Việt Nam-Israel trao đổi biện pháp thúc đẩy hợp tác song phương
| |
Tổng thống Nhà nước Israel Reuven Ruvi Rivlin. (Nguồn: AP) |
Từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1993, Việt Nam và Nhà nước Israel duy trì trao đổi đoàn các cấp, trong đó đáng chú ý có chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Israel Shimon Peres năm 2011 và chuyến thăm chính thức Israel của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải năm 2015 và một số đoàn cấp Bộ trưởng thời gian gần đây.
Quan hệ thương mại song phương Việt Nam-Israel được bắt đầu và đang tăng trưởng đều đặn, đáp ứng các nhu cầu đa dạng của cả hai đầu thị trường.
Về kinh tế-thương mại, Israel là một trong những nước đã công nhận quy chế kinh tế thị trường đầy đủ của Việt Nam. Hai nước đang tiến hành đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Israel.
Thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Israel tiếp tục tăng trưởng, từ khoảng 68 triệu USD (năm 2005) lên tới 1 tỷ USD (năm 2014), năm 2016 đạt 1,237 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất chủ yếu là điện thoại, linh kiện các loại, giày dép, càphê, hạt điều, hàng dệt may, thủy sản và nhập chủ yếu là máy móc, thiết bị công nghệ cao, phân bón...
Tính đến tháng 1/2017, Israel có 25 dự án đầu tư trực tiếp còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt 46,37 triệu USD, xếp thứ 56/116 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Ngoài ra Israel cũng cam kết cung cấp gói tín dụng 250 triệu USD cho các doanh nghiệp Việt Nam hợp tác, kinh doanh với các đối tác Israel.
Tuy khá xa nhau về mặt địa lý, giữa Việt Nam và Israel lại có những cơ hội và tiềm năng để hợp tác và phát triển về lĩnh vực đổi mới sáng tạo; công nghệ tiên tiến trong nông nghiệp, hệ thống quốc gia khởi nghiệp…
Hai bên không ngừng đẩy mạnh hợp tác nông nghiệp, vốn là thế mạnh của Israel và chiếm phần lớn tỉ trọng kinh tế Việt Nam. Nổi bật là các chương trình hợp tác phát triển chăn nuôi bò sữa (Nghệ An, Thành phố Hồ Chí Minh…) nuôi trồng thủy sản (Cần Thơ)…
Hợp tác nông nghiệp công nghệ cao giữa hai nước được triển khai và phát triển ở nhiều địa phương, chủ yếu dưới hình thức Việt Nam mua máy móc, công nghệ hoặc thuê chuyên gia của Israel. Israel đã hỗ trợ triển khai nhiều dự án nhằm chuyển giao công nghệ chăn nuôi, trồng trọt, tưới tiêu tiên tiến… như các Trạm thực nghiệm tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra có các dự án phát triển chăn nuôi, nghiên cứu nâng cao sản lượng cây ăn quả, tiết kiệm nước tưới, trồng trong nhà kính… tại nhiều địa phương Việt Nam.
Tháng 8/2013, dự án Trại trình diễn và thực nghiệm chăn nuôi bò sữa công nghệ cao với sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính của Israel (trong đó vốn ODA không hoàn lại của Israel hơn 1 triệu USD, Thành phố Hồ Chí Minh góp hơn 50 tỷ đồng) đã chính thức đi vào hoạt động...
Các dự án hợp tác đầu tư giữa hai nước, chủ yếu là trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ cao, an ninh quốc phòng, an ninh mạng… Từ năm 2008 đến nay, Israel đã tiếp nhận hơn 2130 tu nghiệp sinh Việt Nam sang vừa học vừa làm tại các nông trại Israel trong thời hạn 1 năm. Bên cạnh đó, Israel đã tiếp nhận khoảng 1400 lao động nông nghiệp Việt Nam làm việc trong thời hạn 5 năm từ 2010.
Trong những năm qua, hai bên đã ký nhiều Hiệp định, Thỏa thuận và các cơ chế hợp tác như Hiệp định khung hợp tác kinh tế, khoa học, kỹ thuật, nông nghiệp và thương mại (năm 1996); Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và chống trốn thuế đối với thuế thu nhập và tài sản; Bản Ghi nhớ giữa hai Bộ Khoa học và Công nghệ về hợp tác nghiên cứu khoa học và công nghệ (năm 2009); Nghị định thư thành lập Uỷ ban liên chính phủ (năm 2013); Bản ghi nhớ hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao (năm 2015)…
Chuyến thăm Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Nhà nước Israel Reuven Ruvi Rivlin và Phu nhân nhằm củng cố, thắt chặt hơn nữa quan hệ Việt Nam-Israel, trao đổi các biện pháp thúc đẩy hợp tác song phương trên các lĩnh vực; đồng thời trao đổi về các vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm.