Khi quy hoạch xây dựng… chỉ là quy hoạch
Bài 1: Quy hoạch vỡ trận, người dân...chịu trận
Câu chuyện phụ huynh ở phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội phải “bốc thăm” xin học cho con nhỏ hồi năm ngoái vẫn là một trường hợp điển hình về những hệ quả xã hội trong tầm nhìn quy hoạch xây dựng.
Điều đáng nói địa bàn phường Hoàng Liệt lại là nơi toạ lạc của khu đô thị Linh Đàm- một thời mang danh là “khu đô thị kiểu mẫu” của Hà Nội. Có vẻ như danh hiệu này nay không còn được ai nhắc đến nữa. Ngay cả bản thân chủ đầu tư hình như cũng không thích được nhắc đến khi khu đô thị “kiểu mẫu” giờ đã thành một “rừng” cao ốc và "điểm xuyết" với biệt thự nhấp nhô như một điển hình của vỡ trận quy hoạch xây dựng ở Hà Nội. Được biết mới đây, quận Hoàng Mai phải dự kiến sẽ chi ra nhiều tỷ đồng để giải quyết việc thiếu trường học cho trẻ em trên địa bàn.
Cũng tại Hà Nội cách quận Hoàng Mai không xa là đường Tố Hữu không chỉ "oằn lưng" gánh mật độ xe cộ khủng khiếp của các khu dân cư hai bên đường mà còn nối dài thêm sự quá tải của đường Lê Văn Lương từ trước đó nhiều năm.
Và mới đây nhất, vụ cháy thảm khốc tại một chung cư “mini” trên phố Khương Hạ có nhiều nguyên nhân song không khó để nhận ra có dấu vết hiện diện của việc mất trật tự, mất kỷ luật trong chấp hành, thực hiện quy hoạch.
Mất công lập quy hoạch xây dựng, lại mất công đi xử lý vi phạm quy hoạch. Ảnh minh hoạ |
Đặc biệt “đặc sản” của việc vỡ trận quy hoạch là tình trạng ngập lụt. Nghịch lý là khu đô thị, khu chung cư càng hiện đại, tình trạng ngập lụt càng ngày một gia tăng. Mưa lớn ngập đã đành, mưa vừa dịu ngớt đường phố cũng đã kịp thành sông.
Những câu chuyện trên phản ánh một bức tranh rộng lớn hơn tại không ít địa bàn thuộc thành phố Hà Nội đến nỗi nhiều người phải thốt lên, Hà Nội giờ cứ trống chỗ nào là y như rằng sẽ có một công trường xây dựng “trám” vào đó.
Việc quản lý quy hoạch xây dựng yếu kém, hoặc điều chỉnh quy hoạch liên tục khiến những “rừng chung cư” mọc lên dày đặc, phá vỡ quy hoạch gốc. Bên cạnh đó, các chủ đầu tư rất mau lẹ trong việc xây chung cư để bán căn hộ, nhưng lại thiếu mặn mà, thậm chí chây ỳ trong xây dựng hạ tầng xã hội đi kèm.
Chưa kể, nhiều khu vực, vốn được quy hoạch dành đất cho diện tích cây xanh, diện tích để xây trường học sau một đêm đã được chuyển đổi mục đích thành xây dựng nhà ở thương mại. Và tất nhiên là để bán, để rồi “nêm cối” tăng thêm cái sự quá tải cho người dân trong khi chủ đầu tư, chủ thầu xây dựng thêm cơ hội tối đa hoá lợi nhuận.
Là người dân ai cũng muốn khu mình ở, nơi mình ở được quy hoạch tổng thể, đồng bộ và cực kỳ dị ứng với tình trạng chồng lấn trong xây dựng. Một thực trạng của tình trạng vỡ trận quy hoạch xây dựng ở Hà Nội là hạ tầng nhiều nơi bị “băm” nát, “băm” vụn. Xây dựng hạ tầng cũng đồng nghĩa với ồn, bụi và người dân có thể, sẵn sàng chấp nhận điều đó. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, người dân chỉ chấp nhận bụi, bẩn và ồn 1 lần, quá lắm sang lần thứ 2 với điệp khúc “xây rồi sửa”, “sửa rồi xây” chứ không thể tháng này sang tháng khác, năm này qua năm khác.
Tầm nhìn quy hoạch đến đâu, rồi trình độ nhà thầu xây dựng được chọn đến đâu mà để kéo dài tình trạng ấy?
Nhiều người cho rằng, phải chăng pháp luật về quy hoạch, quản lý xây dựng có vấn đề chăng? Cần phải khẳng định ngay rằng hệ thống pháp luật liên quan vấn đề quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng hiện nay đã khá đồng bộ và chặt chẽ. Không thể đổ lỗi cho sự thiếu vắng quy định pháp luật.
Vấn đề còn lại chính là nhân tố con người.
Hà Nội đã từng có một vị chủ tịch xuất thân từ ngành kiến trúc. Nhưng tình trạng “điều chỉnh”- cái mỹ từ cho việc vỡ trận quy hoạch vẫn cứ diễn ra, thậm chí có chiều còn gay gắt hơn mà những cái tên như Ciputra, công viên Cầu Giấy là tiêu biểu. Người ta không thể không đặt câu hỏi về tư duy, tầm nhìn và cả cái tâm về quy hoạch xây dựng của nhiều thế hệ lãnh đạo các cấp của thành phố.
Chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch đang là một trong những tồn tại của đô thị Hà Nội hiện nay. Chừng nào, vấn đề nay chưa được nhìn nhận một cách nghiêm túc và trách nhiệm thì thực trạng các khu đô thị biến dạng, "vỡ trận" về hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị sẽ còn tiếp diễn và không còn là nguy cơ nữa mà đã là một thực tế.
Và hệ quả là người dân tiếp tục “chịu trận”.
Bài 2: Độ “thiêng” của những quy hoạch xây dựng đến đâu?