Hà Nội: Điều chỉnh mức giá vé xe buýt tăng thêm là hoàn toàn phù hợp thực tiễn
Chuyên gia nói gì về lộ trình 'xanh hoá' xe buýt Thủ đô? Chuyển đổi giao thông xanh: Cần chính sách đặc thù Cách nào để xe buýt, metro Thủ đô thêm hút khách? |
Chính thức từ 1/11, sau 10 năm giữ nguyên giá, Uỷ ban nhân dân TP.Hà Nội vừa quyết định tăng giá vé xe buýt có trợ giá trên địa bàn. Theo đó, giá vé xe buýt Hà Nội cự ly dưới 15km tăng từ 7.000 đồng lên 8.000 đồng/lượt; từ 15km đến dưới 25km tăng từ 7.000 đồng lên 10.000 đồng/lượt.
Với những tuyến có cự ly từ 25km đến dưới 30km, giá vé tăng từ 8.000 đồng lên 12.000 đồng/lượt; từ 30km đến dưới 40km tăng từ 9.000 đồng lên 15.000 đồng/lượt và từ 40km trở lên tăng từ 9.000 đồng lên 20.000 đồng/lượt.
Với vé tháng được bán cho đối tượng ưu tiên bao gồm: Học sinh phổ thông, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề (không kể hệ đào tạo vừa học vừa làm), công nhân khu công nghiệp đi một tuyến là 70.000 đồng (hiện là 55.000 đồng); liên tuyến là 140.000 đồng (hiện là 100.000 đồng).
Vé mua theo hình thức tập thể (không ưu tiên) đi một tuyến 100.000 đồng (hiện là 70.000 đồng), liên tuyến 200.000 đồng (hiện là 140.000 đồng).
Giá vé tháng bán cho các đối tượng không ưu tiên đi một tuyến là 140.000 đồng (hiện là 100.000 đồng), liên tuyến là 280.000 đồng (hiện là 200.000 đồng).
Hà Nội sẽ miễn tiền vé cho người có công, cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em dưới 6 tuổi, nhân khẩu thuộc hộ nghèo.
Theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, cơ cấu vé và giá vé xe buýt được áp dụng từ năm 2014 đến nay không còn phù hợp với sự phát triển của mạng lưới tuyến. Thời điểm điều chỉnh giá vé năm 2014, mạng lưới buýt có 72 tuyến và nhánh tuyến, trong đó tuyến dài nhất là 49,9 km.
Sau 10 năm, mạng lưới buýt đã có 132 tuyến, phủ khắp 30 quận, huyện, thị xã, trong đó tuyến có cự ly dài nhất lên tới 61,05 km. Các tuyến cự ly 30-60 km có mức giá như nhau là chưa hợp lý.
Hiện nay, ngân sách Thành phố Hà Nội hỗ trợ 50% giá vé tháng đối với học sinh, sinh viên, công nhân các khu công nghiệp; hỗ trợ 30% giá vé tháng đối với cán bộ, nhân viên tại các văn phòng công sở, doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp mua vé tháng theo hình thức tập thể; miễn tiền vé với người có công, người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em dưới 6 tuổi, nhân khẩu thuộc hộ nghèo.
Sau 10 năm giữ nguyên giá, Uỷ ban nhân dân TP. Hà Nội vừa quyết định tăng giá vé xe buýt có trợ giá trên địa bàn. Ảnh: Giao thông vận tải |
Bên cạnh đó, Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, từ năm 2014 đến nay, thành phố đã không điều chỉnh nên giá vé xe buýt hiện nay "tương đối thấp với khả năng chi trả của người dân, kể cả người lao động có thu nhập thấp". Thu nhập bình quân của người dân Hà Nội đã tăng đáng kể. Từ năm 2014 đến nay mức lương cơ bản đã tăng 7 lần (từ 1.150.000 lên 2.340.000 đồng, tăng 103%). Chi phí cho hoạt động vận tải công cộng đến nay đã tăng khoảng 50% so với năm 2014.
Vì vậy, duy trì mức giá vé xe buýt từ năm 2014 đến nay đã không còn phù hợp. Việc điều chỉnh giá vé là giải pháp cấp thiết để nâng cao chất lượng dịch vụ và thu hút thêm các nhà đầu tư vào lĩnh vực vận tải công cộng; tăng thu ngân sách nhà nước, đảm bảo chi phí trợ giá cho xe buýt ở mức hợp lý. Tăng giá vé sẽ giúp thành phố thu thêm 300 tỷ đồng mỗi năm, giảm mức trợ giá nhà nước.
Trao đổi với Báo Công Thương, chuyên gia giao thông, TS Phan Lê Bình - Trưởng đại diện văn phòng công ty tư vấn OCG, Nhật Bản nhận định mức phí đi xe buýt hiện nay rẻ hơn rất nhiều so với các phương tiện khác. Theo đó, chuyên gia cho rằng việc tăng giá vé xe buýt sẽ làm tăng thêm nguồn thu cho nguồn ngân sách của thành phố.
"Việc tăng giá vé phần nào giúp tăng nguồn thu, góp phần giảm trợ giá cho nguồn ngân sách của thành phố. Ngoài ra, qua nhiều năm, cần phải điều chỉnh mức giá vé tăng thêm để hoàn toàn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội", chuyên gia chia sẻ.
Hiện hành khách sử dụng vé tháng chiếm trên 80% tổng lượng khách đi xe buýt ở Hà Nội, số lượng thẻ vé miễn phí tăng dần theo từng năm.
Sở Giao thông vận tải Hà Nội dự báo khi mới tăng giá vé, số khách có thể giảm, nhưng vẫn đảm bảo doanh thu. Trước đó, năm 2014, khi điều chỉnh giá vé, hành khách đi vé tháng giảm 3% nhưng doanh thu tăng 15%, vé lượt giảm 10%, doanh thu tăng 20%.
Hiện nay, Hà Nội hiện có 154 tuyến xe buýt, trong đó 132 tuyến trợ giá, 8 tuyến không trợ giá, 12 tuyến kế cận và 2 tuyến city tour, phủ đến tất cả 30/30 quận, huyện, thị xã và 512/579 xã phường, thị trấn.
Toàn thành phố có hơn 2.000 xe buýt, trong đó trăm xe sử dụng năng lượng sạch. Hỗ trợ tài chính cho xe buýt từ ngân sách thành phố tăng đáng kể trong những năm gần đây, từ mức trung bình 1.370 tỷ đồng/năm trong giai đoạn 2015-2019 lên đến 2.750 tỷ đồng vào năm 2023.
Thống kê cho thấy, trong năm 2023, tỷ lệ đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách công cộng (bao gồm xe buýt và đường sắt đô thị) ở Hà Nội là 19,5%. Theo đó, thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025, vận tải hành khách công cộng đáp ứng 30-35% nhu cầu đi lại của người dân Hà Nội.