Thủ tướng chỉ đạo công tác quy hoạch, xây dựng, phát triển vùng Thủ đô
Thủ tướng chỉ đạo công tác quy hoạch, xây dựng Đồ án “Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050”. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Đây là cuộc họp lấy ý kiến đóng góp lần cuối để bổ sung, hoàn thiện Đồ án, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét và phê duyệt.
Phát biểu kết luận cuộc họp, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao, biểu dương Ban Chỉ đạo quy hoạch và Đầu tư xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội mà trực tiếp là Bộ Xây dựng được phân công làm nhiệm vụ chủ trì, xây dựng Đồ án với các nhiệm vụ cụ thể mà Thủ tướng Chính phủ giao.
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, vùng Thủ đô đã có quy hoạch từ năm 2008, tiếp đó có quy hoạch về mở rộng vùng Thủ đô năm 2011. Tuy nhiên từ yêu cầu thực tiễn cần phát triển và qua thực tế, có những vấn đề nảy sinh cần cập nhật và bổ sung cho kịp thời và yêu cầu đặt ra là phải điều chỉnh quy hoạch vùng Thủ đô để phát triển nhanh và bền vững trên các lĩnh vực, bảo đảm quốc phòng-an ninh.
Trên cơ sở các nội dung Đồ án đã được xây dựng, Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo quy hoạch và Đầu tư xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội, các cơ quan liên quan tiếp thu, hoàn thiện Đồ án để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét và phê duyệt. Đồng thời lưu lý, khi Đồ án đã được phê duyệt, các địa phương trong vùng cần hết sức quan tâm cập nhật, bổ sung, rà soát quy hoạch của địa phương mình gắn với những nội dung quy hoạch trong Đồ án cũng như những quy hoạch chi tiết vùng Thủ đô.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng lưu ý Ban Chỉ đạo quy hoạch và Đầu tư xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội cần tiếp tục kiện toàn về tổ chức; thực hiện tốt hơn nữa chức năng chỉ đạo, điều phối, tham mưu, tư vấn, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện nhiệm vụ quy hoạch, xây dựng và phát triển vùng Thủ đô.
Các địa phương trong vùng tiếp tục quan tâm phát huy nội lực, tiềm năng lợi thế của mình để phát triển, nhất là tiềm năng về đất đai, du lịch. Năng động, sáng tạo trong thu hút các nguồn lực đầu tư, nhất là nguồn lực đầu tư ngoài xã hội, nguồn lực đầu tư nước ngoài nhằm thúc đẩy phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống mọi mặt của người dân.
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình vừa mới được phê duyệt; quy hoạch này có tầm ảnh hưởng đến toàn bộ đến các địa phương trong vùng Thủ đô. Tuy nhiên, sau khi được phê duyệt, ý kiến của nhiều chuyên gia, nhiều địa phương cho rằng quy hoạch này quá an toàn và trong điều kiện đất chật người đông, gây ra sự lãng phí khi có nhiều bãi ven sông bị bỏ hoang, không được sử dụng; trong khi đó chúng ta đã trị thủy thành công sông Hồng, sông Thái Bình cũng như các sông liên quan, bảo đảm chống lũ được cho Hà Nội; bảo đảm được giao thông đường thủy, chống lũ vào mùa mưa, điều tiết nước tưới tiêu vào mùa khô hạn… Vì vậy, cần hết sức quan tâm rà soát, có các giải pháp khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai ở các khu vực ven sông; bảo đảm được an toàn đê điều, song cũng phải tận dụng, khai thác hiệu quả tiềm năng, nguồn lợi từ các vùng đất ven sông, tránh tình trạng đất đai bị bỏ hoang, lãng phí.
Bên cạnh đó, cần quan tâm khôi phục, cải tạo tất cả hệ thống sông, hồ trong vùng bằng nạo vét, khai thông luồng chảy, kè đắp để “vừa bảo đảm làm đẹp cảnh quan môi trường, phục vụ phát triển du lịch; bảo đảm chức năng cấp thoát nước, tưới tiêu; giao thông đường thủy…”.
Một nhiệm vụ lớn tiếp theo được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề cập là cần tiếp tục quan tâm huy động các nguồn lực đầu tư, thúc đẩy phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là hạ tầng kết nối giao thông đường bộ, đường sắt trong vùng Thủ đô, bảo đảm giao thông thông suốt, tạo thuận lợi cho đi lại và giao thương. Tính toán kỹ lưỡng, chặt chẽ trong quy hoạch, phát triển, mở rộng các sân bay trong vùng, bảo đảm hiệu quả kinh tế cũng như vấn đề quốc phòng, an ninh.
Trong quy hoạch về đô thị, khu công nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu cần tính toán, cân nhắc kỹ theo nhu cầu của từng tỉnh và cho cả vùng. Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp hiện đại, tập trung; không phát triển các cơ sở công nghiệp theo kiểu tràn lan, bám mặt đường quốc lộ, tỉnh lộ. Cùng với đó, trong quy hoạch phát triển y tế, giáo dục cũng phải rõ ràng, không làm tràn lan, tránh tình trạng “ở đâu cũng có khu đại học, tỉnh nào cũng có khu đại học; chỗ nào cũng có trung tâm y tế… gây lãng phí nguồn lực đầu tư”.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng lưu ý cần làm tốt công tác quy hoạch nghĩa trang; thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác bảo đảm vệ sinh môi trường, xử lý rác thải, giữ gìn cảnh quan, sinh thái trong vùng.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Đồ án đã đề cập mạnh tới tính chất liên kết vùng, nhất là liên kết về hạ tầng kinh tế-xã hội tương đối đồng bộ. Cùng với phát triển hệ thống đô thị và giao thông, nhiều định hướng quan trọng cũng đã được làm rõ như công nghiệp, nông nghiệp, giáo dục, y tế, văn hóa-xã hội, môi trường, cấp thoát nước, đào tạo nguồn nhân lực…
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị, trong tổ chức thực hiện; cần có sự phân vai, phối hợp rõ ràng giữa các bộ, ngành, địa phương. Đi liền với liên kết, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội là phải bảo đảm vững chắc an ninh quốc phòng.
Thủ tướng Chính phủ chủ trì cuộc họp với lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương và các địa phương, liên quan nghe báo cáo Đồ án “Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050”. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Tại cuộc họp, ý kiến phát biểu của lãnh đạo nhiều bộ, ngành, địa phương cho rằng, Đồ án điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô đến 2030, tầm nhìn 2050 đã được triển khai theo đúng quy trình, nội dung yêu cầu nghiên cứu. Nội dung Đồ án cơ bản bám sát, đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1758/QĐ-TTg ngày 20/11/2012.
Các ý kiến cũng nhận định, Đồ án được nghiên cứu cẩn trọng với tinh thần cầu thị, liên tục được nâng cao chất lượng trong suốt quá trình triển khai lập quy hoạch, từ các bước khảo sát thực địa, thu thập số liệu, tài liệu… đến làm việc với các cơ quan chuyên môn của các bộ, ngành liên quan, tổ chức các cuộc báo cáo, hội thảo lấy ý kiến đóng góp của các tỉnh/thành phôs, chuyên gia, cơ quan và tổ chức quốc tế…
Bên cạnh đó, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cũng đã tập trung phân tích, thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến xác đáng vào các nội dung lớn của Đồ án, nhất là về cơ sở nghiên cứu đề xuất nội dung điều chỉnh; dự báo phát triển; định hướng phát triển không gian vùng; định hướng quy hoạch giao thông vùng; định hướng quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật vùng; định hướng quy hoạch hệ thống hạ tầng xã hội vùng; định hướng cơ cấu kế hoạch sử dụng đất; đánh giá môi trường chiến lược; an ninh quốc phòng; các cơ chế chính sách để sử dụng hiệu quả tài chính và nguồn lực đầu tư; các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư, nguồn lực và lộ trình thực hiện; mô hình quản lý vùng…
Theo Báo điện tử Chính phủ