Quảng Trị: Đồng bào dân tộc vươn lên khá giả từ cây sắn
Quảng Trị: Nhiều chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc canh tác cà phê bền vững Hướng Hóa – Quảng Trị: Đồng bào trồng chuối sạch xuất khẩu |
Xây dựng vùng nguyên liệu sắn tập trung
Sắn vốn là cây trồng quen thuộc, phù hợp với tập quán canh tác của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô ở huyện vùng cao Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Đặc biệt là vùng Lìa, gồm 7 xã: Thanh, Thuận, Hướng Lộc, Lìa, Xy, A Dơi, Ba Tầng, xưa nay vẫn được xem là vùng trọng điểm sắn của huyện.
Thu hoạch sắn |
Là 1 trong 7 xã vùng Lìa của huyện Hướng Hóa, xã Thanh là địa phương có diện tích sắn lớn nhất của huyện với hơn 700 ha. Cây sắn đã trở thành nguồn thu nhập chính cho hàng trăm hộ gia đình đồng bào dân tộc Vân Kiều của xã Thanh. Thời gian qua, được Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa hỗ trợ và hướng dẫn kỹ thuật, phân bón, bà con trong xã Thanh đã tập trung đầu tư thâm canh, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nên năng suất và hàm lượng tinh bột trong sắn củ tăng. Nhờ đó, giá xuất bán sắn tươi cũng cao hơn hẳn so với các xã khác cùng địa bàn.
Xã Thuận cũng là địa phương có diện tích sắn lớn của huyện Hướng Hóa với gần 600 ha. Trước đây, các hộ gia đình ở đây chủ yếu trồng sắn trên triền đồi, nương rẫy… Từ khi có nhà máy bao tiêu toàn bộ sản phẩm, các hộ đồng bào đã đầu tư khai hoang đất đồi để mở rộng diện tích trồng sắn. Nhờ vậy, thu nhập của bà con tăng cao. Phần lớn nông dân trên địa bàn xã đã thoát nghèo và vươn lên khá giàu nhờ thu nhập chính từ cây sắn.
Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của huyện Hướng Hóa, vùng Lìa đang được xây dựng thành vùng nguyên liệu sắn tập trung quy mô lớn theo mô hình liên kết bao tiêu sản phẩm. Nhiều đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô nay đã là thành viên “Câu lạc bộ trăm triệu đồng” của Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa, trở thành những điển hình nông dân sản xuất giỏi của huyện, của tỉnh.
Doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm
Để bao tiêu sản phẩm cho bà con, năm 2003, Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa thuộc Công ty Thương mại Quảng Trị đã được xây dựng tại xã Thuận, gần đường tỉnh lộ Tân Long - Lìa. Khởi đầu, nhà máy chỉ có 1 dây chuyền chế biến tinh bột sắn với công suất 500 tấn sắn tươi/ngày. Để bao tiêu sản phẩm sắn cho người dân, đến nay Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa đã đưa vào hoạt động 3 dây chuyền chế biến tinh bột sắn với công suất tiêu thụ 1.500 tấn sắn tươi/ngày. Bình quân hàng năm nhà máy nhập 180.000 tấn sắn tươi của huyện Hướng Hóa, Đakrông, các huyện bạn Lào và phần nhiều trong số đó là sắn của bà con dân tộc Vân Kiều, Pa Kô ở các xã vùng Lìa.
Nhà máy chế biến tinh bột sắn Hướng Hóa thu mua sắn cho người dân |
Ngoài ra, Công ty Thương mại Quảng Trị cũng đầu tư một dây chuyền chế biến phân vi sinh với công suất 5.000 tấn/năm để tận dụng 100% phế thải từ hoạt động sản xuất tinh bột, góp phần nâng cao doanh thu cho nhà máy và giúp cho nông dân có thêm điều kiện đầu tư chăm sóc cây sắn bằng loại phân giá rẻ, thân thiện môi trường, hướng tới xây dựng vùng nguyên liệu sắn bền vững ở huyện Hướng Hóa.
Vào vụ thu hoạch, trên khắp các nương đồi đâu đâu cũng bắt gặp không khí hối hả, khẩn trương thu hoạch sắn. Những chiếc xe tải của Nhà máy chế biến tinh bột sắn Hướng Hóa luôn hoạt động hết công suất, liên tục vào tận nương rẫy để thu mua, chở sắn của người dân về nơi chế biến, tiêu thụ. Trong nhà máy, hoạt động vận chuyển sắn vào băng chuyền cũng rộn ràng, tất bật. Đồng hành cùng bà con, nhà máy cũng tập trung cao điểm về nhân lực thu mua, chế biến sắn với sản lượng cao nhất. Đồng thời, đảm bảo giúp bà con hoàn thành tốt việc thu hoạch, chuẩn bị các điều kiện để bước vào vụ sắn mới.
Nông sản được mùa, được giá nhờ sự liên kết, bao tiêu của các doanh nghiệp đã phần nào giúp nông dân huyện miền núi Hướng Hóa giảm bớt khó khăn do thiên tai, dịch bệnh. Đây là một trong những hướng phát triển kinh tế quan trọng giúp đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây thoát nghèo, từng bước vươn lên ổn định cuộc sống.
Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa thuộc Công ty Thương mại Quảng Trị được xem là hình mẫu cho mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong việc tiêu thụ nông sản ở địa phương. |