Làng nghề miền Tây - bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào Khmer
Làng nghề dệt thổ cẩm Văn Giáo
Ở An Giang có một số làng dệt thổ cẩm truyền thống nổi tiếng như làng dệt thổ cẩm Văn Giáo (xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên), làng dệt thổ cẩm Châu Giang (ấp Phum Xoài, xã Châu Phong, huyện Tân Châu). Các sản phẩm dệt thổ cẩm khá đa dạng, từ sà rông, túi, ví, khăn tay đến quần áo… đều được làm thủ công, mang vẻ đẹp độc đáo, đậm đà bản sắc truyền thống của các dân tộc Chăm, Khmer.
Trong đó, làng nghề dệt thổ cẩm Văn Giáo là một làng nghề nổi tiếng ở miền Tây thuộc huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang - nơi có hơn 80 % đồng bào Khmer sinh sống. Sản phẩm thổ cẩm Văn Giáo đa dạng và phong phú, màu sắc hài hòa, hoa văn sắc sảo kết hợp phong cách truyền thống và hiện đại tạo nên nét đẹp đặc trưng, giàu bản sắc văn hóa của dân tộc Khmer.
Các sản phẩm dệt thổ cẩm đa dạng, phong phú |
Dưới bàn tay khéo léo của người con gái Khmer, những sợi chỉ thô sơ, đơn sắc được đan kết thành một tấm thổ cẩm sống động, đầy màu sắc. Vì thế, sản phẩm thổ cẩm Văn Giáo được nhiều du khách ưa chuộng và tìm mua. Không chỉ hấp dẫn các du khách du lịch miền Tây, sản phẩm dệt thổ cẩm của làng nghề Văn Giáo với những hoa văn “độc nhất vô nhị” của người Khmer còn được xuất khẩu qua nước bạn Thái Lan, Campuchia…
Làng nghề nắn nồi đất Hòn Đất
Nghề nắn nồi đất là một làng nghề đặc trưng ở vùng miền Tây sông nước. Nghề này có xuất xứ tại Hòn Đất (Kiên Giang), xuất hiện từ cuối thập niên 1920. Nhờ ở Kiên Giang có nguyên liệu đất sét tốt, độ kết dính cao nên những sản phẩm đất nung được sản xuất từ làng nghề nắn nồi đất Hòn Đất có chất lượng rất tốt, chịu được nhiệt cao hơn nhiều so với những sản phẩm được sản xuất ở những nơi khác.
Các sản phẩm đặc trưng ở đây là: Nồi đất, Cà ràng, Om, Xoong… Những công đoạn này đều phải làm thật đều, thật dẻo thì sản phẩm nồi đất, om đất mới đẹp và có chất lượng tốt. Mặc dù hiện tại trên thị trường có rất nhiều sản phẩm nồi bếp bằng các chất liệu như thủy tinh, kim loại nhưng nồi đất ở Hòn Đất vẫn được người dân trong vùng và các khu vực lân cận sử dụng.
Nghề nắn nồi đất là một làng nghề đặc trưng ở vùng miền Tây sông nước |
Làng nghề đan bàng Phú Mỹ
Sống giữa một vùng đất phèn mặn, đồng bào Khmer tỉnh Kiên Giang đã kiên nhẫn biến cỏ bàng thành hàng hóa với các sản phẩm sinh hoạt và mỹ nghệ. Làng nghề đan bàng Phú Mỹ – Vĩnh Điều, huyện Kiên Lương, tỉnh An Giang nhộn nhịp quanh năm. Công việc đan lát các sản phẩm từ bàng khá nhẹ nhàng nhưng đòi hỏi sự khéo léo, rất thích hợp cho cả phụ nữ và trẻ em tham gia. Họ làm ra các sản phẩm rất đa dạng như: đệm, túi xách, đồ gia dụng…
Những sản phẩm làm ra hoa văn rất tinh xảo mà vẫn mang “cái hồn” của đồng quê chân chất. Những đường nét hoa văn cứ lần lượt hiện dần lên dưới đôi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân làng nghề. Người đan bàng không những làm hàng theo mẫu mã sẵn có mà còn tự mày mò nghiên cứu, cải tiến và thiết kế cho ra các sản phẩm với mẫu mã mới lạ, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Thời gian gần đây, từ sự hỗ trợ của chương trình khuyến công, làng nghề đan bàng Phú Mỹ đã thực sự hồi sinh, mở ra hướng làm giàu cho đồng bào Khmer nơi đây.
Làng nghề chằm nón lá
Ngoài nét đẹp trù phú thiên nhiên ban tặng, Cần Thơ còn nổi tiếng với làng nghề chằm nón lá. Nguyên liệu chủ yếu làm ra những chiếc nón lá đẹp phục vụ cho nhu cầu của người dân lẫn du khách đó là cây trúc và lá mật cật - loại lá được lấy từ vùng Phú Quốc và Cà Mau. Để chiếc nón thêm phần hấp dẫn hơn, người thợ thủ công thường thêu thêm những hoa văn, họa tiết đẹp với nhiều hình dáng và màu sắc khác nhau. Mặc dù nghề chằm nón lá chưa đem lại nhiều thu nhập nhưng vẫn đảm bảo được cuộc sống đủ đầy, ấm no cho đồng bào nơi đây.