Thanh Hóa: Đồng bào vùng cao phát triển cây dược liệu theo hướng hàng hóa
Gạo nếp Cay Nọi: Từ đặc sản địa phương thành sản phẩm OCOP Bộ Công Thương tập huấn chuyên sâu về thương mại điện tử cho tỉnh Thanh Hóa |
Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa, toàn tỉnh hiện có gần 1.000 loài cây dược liệu. Trong đó có khoảng 20 loài dược liệu quý như: Ba kích, đinh lăng, củ mài, hòe, hương nhu trắng, ích mẫu, quế, sa nhân, huyền sâm, xuyên tâm liên, nghệ vàng, cà gai leo... chủ yếu tập trung tại các huyện miền núi.
Hình thành nhiều mô hình liên kết sản xuất dược liệu |
Trồng cây dược liệu mở ra hướng đi mới, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao thu nhập, giúp đồng bào vùng cao phát triển kinh tế. Đơn cử như tại huyện Bá Thước, năm 2022, toàn huyện có khoảng 14 hộ tham gia trồng cây dược liệu với diện tích khoảng 5,5ha. Nhận thấy giá trị kinh tế từ cây dược liệu cao hơn so với các loại cây trồng truyền thống của địa phương, Hợp tác xã Pù Luông đã đứng ra hỗ trợ kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm cho bà con. Năm nay, hợp tác xã sẽ phát triển khoảng 63ha dược liệu trên địa bàn 8 xã với hàng trăm hộ tham gia trồng.
Để nhân rộng và phát triển cây dược liệu, huyện Quan Sơn đã quy hoạch vùng trồng dược liệu tập trung có chất lượng cao tại khu Vũng Cộp thuộc bản Chanh, xã Sơn Thủy với quy mô 250ha. Đồng thời, mời doanh nghiệp tư nhân sản xuất thuốc y học cổ truyền Bà Giằng (Thanh Hóa) vào đầu tư, liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho nông dân.
Vùng đất Vũng Cộp khí hậu ôn hòa, mát mẻ, độ cao khoảng 1.200m so với mặt nước biển nên cây dược liệu trồng nơi đây cho năng suất cao, chất lượng tốt. Sau gần 5 năm xây dựng, người dân xã Sơn Thủy đã phát triển hàng trăm ha cây dược liệu. Trong đó, một số loại dược liệu mang lại giá trị kinh tế cao như: Mã tiền, hà thủ ô đạt 400 triệu đồng/ha; thổ phục linh đạt 200 triệu đồng/ha...
Vĩnh Lộc vốn là vùng đất có khí hậu và điều kiện tự nhiên thuận lợi và nổi tiếng với loài cây bản địa là sâm báo. Đây là loại dược liệu quý hiếm có tác dụng bồi dưỡng cơ thể, đã được tôn vinh là “Đại Việt đệ nhất danh sâm”. Trước đây, bà con trồng sâm báo chủ yếu phục vụ nhu cầu của gia đình hoặc sơ chế, bán nhỏ lẻ. Những năm gần đây, cây sâm báo đang được khôi phục, khai thác và phát triển thành cây hàng hóa bản địa. Để bảo tồn, phát huy giá trị kinh tế của loại cây bản địa này, huyện Vĩnh Lộc đã xây dựng Đề án "Bảo tồn và mở rộng quy mô phát triển cây sâm báo trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030" với mục tiêu đưa cây sâm báo trở thành sản phẩm chủ lực của huyện. Theo đó, huyện đã xây dựng phương án sản xuất, kế hoạch phát triển, quy mô, diện tích cây sâm báo đến năm 2025 là 120ha, định hướng đến năm 2030 là 250ha.
Viên nang sâm báo - sản phẩm nghiên cứu của đề tài khoa học công nghệ cấp tỉnh. Ảnh: T.H |
Từ trước năm 2020, huyện Lang Chánh đã có chủ trương phát triển cây dược liệu và vận động người dân cải tạo vườn tạp hoặc trồng xen canh dưới tán rừng để nâng cao thu nhập trên cùng một diện tích canh tác. Trong 2 năm 2021 - 2022, Lang Chánh đã ban hành chính sách hỗ trợ phát triển cây dược liệu. Theo đó, huyện hỗ trợ 1 lần 15 triệu đồng/ha đối với diện tích trồng cây ngải cứu và 25 triệu đồng/ha các loại cây: Bách bộ, mạch môn đông, thiên môn đông, kim ngân hoa. Nhờ chính sách này, năm 2022, huyện Lang Chánh đã trồng mới 19,835ha dược liệu. Năm 2023, phấn đấu trồng mới 50ha, gắn với thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.
Với mục tiêu phát triển cây dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa, huyện Lang Chánh tạo mọi điều kiện thuận lợi để Công ty CP Đông Nam dược miền Trung phát triển sản xuất, kinh doanh thông qua việc đảm bảo diện tích vùng nguyên liệu và thông thoáng thủ tục đầu tư. Công ty cũng đã thực hiện sơ chế, bước đầu hợp tác sản xuất nhiều sản phẩm từ cây dược liệu, phục vụ nhu cầu thị trường như: Tinh dầu ngải cứu, nến xông thảo dược, muối thảo dược ngâm chân, thảo mộc tắm xông, điếu nhang ngải cứu... Trong đó, sản phẩm tinh dầu ngải cứu Herbal Farm đã được công nhận OCOP 3 sao và nhiều sản phẩm đang xây dựng hồ sơ xét công nhận OCOP cấp tỉnh.
Nhằm tạo cơ hội phát triển cây dược liệu trên địa bàn các huyện miền núi, Thanh Hóa chú trọng hướng dẫn hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất cây dược liệu tổ chức lại sản xuất, thực hiện liên kết với doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Tại huyện Lang Chánh đã hình thành một số mô hình liên kết bao tiêu sản phẩm cho đồng bào với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã. Công ty cổ phần Đông Nam dược miền Trung đang đầu tư liên kết, hỗ trợ chi phí sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho hơn 40ha cây dược liệu tại Lang Chánh; Hợp tác xã dịch vụ nông lâm nghiệp Bình Sơn thu mua cà gai leo để sản xuất trà cà gai leo túi lọc; Công ty cổ phần Dược liệu Triệu Sơn và Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp Vianaco thu mua sâm báo cho người dân các huyện Vĩnh Lộc, Thạch Thành, Triệu Sơn…
Nếu so sánh hiệu quả kinh tế, trồng cây dược liệu tại các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa cho thu nhập cao gấp 3 - 4 lần so với trồng lúa và cây hoa màu khác. Thành công của các mô hình liên kết đã góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập cho đồng bào miền núi. Đặc biệt, trồng cây dược liệu theo hướng hàng hóa đã giúp đồng bào thay đổi thói quen canh tác nhỏ lẻ, tự phát, chuyển đổi từ cây có giá trị thấp sang trồng theo mô hình công nghiệp có giá trị cao.