Ngẫm chuyện thương mại điện tử từ việc chậm chân trong giao hàng chặng cuối
Thương mại điện tử: Tăng trải nghiệm, tạo sức bật cho ngành bán lẻ “Móng tay nhọn” cho “vỏ quýt dày” trên nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới |
Người viết bài này có một bạn là doanh nhân mê mẩn thương mại điện tử từ lâu. Nhân một bữa trà dư tửu hậu cách đây ít lâu, anh kể chuyện mua cho con gái một chiếc piano trên mạng. Rằng lên mạng đặt rồi anh cho rằng phải cả tháng hàng về đến Hà Nội là nhanh, thế nhưng chỉ độ chục ngày sau, anh nhận được thông báo gì đó của nơi đặt hàng. Buổi sáng có được thông báo thì cuối buổi chiều, một chiếc xe tải đã dừng trước cửa nhà anh báo hiệu chiếc piano đã đến với chủ nhân. Cả nhà không ai nghĩ rằng lại có thể nhanh thế.
Và đó chỉ là một góc của sự ngạc nhiên. Chiếc piano khi được mở bao ra kiểm tra đúng chủng loại, lại không hề xước xát gì, các góc đàn vẫn nguyên vẹn các đường bo, vẫn bóng loáng cứ y như còn đang ở ngoài shop. Rồi những hợp âm vang lên rộn rã như chia sẻ sự ngỡ ngàng của cô chủ mới.
Kể lại câu chuyện này anh bạn doanh nhân tấm tắc khen thương mại điện tử “khiếp” thật. Chúng tôi cười với anh rằng, nếu giờ đây mà anh đặt hàng thì kể cả đến chiếc piano tốc độ giao hàng còn “khiếp” gấp hàng chục lần nữa chứ không nói đến chuyện những mặt hàng “nhỏ con”.
Vui với câu chuyện của người bạn doanh nhân nhưng trong tâm trí chúng tôi thoáng đượm buồn khi nghĩ đến cái tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử Việt Nam tuy rằng thậm chí đến hai con số nhưng cái khâu giao hàng, nhất là giao hàng chặng cuối, cái ưu thế thay vì thuộc về doanh nghiệp trong nước lại trở thành cái “gót chân Achilles” và hầu như thuộc về doanh nghiệp của ông bạn láng giềng Trung Quốc.
Ảnh minh hoạ. |
Cổ nhân có câu “nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ” để chỉ việc tận dụng, phát huy những lợi thế thị trường để tăng trưởng doanh số. Với thời đại mà thương mại điện tử lên ngôi, mấy cái nhất nhì ba ấy tưởng như đã xa hoá ra lại vẫn đúng. Không chỉ thu hút nhu cầu các khách hàng từ Việt Nam từ các buổi livestream, các doanh nghiệp Trung Quốc còn đang cho thấy tốc độ xâm lấn ngay tại thị trường Việt Nam đến cả khâu giao hàng chặng cuối.
Một số chuyên gia nhìn nhận, để có thể giao hàng nhanh chóng đến tay người mua xuyên biên giới, các doanh nghiệp Trung Quốc rất chú trọng đầu tư năng lực xử lý đơn hàng. Khi có đơn hàng phát sinh, đội ngũ chăm sóc và xử lý đơn hàng thường chỉ mất không quá 30 phút để đóng gói và đưa hàng tới địa điểm tập kết. Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo vào quá trình xử lý đơn hàng cũng được các doanh nghiệp Trung Quốc áp dụng triệt để. Thời gian đã thực sự trở thành một cấu phần không thể thiếu trong việc tối ưu hoá sự trải nghiệm của khách hàng.
Hai trở ngại không nhỏ đang ngáng trở để doanh nghiệp Việt Nam tạo dựng giá trị gia tăng trong khâu giao hàng chặng cuối của thương mại điện tử là hạ tầng và năng lực giao hàng. Phương tiện được dùng trong giao hàng chặng cuối của Việt Nam hiện nay chủ yếu là xe máy. Tuy nhiên, xe máy không phải sản xuất ra để giao hàng mà được “độ” thêm bằng cách gắn thêm thùng để giao hàng. Chủ yếu các nhà vận tải đang giao hàng bằng xe máy có sức chứa nhỏ, trong khi hiệu quả của xe tải không cao do chi phí đầu tư và vận hành đều cao. Liên quan đến hạ tầng, kẹt xe, ngập úng là nỗi ám ảnh với bất cứ doanh nghiệp giao hàng nào. Những yếu tố này đã góp phần làm tăng chi phí giao hàng chặng cuối cũng như khiến chi phí logistics của Việt Nam cao hơn các quốc gia khác trong khu vực
Cuộc chơi thương mại điện tử không chờ đợi ai. Đường đến phần thắng về giá trị gia tăng, thị phần dường như đang ngày một dài ra với doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia thương mại điện tử. Bài toán về hạ tầng, về kho vận, về năng lực xử lý thông tin đang đặt ra những thách thức lớn cần phải giải quyết nếu như muốn giá trị đích thực của tăng trưởng hai con số thuộc về mình.