Thanh Hóa: Liên kết sản xuất lúa nếp đạt hiệu quả cao
Thanh Hóa: Xây dựng đề án phát triển các mô hình phát huy lợi thế khu vực miền núi Thanh Hóa: Đồng bào vùng cao phát triển cây dược liệu theo hướng hàng hóa |
Nhu cầu thị trường đối với các sản phẩm từ lúa nếp ngày càng cao. Vì vậy, mở rộng sản xuất lúa nếp theo chuỗi giá trị đang là xu hướng mà các doanh nghiệp tại Thanh Hóa hướng đến nhằm nâng cao giá trị thu nhập, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nông dân thông qua liên kết đầu tư sản xuất và bao tiêu sản phẩm.
Từ bao đời nay, lúa nếp đã gắn liền với đời sống của bà con các dân tộc huyện Lang Chánh trong sinh hoạt, ẩm thực và các dịp lễ, tết. Để duy trì và phát triển diện tích lúa nếp, huyện Lang Chánh đã thực hiện mô hình thâm canh lúa nếp 98 gắn với tiêu thụ sản phẩm ở bản Năng Cát, xã Trí Nang. Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ giống, tập huấn kỹ thuật gieo mạ, chăm sóc và được công ty bao tiêu sản phẩm khi đến mùa thu hoạch.
Bà con huyện Lang Chánh thu hoạch lúa (Ảnh: Đình Toàn) |
Thực tế cho thấy, mô hình đã góp phần quan trọng giúp thay đổi nhận thức, thói quen sản xuất manh mún, nhỏ lẻ của đồng bào dân tộc. Thông qua các mô hình và tham gia các lớp tập huấn, bà con dần thay đổi tư duy, nếp nghĩ, cách làm. Nhờ vậy, hiệu quả trồng trọt được nâng cao, đời sống người dân ngày càng phát triển.
Nhằm mở rộng diện tích lúa nếp, hàng năm, huyện Lang Chánh xây dựng kế hoạch phát triển lúa nếp trên địa bàn một cách cụ thể đến từng xã, thị trấn. Đồng thời, tích cực kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp tham gia liên kết phát triển vùng sản xuất tập trung các loại lúa nếp, tạo chuỗi giá trị bền vững cho loại đặc sản này.
Tại huyện Hà Trung, gạo nếp cái hoa vàng là đặc sản của vùng đất nhà Nguyễn đã được thị trường biết đến nhiều hơn nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trồng trọt. Với mong muốn gạo mang thương hiệu nếp cái hoa vàng xứ Thanh đến được với nhiều thị trường, Công ty Cổ phần thương mại Sao Khuê đã liên kết với nông dân trồng lúa nếp cái hoa vàng tại xã Hà Long. Nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật vào các khâu sản xuất từ gieo trồng, chăm sóc, quản lý dịch hại đến bao tiêu toàn bộ sản phẩm để chế biến, đóng gói đưa ra thị trường, giá trị lúa nếp cái hoa vàng đã tăng gấp 3 lần so với các giống lúa khác. Đặc biệt, nhờ sự trợ giúp kỹ thuật từ công ty, thói quen canh tác của người dân theo cách truyền thống đã thay đổi, đưa năng suất nếp cái hoa vàng tăng cao.
Những cánh đồng nếp cái hoa vàng trĩu bông ở huyện Hà Trung (Ảnh: Thanh Hiên) |
Hiện nay, sản phẩm nếp cái hoa vàng của xã Hà Long, huyện Hà Trung đã có tiếng trên thị trường trong và ngoài tỉnh bởi giá trị dinh dưỡng cao, hạt gạo nguyên chất 100%. Đặc biệt, do sản xuất theo phương pháp truyền thống nên gạo có mùi thơm đặc trưng, dẻo mềm, giá cả hợp lý, đóng gói thành các bao nhỏ, thuận tiện sử dụng. Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã Hà Long cũng đã ký hợp đồng với Công ty CP Thương mại Sao Khuê để tiêu thụ sản phẩm cho bà con, trung bình từ 100 - 150 tấn sản phẩm mỗi năm.
Với mục tiêu hình thành các vùng sản xuất lúa nếp hàng hóa có diện tích lớn gắn với liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; kết hợp xây dựng, phát triển các thương hiệu sản phẩm từ lúa nếp để nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích và nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, tỉnh đã xây dựng và triển khai thực hiện Phương án liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa nếp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2023 - 2025.
Theo đó, toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2025 diện tích gieo trồng lúa nếp đạt 20.000 - 23.000 ha (chiếm 8 - 10% tổng diện tích gieo trồng lúa) trở lên, năng suất bình quân đạt 50 tạ/ha, tổng sản lượng lúa nếp đạt từ 100.000 - 115.000 tấn/năm. Toàn tỉnh xây dựng được 2 thương hiệu gạo nếp hoặc sản phẩm từ gạo nếp đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao trở lên; 3 sản phẩm lúa nếp đạt từ 3 sao trở lên. Đồng thời, hướng dẫn các địa phương và doanh nghiệp áp dụng khoa học công nghệ và kỹ thuật canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ... Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận các cơ chế, chính sách khuyến khích sản xuất, trồng trọt.
Lúa nếp là sản phẩm lúa gạo chất lượng, có giá trị gia tăng cao; các giống nếp chủ yếu sử dụng là: Nhóm giống đặc sản bản địa (nếp hạt cau, nếp cái hoa vàng, nếp cẩm, nếp Cay Nọi); nhóm giống chất lượng cao (nếp Cô Tiên, nếp Đài Loan, nếp nhung, nếp vàng 1, nếp A Sào); nhóm giống nếp chế biến (nếp N97, nếp ĐT52, nếp Hương); nhóm giống nếp nương (nếp cẩm đen lõi, Kháu Phào, Kháu Mắc Khẻn, Kháu Puốc, Kháu Pé lẹng,..) |