tham gia hội nhập sâu, hệ thống pháp luật của Việt Nam cũng được cải thiện nhằm tiệm cận với các yêu cầu quốc tế, đây là một tác động để nâng cao nội lực của doanh nghiệp Việt Nam trong việc đáp ứng yêu cầu đối với lực lượng lao động. Ví dụ, với điều kiện việc làm, thu nhập, trách nhiệm của chủ sử dụng trong việc đáp ứng các quy định của Nhà nước, toàn bộ quá trình qua đánh giá phải được thông qua và được chấp nhận bởi khách hàng thì đơn hàng mới được thực thi, có thể đánh giá chung đối với xuất khẩu ngành da giày là ngành xuất khẩu tới 90% sản lượng xuất ra và sử dụng lực lượng lao động lớn đặc biệt là lao động nữ. Có thể nói, ngành da giày rất tự hào khi đáp ứng cũng như chăm lo được tốt cho điều kiện của người lao động và đã xuất khẩu thành công thể hiện rất rõ qua các con số tăng trưởng hàng năm.
Với sự chủ động hoàn thiện hệ thống pháp luật về lao động, nhằm thực thi cam kết lao động trong EVFTA, theo bà điều này đã tác động ra sao đến sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu của doanh nghiệp cũng như người lao động trong ngành da giày? Từ góc độ ngành da giày, thực tiễn tuân thủ pháp luật lao động tại các doanh nghiệp Việt Nam đang gặp những khó khăn, vướng mắc gì?
Bà Phan Thị Thanh Xuân: Thứ nhất, các doanh nghiệp đã phải nâng cao, nhận thức rõ rệt hơn thông qua việc xây dựng những bộ phận chuyên biệt để thực thi những nội dung cam kết. Thứ hai, các doanh nghiệp ngoài việc tuân thủ chặt chẽ thì đã ý thức trong việc đào tạo lực lượng lao động nắm rõ, hiểu biết các quy định về pháp luật cũng như xây dựng mối quan hệ hài hòa với lao động.
Ngành Da giày cần một lực lượng lao động rất lớn nên những quy định tuân thủ của các doanh nghiệp hiện nay tôi đánh giá là khá tốt. Tuy nhiên, thách thức nằm ở phía trước, tức là ngoài việc hiện nay chúng ta đang thực thi những hệ thống pháp luật, đặc biệt là pháp luật trong nước cũng như đáp ứng yêu cầu của của các thị trường xuất khẩu thì chắc chắn trong thời gian tới sẽ phải có một loạt chính sách ban hành và kèm theo trong các bộ luật cũng sẽ phải thay đổi để thích ứng.
Ngành da giày sử dụng lực lượng lao động rất lớn - Ảnh minh hoạ |
Điều này cũng đặt ra yêu cầu là phải làm sao để làm hòa và tạo điều kiện tốt nhất để hoàn thiện các hệ thống công đoàn hiện nay, đem lại quyền lợi cho người lao động một cách tốt nhất. Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức, thách thức đối với doanh nghiệp nhưng cũng là cơ hội cho người lao động được lựa chọn một tổ chức công đoàn mang lại quyền lợi bảo vệ được quyền lợi tốt nhất cho mình.
Thách thức tiếp theo, hiện nay rõ ràng các quy định đặc biệt là từ các thị trường xuất khẩu, ví dụ như Luật thẩm định chuỗi cung ứng của Đức đã ban hành và các doanh nghiệp hiện nay buộc phải tuân thủ nếu như xuất khẩu vào thị trường EU, Mỹ, những thị trường quan trọng đối với các doanh nghiệp Việt Nam.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải tuân thủ các bộ luật đưa ra từ các khách hàng, trong đó các yêu cầu về lao động được chú trọng rất lớn. Ví dụ, đối với lao động trẻ em, thực thi về bình đẳng giới trong hoạt động quan hệ lao động, thỏa thuận tập thể… đang được thực thi rất nhiều bộ luật từ các chính sách của các nước cho đến yêu cầu của khách hàng và đang gánh nặng lớn về chi phí đối với doanh nghiệp cũng như thực hiện các thủ tục để đáp ứng điều kiện đó. Trong thời gian tới nếu thực thi được thừa nhận lẫn nhau sẽ giảm bớt rất nhiều gánh nặng cho doanh nghiệp về chi phí, thời gian.
Trong EVFTA, hai bên tái khẳng định cam kết của mình trong việc thúc đẩy phát triển thương mại song phương một cách có lợi cho việc làm đầy đủ, năng suất và bền vững cho tất cả mọi người, bao gồm với phụ nữ và thanh niên. Ngành Da giày có chương trình hành động cụ thể nào để thực hiện cam kết này thưa bà?
Bà Phan Thị Thanh Xuân: Có 3 điểm cần xây dựng chương trình, thứ nhất, tiếp tục nâng cao khả năng tuân thủ của các doanh nghiệp trong ngành Da giày, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua việc tổ chức cung cấp thông tin, cập nhật kịp thời cho các doanh nghiệp cũng như đào tạo tập huấn để thực hiện những yêu cầu mới.
Thứ hai, hiện nay chuỗi cung ứng ngày càng trở nên minh bạch, hiệu quả, bền vững. Một trong những yếu tố là lực lượng lao động sẽ không tập trung phát triển về số lượng nữa mà phát triển về số lượng. Có nghĩa, phải nâng cao kĩ năng, tay nghề của người lao động mới nâng cao được năng xuất chất lượng, cải thiện năng suất cho hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo nên hiệu quả.
Thứ ba, một trong những yếu tố quan trong trong quá trình thực thi các cam kết, cùng với tư vấn từ phía Chính phủ để triển khai thực hiện cam kết thông qua việc nội luật hóa, thông qua việc đưa ra các Nghị định, thông tư để hướng dẫn sát với yêu cầu thực tế của doanh nghiệp và đáp ứng, tuân thủ được các yêu cầu của cam kết đã thực hiện trong quá trình các FTA được kí kết mà nếu như thực hiện tốt thì mới có thể xuất khẩu được thành công. Đó là những điểm chính mà chúng tôi đang có kế hoạch triển khai trong thời gian tới.
Xin trân trọng cảm ơn bà!