Khởi động phiên đàm phán thứ nhất FTA Việt Nam - Israel
Israel và Việt Nam chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 12/7/1993. Sau đó, quan hệ thương mại song phương được bắt đầu và đang tăng trưởng đều đặn, đáp ứng các nhu cầu đa dạng của cả hai đầu thị trường, hai bên đã trở thành đối tác quan trọng của nhau. Quan hệ thương mại giữa hai nước đã có những bước phát triển ấn tượng trong năm 2015, Israel là một trong những đối tác lớn của Việt Nam với kim ngạch thương mại song phương tăng gấp 5 lần trong 5 năm từ mức 375 triệu USD năm 2011 lên gần 1,7 tỷ USD năm 2015.
Trong chuyến thăm và làm việc tại Israel tháng cuối năm ngoái, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã đặt ra chỉ tiêu kim ngạch thương mại song phương đạt 2 tỷ USD và cao hơn nữa trong những năm tới; đồng thời hai bên sẽ tạo điều kiện tối ưu cho hàng hóa của nhau, tăng cường phối hợp tổ chức các hoạt động giao thương, khảo sát nghiên cứu thị trường, tìm kiếm các cơ hội kinh doanh giữa hai nước. Việt Nam sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các công ty Israel vào tìm kiếm cơ hội kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực công - nông nghiệp, công nghệ thông tin, viễn thông, du lịch.
Hiện Israel có 18 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn 39 triệu USD, chủ yếu trong lĩnh vực dệt sợi, hóa chất, phần mềm, nuôi trồng thủy sản…. Ngoài ra, hợp tác trong các lĩnh vực khác như tài chính, khoa học công nghệ, lao động cũng có nhiều triển vọng phát triển.
Tuy khá xa nhau về mặt khoảng cách và khác nhau về mặt địa lý, giữa Việt Nam và Israel lại có những cơ hội và tiềm năng để hợp tác và phát triển. Bởi Israel nổi tiếng với nền giáo dục Do Thái, lĩnh vực đổi mới sáng tạo, các công nghệ tiên tiến trong nông nghiệp và hệ thống quốc gia khởi nghiệp. Các doanh nghiệp Việt Nam hy vọng có thể thu hút nhiều hơn nữa các nhà đầu tư Israel, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực chuyển giao công nghệ cao cho sản xuất, thu hoạch, chế biến hoa quả và nông sản, chuyển giao công nghệ về quản lý nước, đào tạo nguồn nhân lực….
Với việc đàm phán FTA, hai bên sẽ làm việc theo quy tắc của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), có tính đến sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa hai quốc gia. Phạm vi của hiệp định sẽ bao gồm các lĩnh vực như thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư và một số vấn đề khác mà hai bên cùng quan tâm.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng, FTA Việt Nam - Israel nếu thành công sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa hai nước. Lãnh đạo hai nước sẽ theo dõi sát sao và kịp thời có ý kiến chỉ đạo để tiến trình đàm phán được triển khai thuận lợi, sớm mang lại kết quả đáp ứng được lợi ích của hai bên.
Từ ngày 28-30/3 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh - Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ về Kinh tế và Thương mại quốc tế và bà Meirav Eilon Shara - Đại sứ Israel tại Việt Nam đã đồng chủ trì phiên đàm phán thứ nhất, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Israel. Đây là một trong những sự kiện kỷ niệm 23 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, góp phần đưa quan hệ hợp tác kinh tế song phương lên tầm cao mới. |
Nguyễn Hường