“Móng tay nhọn” cho “vỏ quýt dày” trên nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới
Nền tảng thương mại điện tử Telio gọi vốn thành công 25 triệu USD RS Components ra mắt nền tảng thương mại điện tử tại Việt Nam |
Thương mại điện tử đang ngày càng chứng tỏ như một mũi tiên phong của kinh tế số và có tốc độ tăng trưởng ngoạn mục. Với Việt Nam tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử luôn gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng của GDP và ngay cả trong thời gian đại dịch COVID-19 vẫn đạt mức 2 con số, góp một động lực quan trọng cho tăng trưởng.
Nhưng dẫu vậy bức tranh về thương mại điện tử không phải luôn chỉ có "màu hồng". Bên cạnh việc tạo doanh số tiêu dùng, thúc đẩy thị trường bán lẻ, các nền tảng trên thương mại điện tử, đặc biệt là các nền tảng xuyên biên giới cũng có những tác động tiêu cực, thậm chí là lừa đảo, có thể chứa đựng yếu tố bất ổn về an ninh kinh tế, an ninh tư tưởng, văn hoá.
Trong số các yếu tố này nổi lên là việc giả mạo lừa đảo trong bán hàng, bán hàng và các loại vật phẩm tiêu dùng của Việt Nam thể hiện bản đồ đất nước thiếu các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đặc biệt nguy hại nữa là nhiều nền tảng thương mại điện tử còn được link một cách công khai hoặc hiển thị quảng cáo trên các trang web đen, các trang có nội dung độc hại có nội dung cờ bạc, cá cược và bạo lực.
Thời gian vừa qua, các vụ lừa đảo trực tuyến đã và đang diễn biến phức tạp trên môi trường số. Ghi nhận riêng trong 6 tháng đầu năm 2023 cho thấy tình hình lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái; tăng 37,82% so với 6 tháng cuối năm 2022.
Có 3 nhóm lừa đảo chính gồm: Giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác với hàng chục hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng Việt Nam, nhắm vào các nhóm đối tượng: Người cao tuổi, trẻ em, sinh viên và thanh niên, các đối tượng công nhân, người lao động, nhân viên văn phòng...
Các nền tảng thương mại điện tử cần được quản lý chặt chẽ một cách thường xuyên, liên tục |
Đặc biệt đáng quan ngại là các nền tảng thương mại điện tử được sử dụng triệt để cũng như tiếp tay cho hình thức lừa đảo theo kiểu Ponzi, nói nôm na là huy động vốn kiểu lấy người trước trả cho người sau, hứa hẹn lãi suất cùng thu nhập cao trong khi việc rút tiền ra là rất khó. Hình thức lừa đảo kiểu Ponzi tuy đã xuất hiện từ rất lâu trên thế giới nhưng đang có xu hướng lan mạnh ở Việt Nam và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Các đối tượng lừa đảo thậm chí còn có thể hành động đến mức trắng trợn như giả mạo văn bản của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để khoác lên các sản phẩm, các chương trình chạy trên môi trường điện tử mang tính lừa đảo một bộ “bộ cánh” y như thật.
Những thực trạng này đã và đang đặt cho các cơ quan quản lý chức năng nhiều thách thức, nhiều câu hỏi cần được giải đáp để công tác quản lý được chặt chẽ, kịp thời bịt ngay các lỗ hổng, các hiện tượng nguy hại kể trên.
Rõ ràng là khi mà “vỏ quýt dày” của các nền tảng thương mại điện tử, đặc biệt là các nền tảng xuyên biên giới đang ngày càng dày lên đòi hỏi “móng tay nhọn” của các nhà quản lý cũng cần phải nhọn hơn nữa, sắc hơn nữa trên cả hai phương diện thiết bị công nghệ và nâng cao nhận thức cho cá nhân.
Đặc biệt việc tuyên truyền phổ biến, nâng cao nhận thức cho các cá nhân và trang bị các kỹ năng cần thiết cho các cá nhân cần được coi như một yếu tố then chốt trong bối cảnh hiện nay. Ở đây vai trò kịp thời cảnh báo của các cơ quan chức năng, các phương tiện báo chí truyền thông chính thống là rất quan trọng trong việc xây dựng ý thức, hình thức các kỹ năng phân biệt “vàng – thau” khi tiếp cận các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới.
Yếu tố này đang càng lúc càng trở nên cần kíp khi mới đây các chuyên gia cảnh báo, sau thời gian dịch bệnh COVID-19 hoành hành trên quy mô toàn cầu, thương mại điện tử của thế giới có xu hướng khó đoán định hơn mà cũng đang trở nên mơ hồ hơn.
Quản lý các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới cũng vì thế mà tuy không theo kiểu “phong sát” song cần được luôn “làm sạch” để yếu tố minh bạch luôn dễ trở nên tiếp cận với người dùng.
Có như vậy thì thương mại điện tử mới thực sự mang đúng vai trò tiên phong, vai trò mũi nhọn của kinh tế số và góp phần thúc đẩy kinh tế số của Việt Nam nhanh, lành mạnh và bền vững.