Quảng Trị: Tạo sinh kế bền vững cho đồng bào vùng cao từ cây trẩu
Hướng Hóa – Quảng Trị: Đồng bào trồng chuối sạch xuất khẩu Quảng Trị: Đồng bào dân tộc vươn lên khá giả từ cây sắn |
Theo thống kê sơ bộ, toàn tỉnh Quảng Trị hiện có gần 2.950 ha rừng trẩu, tập trung chủ yếu ở 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông. Đây là loại cây đa tác dụng, vừa sinh trưởng nhanh, vừa có giá trị sử dụng và giá trị kinh tế cao. Dầu ép từ hạt trẩu là nguyên liệu phục vụ cho các ngành công nghiệp chế biến sơn, véc-ni, mực in, chất làm khô bề mặt, chất bôi trơn, công nghiệp dược phẩm, nhiên liệu sinh học… Gỗ trẩu màu trắng, mềm, thường được bóc làm lớp phủ bề mặt của công nghệ chế biến gỗ dán rất có giá trị. Do vậy, trẩu được xem là cây lâm nghiệp đa tác dụng chủ lực, có giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, cây trẩu vừa mang lại nguồn thu nhập nhanh và liên tục giúp đồng bào xóa đói, giảm nghèo, vừa góp phần phủ xanh đất trống đồi núi trọc, đáp ứng yêu cầu phòng hộ rừng.
Trẩu giúp đồng bào vùng cao tăng thu nhập (Ảnh: T.H) |
Nhằm tập trung phát triển rừng bằng cây bản địa theo hướng ổn định, lâu dài, Quảng Trị đã ban hành kế hoạch “Phát triển sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ dầu trẩu trên địa bàn huyện Hướng Hóa và Đakrông, tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2023 - 2026, định hướng đến năm 2030”. Mục tiêu của kế hoạch là phát triển cây trẩu theo hướng ổn định, lâu dài, hình thành vùng sản xuất nguyên liệu hàng hóa tập trung, quy mô hợp lý gắn với nhà máy chế biến và thị trường tiêu thụ dầu trẩu. Xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm từ cây trẩu, góp phần tăng độ che phủ rừng và cải thiện đời sống đồng bào vùng cao.
Cụ thể, giai đoạn 2023 - 2026, tỉnh sẽ bảo vệ, duy trì ổn định, nâng cao chất lượng gần 2.950 ha rừng trẩu hiện có, phấn đấu năng suất quả từ 3 tấn quả tươi/ha trở lên; giá trị thu nhập từ rừng trẩu tăng từ 20% trở lên so với hiện tại. Diện tích rừng trẩu lấy quả có chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt trên 1.000 ha. Trồng mới bình quân khoảng 500 ha/năm, trong đó tỉ lệ giống cây trẩu được tuyển chọn, nâng cao chất lượng và kiểm soát nguồn gốc đạt từ 50% trở lên. Hình thành vùng nguyên liệu tập trung khoảng 5.000 ha, hằng năm cung cấp 2.000 tấn hạt trẩu phục vụ sơ chế, chế biến và xuất khẩu. Giúp tối thiểu 1.000 hộ gia đình tham gia, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập từ trẩu đạt tối thiểu 15% trong kinh tế hộ gia đình.
Đến năm 2030 sẽ hình thành vùng nguyên liệu tập trung khoảng 8.320 ha, hằng năm cung cấp 4.000 tấn hạt trẩu chất lượng cao, phục vụ cho sơ chế, chế biến và xuất khẩu. Diện tích rừng trẩu lấy quả có chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt từ 5.000 ha trở lên. Tối thiểu có 2.000 hộ gia đình tham gia trồng và phát triển trẩu. Cùng với đó, xây dựng các vườn ươm nhân giống cây trẩu, lựa chọn giống có năng suất vượt tối thiểu 15%, chất lượng cao và hàm lượng tinh dầu vượt trội tối thiểu 5% so với đại trà. Trồng mới bình quân 500 ha/năm, hình thành khoảng 5.000 ha vùng nguyên liệu tập trung, hàng năm cung cấp 2.000 tấn hạt trẩu phục vụ cho sơ chế, chế biến và xuất khẩu.
Đồng thời, hình thành các cơ sở sơ chế, chế biến gắn với vùng nguyên liệu theo hướng hiện đại, công suất trung bình 500 - 1.000 tấn/năm phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm trong và ngoài nước, hình thành nét văn hóa đặc trưng của các dân tộc về cây trẩu gắn với phát triển du lịch sinh thái địa phương.
Theo kế hoạch, để nâng cao chất lượng các rừng trẩu và phục vụ trồng mới, tỉnh sẽ xây dựng các vườn ươm nhân giống cây trẩu chất lượng cao với quy mô 500.000 cây giống/năm; lựa chọn giống cây trẩu có năng suất vượt tối thiểu 15%, chất lượng cao và hàm lượng tinh dầu vượt trội tối thiểu 5% so với đại trà. Đồng thời, hỗ trợ hình thành hệ thống thu gom, sơ chế, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm trẩu theo chuỗi liên kết. Khuyến khích, hỗ trợ xây dựng các cơ sở chế biến dầu trẩu quy mô nhỏ (công suất dưới 100 tấn dầu thô/năm) và vừa (công suất từ 500 - 1.000 tấn dầu thô/năm) gắn với vùng nguyên liệu. Mời gọi, hỗ trợ các doanh nghiệp lớn đầu tư nhà máy chế biến tinh dầu với công nghệ hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế, công suất từ 500 - 1.000 tấn hạt/năm để tạo bước đột phá, đa dạng hóa các sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Trồng trẩu lấy dầu giúp người dân các huyện Hướng Hóa và Đakrông có việc làm ổn định, tăng thu nhập; góp phần nâng cao độ che phủ rừng; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xóa đói, giảm nghèo và bảo đảm quốc phòng - an ninh khu vực biên giới. |