Sản xuất thép vào guồng, thị trường nội địa khởi sắc nhờ đầu tư công
Sản xuất thép đạt kỷ lục, tiêu thụ tăng 28% Ngành thép tự chủ, đa dạng các chủng loại sản phẩm Thủ tướng đề nghị Hòa Phát nghiên cứu sản xuất ray thép |
Sản lượng thép thô tăng, tiêu thụ nội địa khởi sắc
Theo số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), quý 1/2025, sản lượng thép thô sản xuất đạt 5,81 triệu tấn, tăng 9,1%; thép thành phẩm đạt 7,464 triệu tấn, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước. Tổng lượng thép bán ra thị trường quý 1/2025 đạt 7,501 triệu tấn, tăng mạnh 12,2% so với quý I/2024.
![]() |
Sản xuất thép thành phẩm quý 1/2025 đạt 7,4 triệu tấn, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2024. Nguồn: VSA |
Nhận định về kết quả trên, VSA cho rằng động lực chính thúc đẩy tiêu thụ nội địa đến từ giải ngân đầu tư công. Theo Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công quý 1/2025 ước đạt 17,6%, cao hơn cùng kỳ năm trước 2,8 điểm phần trăm. Các dự án hạ tầng lớn như cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, sân bay Long Thành, và các tuyến vành đai Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh tạo lực cầu thép xây dựng mạnh mẽ.
Trong đó, phân khúc thép xây dựng ghi nhận tăng trưởng vượt trội: Sản xuất đạt 3,003 triệu tấn tăng 10,6%, bán hàng đạt 3,075 triệu tấn tăng 19,9%.
Đứng đầu thị phần thép xây dựng quý I/2025 vẫn là Hòa Phát với 1,191.729 tấn, chiếm 38,76% thị phần, Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP (VNSteel) đứng thứ 2 với 355.660 tấn, chiếm 11,57% thị phần, theo sau là Việt Đức, Vinakyoei và POSCO Yamato Vina.
Ở các phân khúc khác, sản lượng ống thép sản xuất đạt 579 ngàn tấn, tăng 6,9%; bán hàng đạt 626 ngàn tấn, tăng 18,1%. Hòa Phát tiếp tục là nhà sản xuất dẫn đầu về sản lượng với 29,65% thị phần ống thép.
Những sản phẩm còn lại, lượng bán hàng đều tăng như thép cuộn cán nóng HRC bán hàng đạt 1,909 triệu tấn, tăng 9,2% (dù sản xuất giảm nhẹ 1,3%) và thép cán nguội (CRC) bán hàng đạt 694 ngàn tấn, tăng 21%. Tuy nhiên, lượng bán hàng của sản phẩm tôn mạ trong quý 1/2025 chỉ đạt 1,196 triệu tấn, giảm 5,6% so với cùng kỳ năm trước.
Về giá thép xây dựng nội địa, trong quý I/2025 dao động quanh mức 13,6- 14 triệu đồng/tấn, tăng nhẹ 50-100 đồng/kg trong tháng 3.
Mới đây, Hòa Phát và Tập đoàn Primetals vừa ký kết hợp đồng cung cấp dây chuyền đúc và cán thép chất lượng cao công suất 500.000 tấn/năm. Với dây chuyền này, Tập đoàn Hòa Phát sẽ đẩy mạnh sản xuất các dòng thép chất lượng cao. Theo kế hoạch, dây chuyền cán dự kiến sẽ cung cấp những sản phẩm đầu tiên vào quý III/2026 và dây chuyền đúc sẽ được đưa vào vận hành vào quý IV/2026.
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long nhấn mạnh: Đội ngũ Hòa Phát đã làm chủ công nghệ sản xuất được nhiều loại thép khó. “Thép làm tanh lốp ô tô khó 10 thì Hòa Phát đã sản xuất và cung cấp cho thị trường từ nhiều năm trước. Độ khó của thép đường ray ở mức 7,8. Do vậy, chúng tôi hoàn toàn tự tin cung cấp đầy đủ nhu cầu vật liệu sắt thép cho các dự án trọng điểm quốc gia trong lĩnh vực đường sắt. Hiện tại, tập đoàn đã đàm phán xong với đối tác cung cấp dây chuyền đúc phôi bloom làm ray. Dự kiến tháng 5 này sẽ ký hợp đồng dây chuyền cán ray và các loại thép đặc biệt. Trong năm 2027 dự kiến sẽ có sản phẩm ray”- Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát nhấn mạnh.
Tín hiệu sớm cho chu kỳ tăng trưởng mới?
Dự báo về triển vọng tăng trưởng thép Việt Nam quý II và nửa cuối năm 2025, VSA cho rằng ngành Thép sẽ phụ thuộc nhiều vào tốc độ giải ngân đầu tư công, dự án xây dựng công trình hạ tầng giao thông công cộng – được kỳ vọng sẽ tạo ra nhu cầu lớn về thép xây dựng và các sản phẩm thép khác. Bởi, với việc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trong năm 2025, tăng trưởng 2 con số giai đoạn 2026-2030, nhu cầu thép từ các ngành xây dựng dân dụng và sản xuất dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định.
![]() |
Sản xuất và tiêu thụ thép nội địa ghi nhận mức tăng trưởng tích cực, sản xuất thép “vào guồng” nhờ đà phục hồi kinh tế và giải ngân đầu tư công mạnh mẽ. Ảnh: TT |
VSA khuyến nghị, để duy trì đà tăng trưởng, các doanh nghiệp thép Việt Nam cần chủ động tìm kiếm và phát triển các thị trường xuất khẩu mới để giảm sự phụ thuộc vào các thị trường truyền thống đang chịu ảnh hưởng bởi các biện pháp bảo hộ; tập trung vào nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất và tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại; nắm bắt và khai thác tối đa nhu cầu thép từ các dự án đầu tư công và thị trường xây dựng trong nước.
Đồng thời, các doanh nghiệp trong ngành cần tăng cường hợp tác cùng VSA để có tiếng nói chung mạnh mẽ hơn trong các vấn đề thương mại quốc tế; theo dõi sát sao tình hình để có những điều chỉnh kịp thời trong chiến lược sản xuất và xuất khẩu.
Ông Dương Đức Quang - Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) nhận định, dù vẫn chịu tác động từ giá thế giới, nhưng nhu cầu sắt thép trong nước sẽ khởi sắc hơn trong quý II, một phần nhờ bước vào mùa xây dựng cao điểm, nhưng quan trọng hơn là động lực từ kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công cao nhất từ trước tới nay với nhiều dự án trọng điểm tới hạn hoàn thành trong năm nay. Điển hình có thể kể đến dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, dự án xây dựng sân bay Long Thành và loạt dự án phát triển nhà ở xã hội đang được đẩy mạnh và đẩy nhanh tiến độ. Điều này dự kiến sẽ kéo theo nhu cầu vật liệu xây dựng, trong đó có sắt thép tăng trưởng mạnh mẽ và đẩy giá thép lên trong thời gian tới.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần vận dụng các cơ chế phòng vệ thương mại trong WTO nhằm hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của thép nhập khẩu, ngăn chặn tình trạng bán phá giá thép nhập khẩu trên thị trường, tạo điều kiện lành mạnh hóa thị trường thép trong nước.
Để hỗ trợ cho ngành thép hồi phục và phát triển, các chuyên gia kinh tế đề xuất, Bộ Công Thương cần tiếp tục nghiên cứu, áp dụng phù hợp các biện pháp phòng vệ thương mại nhằm bảo vệ thị trường thép trong nước. Cùng với đó, cần tăng cường phối hợp với các hiệp hội, doanh nghiệp trong ngành thép để tận dụng cơ hội tại thị trường nội địa từ việc giải ngân vốn đầu tư công đối với các công trình giao thông, xây dựng lớn. Từ đó, thúc đẩy nguồn cung sản xuất trong nước, tạo sự tăng trưởng đột phá, phát triển sản xuất thép, vật liệu xây dựng và cơ khí...
Về phía Bộ Công Thương, trao đổi với Báo Công Thương, ông Trần Việt Hòa- Cục trưởng Cục Công nghiệp cho biết, chính sách đầu tiên mà nhà nước cần chú trọng là phòng vệ thương mại. Bởi đây là chính sách chủ đạo để bảo vệ ngành sản xuất nội địa trước hàng hóa nhập khẩu ồ ạt hoặc bán phá giá. Hiện nay, Bộ Công Thương đã tích cực triển khai các biện pháp áp dụng thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ với thép và các sản phẩm từ thép như tôn mạ. Điển hình như mới đây, bộ đã ban hành Quyết định số 914⁄QĐ-BCT về việc áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm thép mạ có xuất xứ từ Trung Quốc (cao nhất là 37,13%) và Hàn Quốc (cao nhất là 15,67%).
“Ngoài Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng cần sớm vào cuộc để nghiên cứu, đề xuất các biện pháp khoa học, kỹ thuật đối với sản phẩm hàng hóa trong nước. Chúng ta cần có một chính sách phòng vệ đồng bộ, hiệu quả từ các bộ, ngành trong bối cảnh cạnh tranh ngành càng khó khăn như hiện nay để phát triển sản xuất trong nước, nhất là với ngành thép”- lãnh đạo Cục Công nghiệp nói.
Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), mục tiêu trong Chiến lược phát triển ngành thép đang được Bộ Công Thương xây dựng, đến năm 2030, công suất sản xuất thép của các nhà máy luyện kim trong nước tăng lên để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, đạt từ 40 - 45 triệu tấn mỗi năm; tốc độ tăng trưởng ngành thép bình quân hàng năm từ 5 - 7%; tiêu thụ thép 270 - 280 kg/người/năm. |
Tin khác

Vì sao sản phẩm công nghiệp chủ lực tăng mạnh?

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng tiêu thụ, giảm tồn kho

Đà Nẵng: Sắp khớp nối giao thông Cụm công nghiệp Cẩm Lệ

Đẩy nhanh tiến độ hai trung tâm phát triển công nghiệp

Đường dây 500kV Lào Cai-Vĩnh Yên: Quyết tâm đưa công trình về đích đúng tiến độ

Yên Bái: Sản xuất công nghiệp duy trì đà tăng trưởng cao

Sắp diễn ra Triển lãm quốc tế về Công nghệ và Thiết bị điện

Đồng Nai: Tháng 1, thu hút đầu tư hơn 600 triệu USD

Yên Bái: Chấp thuận chủ trương đầu tư 3 dự án lớn

Sản xuất công nghiệp của Nam Định tăng tốc ngay đầu năm
Đọc nhiều

Quảng Ngãi nghiên cứu chia cán bộ làm việc hai nơi sau sáp nhập

Sun Group động thổ Khu dịch vụ thương mại và cáp treo Am Tiên tại Thanh Hóa

Thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ phục hồi ngoạn mục

Ngành thời trang chiếm áp đảo doanh số thương mại điện tử

Nở rộ chiêu lừa đặt phòng, vé máy bay qua mạng xã hội

Infographic | Chi tiết địa điểm tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật mừng đại lễ 30/4

Nhận định chứng khoán 28/4: Giải ngân thăm dò cổ phiếu

Nhận định chứng khoán 29/4: Cân nhắc nắm giữ cổ phiếu

Du lịch khởi sắc, bất động sản nghỉ dưỡng phục hồi
