'Hàng Nhật bãi' bày bán vỉa hè: Thật - giả lẫn lộn
Gắn mác “hàng Nhật bãi” để câu khách
Đã từ lâu, dọc một số tuyến đường có vỉa hè rộng của TP. Hà Nội như: Hoàng Quốc Việt, Trần Đại Nghĩa, Đại Cồ Việt... người dân không khó để bắt gặp cảnh hàng loạt sạp bán đồ cũ dựng san sát, trải dài ngay trên lối đi bộ. Những biển hiệu đỏ rực in đậm dòng chữ “hàng Nhật bãi” được dựng nổi bật bên các khay hàng hóa đa dạng: từ giày dép, dụng cụ nhà bếp, nồi niêu, máy khoan, đồ điện đến các loại máy móc cũ kỹ. Người bán khẳng định đây là hàng nhập từ Nhật Bản đã qua sử dụng, giá rẻ hơn nhiều so với hàng mới.
Hoạt động mua bán này diễn ra phổ biến hơn vào các ngày nghỉ cuối tuần, khi lượng người qua lại đông đúc và lực lượng kiểm tra mỏng. Các điểm bán di động thường “đổ bộ” ra vỉa hè ngay từ sáng sớm và chỉ thu dọn khi trời tối hoặc có dấu hiệu kiểm tra. Thậm chí vào một số dịp kỳ nghỉ lễ của người dân kéo dài, người bán hàng còn căng lều ngủ xuyên đêm tại vỉa hè để hôm sau tiếp tục bán hàng.
![]() |
Một sạp hàng treo biển "Hàng Nhật bãi" trên đường Hoàng Quốc Việt. (Ảnh: Đăng Khoa) |
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương, hoạt động mua bán diễn ra khá nhộn nhịp vào buổi chiều tối. Nhiều người tò mò dừng lại xem, lựa chọn với kỳ vọng mua được đồ xịn giá rẻ. Một người bán tại đường Hoàng Quốc Việt còn khẳng định: “Toàn bộ là hàng Nhật chuẩn, nội địa xách tay, dùng cực bền, mua ở đây là yên tâm”.
Tuy nhiên, không có bất kỳ loại giấy tờ nào chứng minh nguồn gốc nhập khẩu, chất lượng sản phẩm. Các món hàng đều được bày bán trần trụi ngoài trời, không bao bì, không nhãn phụ, không hóa đơn. Việc mập mờ giữa “hàng Nhật nội địa” thật và hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ khiến người tiêu dùng mua hàng như tham gia trò may rủi.
Cần siết chặt quản lý, xử lý hành vi mập mờ nguồn gốc
Theo các chuyên gia thương mại, "hàng Nhật bãi" đúng nghĩa là hàng nội địa Nhật Bản đã qua sử dụng, được thu gom, phân loại và tái bán tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, việc nhập khẩu các mặt hàng đã qua sử dụng hiện nay bị giới hạn nghiêm ngặt. Việc nhập khẩu các máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất đã qua sử dụng được quy định rất chặt chẽ tại Quyết định 18/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Thực tế, phần lớn các loại hàng “Nhật bãi” đang bày bán công khai ven đường không hề được kiểm định. Nhiều sản phẩm là hàng trôi nổi, được nhập khẩu tiểu ngạch hoặc thu gom từ nhiều nguồn không rõ ràng gắn nhãn “Nhật” để nâng giá. Điều này không chỉ đánh lừa người tiêu dùng mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, đặc biệt với các thiết bị điện tử, dụng cụ cơ khí.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, anh Nguyễn Văn Tú, Kỹ sư điện tự động hóa, Công ty Cổ phần Kỹ thuật điện Toàn Cầu ở Hà Nội cảnh báo: “Nhiều thiết bị điện Nhật bãi không phù hợp với điện áp Việt Nam, cách đấu nối cũng không đạt chuẩn. Nếu người dùng tự ý sử dụng, rất dễ gây chập cháy hoặc điện giật nguy hiểm”.
Không ít người mua cũng đã từng phản ảnh về chất lượng hàng hóa tại các sạp bán hàng gắn mác hàng bãi Nhật Bản. “Có lần mua ấm siêu tốc Nhật bãi, dùng được vài hôm thì cháy. Lúc đem hỏi người bán thì họ phủi tay, bảo hàng cũ không bảo hành”, chị N.T.K ở Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ.
Việc tràn lan các điểm bán “hàng Nhật bãi” chiếm dụng vỉa hè không chỉ gây mất mỹ quan đô thị mà còn vi phạm quy định về sử dụng lòng đường, hè phố theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Đặc biệt, hành vi gắn mác "hàng Nhật" cho sản phẩm không rõ nguồn gốc còn có dấu hiệu vi phạm Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Quản lý ngoại thương và Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Trước thực trạng mập mờ, lẫn lộn hàng hóa thật – giả, hàng không rõ nguồn gốc tại các sạp hàng gắn mác "hàng Nhật bãi" nói trên, các cơ quan chức năng cần vào cuộc quyết liệt hơn để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng và lập lại trật tự thị trường. Đồng thời, người dân cũng cần cảnh giác, không nên vì ham rẻ mà tự đặt mình vào vòng rủi ro.
Luật sư Nguyễn Văn Thắng, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội phân tích: “Nếu người bán cố tình dán mác 'Nhật Bản' cho hàng hóa không rõ xuất xứ, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi buôn bán hàng giả, hàng nhập lậu hoặc hàng không có nhãn hàng hóa đúng quy định. Trường hợp gây thiệt hại, còn có thể bị kiện ra tòa”. |
Tin khác

Bạc là tài sản định giá thấp và nhiều cơ hội đột phá

Sầu riêng tiếp tục rớt giá, thương lái 'ngưng mua'

Từ đường dây nóng, lật tẩy hàng trăm vụ vi phạm

Hà Nội: Tạm giữ hơn 14.000 đôi tất giả nhãn hiệu nổi tiếng

Dâu tằm chín rộ, tiểu thương Hà Nội 'hốt bạc'

Thị trường công tắc, ổ cắm cao cấp sôi động với cuộc đua thiết kế và công nghệ

Cận kề nghỉ lễ 30/4 – 1/5, vé máy bay nội địa 'cháy hàng'

Mơ vàng đầu vụ: 'Vàng non' giá cao vẫn 'cháy hàng'

Hoa loa kèn giá cao vẫn 'cháy' hàng

Mận hậu đầu mùa: Giá ‘chát’ vẫn được chị em ‘săn đón’
Đọc nhiều

Quảng Ngãi nghiên cứu chia cán bộ làm việc hai nơi sau sáp nhập

Sun Group động thổ Khu dịch vụ thương mại và cáp treo Am Tiên tại Thanh Hóa

Thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ phục hồi ngoạn mục

Ngành thời trang chiếm áp đảo doanh số thương mại điện tử

Infographic | Chi tiết địa điểm tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật mừng đại lễ 30/4

Nhận định chứng khoán 28/4: Giải ngân thăm dò cổ phiếu

Nhận định chứng khoán 29/4: Cân nhắc nắm giữ cổ phiếu

Du lịch khởi sắc, bất động sản nghỉ dưỡng phục hồi

Doanh nghiệp ‘chuyển mình’ để thích ứng xu hướng tiêu dùng
