Thương mại điện tử: Tăng trải nghiệm, tạo sức bật cho ngành bán lẻ
Xu hướng thương mại điện tử và kinh tế số trong khu vực ASEAN Thương mại điện tử: Cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu hàng Việt Nam |
Theo số liệu của Bộ Công Thương, năm 2022, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Mua sắm hàng hóa trên sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, như Zalo, facebook… đã không còn xa lạ với người tiêu dùng. Việc giao dịch nhanh chóng, thuận tiện thông qua việc ứng dụng công nghệ đã làm thay đổi mạnh mẽ ngành bán lẻ, trong đó rõ rệt nhất là việc thu hẹp dần các cửa hàng bán trực tiếp, thay vào đó là những hình thức mua bán qua các sàn hay chợ mạng…
Gia tăng tiện ích
Trước năm 2020, anh Trần Phi Long, chủ một chuỗi bán lẻ các sản phẩm hàng tiêu dùng trên địa bàn Hà Nội có 4 cửa hàng tập trung tại các khu đông dân cư. Trung bình chi phí thuê cửa hàng cộng với tiền lương của nhân viên có thể lên tới trăm triệu đồng mỗi tháng, song từ khi chuyển sang kinh doanh trực tuyến, mở thêm gian hàng trên các sàn thương mại điện tử, doanh số bán hàng của đơn vị tăng mạnh vì giảm được nhiều chi phí.
“Tiền thuê cửa hàng được cắt giảm và chỉ cần tập trung vào việc quảng bá, chăm sóc khách hàng, nhờ đó mà mọi việc cũng được chuyên sâu và nhanh chóng hơn,” anh Long chia sẻ.
Đại dịch COVID-19 đã trở thành “chất xúc tác” mạnh mẽ làm thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Thay vì mua sắm trực tiếp tại cửa hàng, siêu thị… nhiều người đã quan tâm hơn đến việc mua sắm tại các sàn thương mại điện tử, website, mạng xã hội mà không phải mất nhiều công sức.
Thống kê cho thấy, các nền tảng bán hàng online phổ biến như Shopee, Tiki, Chotot, Lazada… đều cho thấy sự tăng trưởng mạnh của nhóm mặt hàng không thiết yếu trong những năm đại dịch (2020-2022). Các sản phẩm được mua online nhiều nhất là sản phẩm thời trang, thiết bị gia dụng…
Bà Vũ Thị Hậu, nguyên Chủ tịch Hiệp hội các Nhà bán lẻ Việt Nam nhìn nhận, khi xảy ra đại dịch COVID-19, việc bán hàng trên các kênh thương mại điện tử đã phát triển rất mạnh. Các nhà bán lẻ rất nhanh nhạy chuyển hướng phục vụ người tiêu dùng tốt hơn. Nhà bán lẻ đầu tư nhiều cho công nghệ, nhân lực để đáp ứng yêu cầu.
Còn các nhà sản xuất cũng tận dụng các website của chính doanh nghiệp mình, các trang thương mại điện tử, các nền tảng mạng xã hội để đẩy mạnh tiêu thụ. Đây cũng chính là xu hướng của ngành bán lẻ trong thời gian tới, đặc biệt với các mặt hàng nông sản…
Chỉ cần "1 chạm" trên màn hình điện thoại thông minh, người tiêu dùng có thể mua hàng từ khắp mọi nơi. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+) |
Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp thông tin, sau dịch COVID-19, người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang mua sắm trên các nền tảng thương mại điện tử, đặc biệt là các mặt hàng đặc sản, nông sản, sản phẩm OCOP, vì vậy kênh giao dịch trực tuyến đã trở thành phổ biến và hữu ích cho cả người bán và người mua.
Đẩy mạnh kết nối vào chuỗi cung ứng
Thực tế cho thấy, những năm gần đây, thương mại điện tử Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng trưởng nhanh và mạnh mẽ. Hiện tại, trên 73% dân số Việt Nam sử dụng Internet, trong số đó có tới 78% người dùng tham gia mua sắm trực tuyến.
Số liệu tại Báo cáo Thương mại Điện tử Việt Nam cho thấy, năm 2022, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước, ước tính giá trị mua sắm trực tuyến trung bình đạt 288 USD/người/năm.
Để tận dụng thương mại điện tử hiệu quả, trong năm 2022, Bộ Công Thương đã phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều chương trình kết nối thương mại điện tử tại nhiều tỉnh, thành phố như: Hưng Yên, Bắc Giang, Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Thái Bình, Cần Thơ và nhiều địa phương ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Chương trình đã hỗ trợ hàng nghìn lượt doanh nghiệp tiếp cận phương thức phân phối hàng hóa trên thương mại điện tử, tạo thói quen mua sắm đối với người tiêu dùng, qua đó tăng doanh thu cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các chương trình hợp tác về thương mại điện tử xuyên biên giới với các đối tác là sàn thương mại điện tử quốc tế lớn như Amazon, Alibaba được triển khai mạnh mẽ, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đẩy mạnh xuất khẩu. Thông qua những chương trình này, các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam (nông sản, thực phẩm chế biến, hàng thủ công mỹ nghệ, hàng công nghiệp tiêu dùng) có thể xuất khẩu trực tiếp từ doanh nghiệp sản xuất đến thị trường của nhiều quốc gia trên thế giới thông qua thương mại điện tử.
Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội Nguyễn Thị Mai Anh cho hay, thương mại điện tử xuyên biên giới không những tạo cơ hội cho doanh nghiệp nâng cao doanh số bán hàng, mà còn tìm kiếm mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt, tiết giảm chi phí, tối ưu nguồn lực để tiếp cận chuỗi cung ứng toàn cầu.
“Con số những doanh nghiệp đạt doanh thu trực tuyến cao tiếp tục tăng và phần lớn doanh nghiệp đã có mặt trên hầu hết các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước,” bà Nguyễn Thị Mai Anh chia sẻ.
Theo ông Đặng Thanh Tùng, Phụ trách Phòng phát triển Thị trường, Trung tâm Tin học và Công nghệ số, phía Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đang xây dựng và sẽ triển khai Chương trình kết nối thương mại điện tử liên kết vùng phát triển Gian hàng Việt trực tuyến, theo đó, chương trình này tập trung xây dựng mạng lưới đối tác gồm các nhà sản xuất, nhà phân phối, nhà vận chuyển và các bên liên quan khác trong ngành nông sản, sản phẩm địa phương, hàng công nghiệp tiêu dùng ...
Mạng lưới này giúp tăng cường khả năng tiếp cận thị trường và đáp ứng nhu cầu tiêu thụ và tăng cường hợp tác vùng miền, xây dựng mô hình hợp tác giữa các vùng sản xuất nông sản để tạo ra sức mạnh tập trung và tăng cường khả năng cạnh tranh trong thị trường.
Việc xây dựng mạng lưới liên kết vùng qua thương mại điện tử giúp nhà sản xuất ở các địa phương có khả năng tiếp cận thị trường một cách hiệu quả hơn và đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ. Nhờ vào mạng lưới đối tác, các sản phẩm nông sản, đặc sản địa phương có thể được quảng bá và tiếp cận đến một lượng lớn người tiêu dùng thông qua các kênh trực tuyến.
Bên cạnh đó, chương trình còn tập trung vào việc tăng cường hợp tác giữa các vùng sản xuất nông sản, sản xuất hàng công nghiệp địa phương. Bằng cách xây dựng mô hình hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm, tài nguyên, các vùng này có thể tạo ra sức mạnh tập trung và tăng cường khả năng cạnh tranh trong thị trường. Hợp tác giữa các vùng sản xuất nông sản giúp tối ưu hóa tài nguyên, cải thiện chất lượng sản phẩm và tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận thị trường./.