Hiệp định EVFTA: Động lực để Việt Nam hoàn thiện hệ thống pháp luật về lao động
Thực hiện cam kết Hiệp định EVFTA: Thích ứng với quy định sản xuất không gây mất rừng của EU Hiệp định EVFTA: Gắn kết phát triển thương mại, thị trường với lao động, việc làm |
Ngoài tác động tích cực đến nền kinh tế, quá trình thực thi Hiệp định EVFTA Việt Nam đang dần hoàn thiện hệ thống pháp luật về lao động khi không ngừng nỗ lực tham gia các công ước quốc tế và thực thi trên thực tế. Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch SBLaw đã trao đổi vấn đề này với Báo Công Thương.
Hệ thống luật Việt Nam về lao động không ngừng hoàn thiện và tiệm cận các quy định với tiêu chuẩn của thế giới. Ảnh: TTXVN |
Qua hơn 3 năm EVFTA có hiệu lực, ông đánh giá gì về việc thực thi cam kết lao động trong EVFTA của Việt Nam? Nhất là Việt Nam đã nỗ lực gia nhập 25 Công ước của ILO, gồm 9/10 Công ước cơ bản, 3/4 Công ước quản trị và 13 Công ước kỹ thuật của Việt Nam và nội dung các Công ước này đều đã được nội luật hóa trong hệ thống pháp luật Việt Nam?
Cho đến nay, chúng ta đều nhận thấy rằng, Việt Nam tham gia Hiệp định EVFTA không chỉ thúc đẩy hoạt động thương mại mà còn là động lực rất lớn để hoàn thiện hệ thống pháp luật về lao động.
Về phương diện cam kết lao động, hiện ngoài Hiệp định EVFTA, chúng ta còn là thành viên của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), nên Việt Nam đã thúc đẩy gia nhập các công ước, điều này thể hiện rõ sự nỗ lực lớn và nghiêm túc thực thi các cam kết. Đặc biệt, các cam kết lao động đã được nội luật hoá trong Bộ luật Lao động năm 2019, cũng như trong các nghị định, thông tư… Qua đó, làm cho hệ thống luật Việt Nam không ngừng hoàn thiện và tiệm cận các quy định với tiêu chuẩn của thế giới.
Trên cơ sở đó, Nhà nước quản lý được thuận lợi và quyền của người lao động cũng được thể chế hoá. Và để có kết quả này, Việt Nam phải tiến hành rất nhiều công đoạn bởi mỗi lĩnh vực đều có khối lượng quy định rất lớn, mỗi lần bổ sung sửa đổi đều trải qua quy trình phức tạp như từ thực hiện, xây dựng dự thảo, trình lấy ý kiến các cấp, cơ quan có thẩm quyền, đến khi khi luật có hiệu lực là đến bước ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn…
Trên thực tế, dù đã có bước chuyển biến tích cực trong thực thi cam kết lao động, ông có thể chỉ rõ những điểm quy định pháp luật chưa phù hợp với các tiêu chuẩn lao động quốc tế và cam kết trong EVFTA?
Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch SBLaw. Ảnh: Cấn Dũng |
Thực tế, Việt Nam đã nỗ lực để nội luật hoá các tiêu chuẩn của ILO qua Bộ luật Lao động. Tuy nhiên, ở góc độ pháp lý vẫn còn một số điểm chưa phù hợp, cần phải hoàn thiện, đó là chế định liên quan đến lao động trẻ em chẳng hạn. Theo đó, chúng ta cần có quy định cụ thể hơn, loại hình nào trẻ em có thể tham gia, thời gian làm việc và thời gian nghỉ ngơi như thế nào.
Đặc biệt, theo tiêu chuẩn ILO không được sử dụng lao động trẻ em dưới 18 tuổi, vì thế cần có sự tương thích giữa pháp luật Việt Nam và quy định quốc tế. Ngoài ra, quá trình thực thi trên thực tế chúng ta phải tăng cường phát hiện hành vi vi phạm về lao động thông qua thanh tra. Theo đó, cần có thanh tra riêng về lao động, nhằm gia tăng kiểm soát các hoạt động sử dụng lao động chưa thành niên, lao động trẻ em; đồng thời phải quan tâm đến việc thu hẹp khoảng cách quy định của luật và quá trình thực thi trên thực tế.
Việc thực hiện các cam kết về lao động trong EVFTA sẽ góp phần cải thiện điều kiện làm việc, tái sản xuất sức lao động và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam. Vậy để hiện thực hoá mục tiêu này, hệ thống pháp luật Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện như thế nào, thưa ông?
Một trong các vấn đề pháp lý về lao động của Việt Nam rất tích cực đó là lần đầu tiên chúng ta cho phép người lao động thành lập hoặc tham gia tổ chức đại diện người lao động trong doanh nghiệp ngoài tổ chức công đoàn. Việc có quy định này Việt Nam thể hiện kiên quyết, tiệm cận các tiêu chuẩn của thế giới.
Tuy nhiên, hiện tại doanh nghiệp thì ngoài tổ chức công đoàn vẫn chưa có đại diện, tổ chức của người lao động. Vì thế, để thực hiện cam kết hiệu quả, để bảo vệ quyền lợi của người lao động các cơ quan chức năng phải hoàn thiện chế định này. Qua đó, giúp các tổ chức công đoàn được tốt hơn và người lao động được thể hiện quyền lợi của mình khi đàm phán với giới chủ. Và đảm bảo quy định không phải trên giấy mà còn được thực thi trên thực tế.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần xem xét một số công ước của ILO chưa tham gia, qua đó thúc đẩy, nghiên cứu, gia nhập để thực hiện theo cam kết của EVFTA về các quy định lao động. Ngoài ra có một số quy định của pháp luật về lao động Việt Nam chưa tương thích với quốc tế nên cần rà soát, sửa đổi kịp thời.
Đặc biệt, dù hệ thống pháp luật có tốt đến mấy nhưng quá trình thực thi không phù hợp cũng không mang lại kết quả nào, do đó, làm sao có cơ chế để các quy định được doanh nghiệp tuân thủ, thực thi nghiêm túc; đồng thời phải có cơ chế kiểm tra, giám sát các vi phạm, đảm bảo hiệu quả thực thi của các chế tài là hết sức quan trọng.
Xin cảm ơn ông!