Vị ngọt đường thốt nốt An Giang
Tịnh Biên - An Giang: Quan tâm hỗ trợ sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số An Giang cần huy động mọi nguồn lực để phát triển kinh tế biên mậu |
Hình thành vùng sản xuất thốt nốt hữu cơ
Cây thốt nốt đã gắn liền với đời sống đồng bào dân tộc Khmer ở An Giang từ bao đời nay. Đây là cây trồng đặc trưng ở khu vực bán sơn địa thuộc huyện Tri Tôn và TX Tịnh Biên. Trong nhiều năm qua, loài cây này đã trở thành cây trồng sinh kế của phần lớn các hộ gia đình đồng bào Khmer tại các địa phương này. Tuy nhiên, đồng bào Khmer phần lớn khai thác trái tươi và nước mật để tạo ra thực phẩm tiêu dùng hàng ngày; quy trình sản xuất sản phẩm từ cây thốt nốt vẫn theo lối truyền thống thủ công nên sản lượng và chất lượng không đảm bảo yêu cầu của thị trường...
Cây thốt nốt đã gắn liền với đời sống đồng bào dân tộc Khmer ở An Giang (Ảnh: T.H) |
Nhận thấy tiềm năng và triển vọng phát triển của cây thốt nốt, An Giang đã xây dựng đề án hình thành vùng thốt nốt hữu cơ, tiến tới xây dựng thương hiệu thốt nốt hữu cơ An Giang.
Theo đó, định hướng đến năm 2025 sẽ hình thành và phát triển tối thiểu 1 chuỗi sản xuất liên kết gắn với tiêu thụ thốt nốt hữu cơ được chứng nhận. Tỷ lệ sản phẩm thốt nốt hữu cơ đạt 1- 2% trên tổng sản phẩm của toàn tỉnh. Lợi nhuận thu được từ thốt nốt, sản phẩm từ thốt nốt hữu cơ bằng hoặc cao hơn so với tập quán thông thường từ 0,5-1 lần.
Tỉnh phấn đấu đến năm 2030, số lượng cây thốt nốt tại An Giang được khai thác sản xuất sản phẩm hữu cơ đạt 500 cây; trong đó, huyện Tri Tôn 200 cây và Tịnh Biên 300 cây. Tỉnh sẽ hình thành mới tối thiểu 1 chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ thốt nốt hữu cơ được chứng nhận. Tỷ lệ sản phẩm thốt nốt hữu cơ đạt 3% trên tổng sản phẩm của toàn tỉnh. Lợi nhuận thu được từ thốt nốt, sản phẩm từ thốt nốt hữu cơ bằng hoặc cao hơn so với tập quán thông thường từ 1,5-2 lần.
Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã phối hợp với huyện Tri Tôn và Tịnh Biên tiến hành khảo sát hiện trạng vùng dự kiến xây dựng, hình thành vùng thốt nốt hữu cơ, lập sơ đồ vùng trồng, đánh mã số cây thốt nốt chuyển đổi hữu cơ; khảo sát và làm việc với các cơ sở sơ chế, chế biến, tiêu thụ đường thốt nốt. Đồng thời, phân tích mẫu đất, mẫu nước tại các vùng trồng thốt nốt, phục vụ chứng nhận thốt nốt hữu cơ.
Chế biến sản phẩm theo tiêu chuẩn hữu cơ
Dự kiến, trong quá trình sản xuất thốt nốt hữu cơ, tỉnh An Giang sẽ hướng dẫn các nông hộ, hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở trồng và sơ chế thốt nốt... cách sản xuất, khai thác mật thốt nốt và chế biến sản phẩm theo tiêu chuẩn hữu cơ.
Đường thốt nốt - đặc sản của tỉnh An Giang (Ảnh: Ánh Nguyên) |
Các vùng trồng sẽ được hỗ trợ cấp chứng nhận vùng sản xuất thốt nốt hữu cơ, tạo vùng nguyên liệu để liên kết với doanh nghiệp sản xuất, cung cấp các sản phẩm từ thốt nốt hữu cơ cho thị trường nội địa và xuất khẩu. Tỉnh phấn đấu hình thành 11 vùng trồng, hợp tác xã, tổ hợp tác đạt chứng nhận hữu cơ (đến năm 2025 đạt 4 vùng trồng ; đến năm 2030 đạt thêm 7 vùng trồng).
Đồng thời, tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực cho nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác, cán bộ quản lý và cán bộ kỹ thuật các cấp về sản xuất thốt nốt hữu cơ, chứng nhận hữu cơ gắn với doanh nghiệp liên kết tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, đào tạo kỹ thuật, phương pháp ủ và sử dụng phân hữu cơ, hỗ trợ vật tư sản xuất hữu cơ cho các hộ trồng vùng đệm và cây trồng khác xen canh vùng trồng thốt nốt hữu cơ; hướng dẫn quy trình sản xuất thốt nốt hữu cơ.
Các hộ tham gia được trang bị dụng cụ thu hoạch, chứa sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm, vật tư nông nghiệp nguồn gốc hữu cơ (phân hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học); biển cảnh báo khu vực sản xuất… Khi đủ điều kiện, vùng trồng sẽ được cấp chứng nhận thốt nốt hữu cơ theo tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam và một số thị trường: Hoa Kỳ, Nhật, EU...
Dự kiến, giai đoạn 2023 - 2030, sẽ có khoảng 10 lớp hỗ trợ kỹ thuật về sản xuất thốt nốt hữu cơ cho nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác, giúp áp dụng kỹ thuật sử dụng phân bón hữu cơ, quản lý sâu bệnh hại thốt nốt.
Ngoài ra, An Giang sẽ đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giúp nông dân nâng cao nhận thức về sản xuất thốt nốt hữu cơ, mạnh dạn chuyển đổi sản xuất và nhân rộng mô hình; tăng tỷ lệ nông dân sản xuất thốt nốt sử dụng phân bón hữu cơ và thuốc sinh học.
Triển khai mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm
Tháng 6/2023, Trung tâm Phát triển nông thôn – Saemaul Undong (Trường Đại học KHXH&NV TP. Hồ Chí Minh) đã xây dựng dự án “Mô hình hợp tác phát triển sản phẩm từ cây thốt nốt trên địa bàn huyện Tri Tôn” nhằm gia tăng giá trị từ cây thốt nốt, đẩy mạnh khai thác nguồn nguyên liệu và kết nối đầu ra sản phẩm. Đối tượng tham gia là 30 hộ nghèo, hộ cận nghèo Khmer gắn với sinh kế từ cây thốt nốt.
Cây thốt nốt mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho đồng bào Khmer (Ảnh minh họa) |
Dự án sẽ tập huấn kỹ thuật chăm sóc, sơ chế và bảo quản sản phẩm từ thốt nốt, hướng dẫn sử dụng các máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, thu hoạch, chế biến và bảo quản. Các hộ được hỗ trợ công cụ, trang thiết bị phục vụ sản xuất (máy khuấy mật, dụng cụ hứng mật hoa, đựng sản phẩm, hứng nước); tập huấn về thị trường nông sản và liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị...
Công ty Cổ phần Palmania (huyện Tri Tôn) chịu trách nhiệm liên kết tiêu thụ các sản phẩm chế biến từ cây thốt nốt. Tổng kinh phí thực hiện dự án gần 947 triệu đồng, thời gian thực hiện từ tháng 6/2023 đến tháng 12/2023.
Đầu tháng 11 vừa qua, dự án đã tổ chức tập huấn về thị trường nông sản và liên kết trong sản xuất chuỗi giá trị. Tham gia lớp tận huấn là 50 cán bộ, lãnh đạo UBND và người dân 6 xã, thị trấn thuộc vùng dự án ở huyện Tri Tôn, gồm: Ô Lâm, Núi Tô, Châu Lăng, Lê Trì, An Tức và thị trấn Cô Tô.
Các đại biểu đã được cung cấp kiến thức về chuỗi giá trị, các hình thức liên kết, như: Cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, thu hoạch, sơ chế, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, thương hiệu nông sản; giới thiệu hệ thống truy xuất nguồn gốc, xây dựng kênh phân phối sản phẩm; giới thiệu một số mô hình hợp tác xã có hiệu quả…
Tại lớp tập huấn, 2 doanh nghiệp tham gia liên kết tiêu thụ sản phẩm là Công ty Cổ phần Palmalia (huyện Tri Tôn) và Công ty TNHH MTV Phát triển đặc sản vùng miền Trần Gia (TX. Tịnh Biên) đã thông tin về tiêu chuẩn thu mua và các sản phẩm từ thốt nốt đang sản xuất, như: Đường, mật, rượu, siro…
Tỉnh An Giang sẽ thí điểm mô hình sản xuất thốt nốt hữu cơ, gắn liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp chế biến đường thốt nốt, các sản phẩm từ thốt nốt hữu cơ tại huyện Tri Tôn và TX. Tịnh Biên. Từ đó, từng bước xây dựng thương hiệu thốt nốt hữu cơ An Giang; phục hồi và phát triển những sản phẩm chế biến từ cây thốt nốt như: Đồ mỹ nghệ từ thốt nốt, nước thốt nốt… nhằm đa dạng hóa sản phẩm, góp phần cải thiện đời sống, tăng thu nhập cho đồng bào Khmer nơi đây. |