Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030: Chú trọng 5 trục phát triển
Thủ tướng kiểm tra dự án xây dựng đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội Xây dựng cơ chế đi trước, mở đường cho Thủ đô Hà Nội phát triển |
Ngày 27/9, Đảng ủy Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội và Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội đã phối hợp với Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức họp báo về hội thảo “Định hướng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” được diễn ra sáng 27/9 do. Theo đó, phiên chính thức của hội thảo sẽ diễn ra vào ngày 29/9 tại Hà Nội.
Thông báo về nội dung hội thảo, ông Lê Ngọc Anh, Thành ủy viên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội cho biết, đây là diễn đàn để các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ, giảng viên của các cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học trên địa bàn TP. Hà Nội đề xuất các giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và đất nước, triển khai thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045”.
Ông Bùi Đức Thọ chia sẻ tại họp báo |
Hội thảo sẽ tập trung góp ý các kết quả nghiên cứu bước đầu đối với Quy hoạch Thủ đô của Liên danh tư vấn lập Quy hoạch Thủ đô; đề xuất các ý tưởng quy hoạch, phát triển Thủ đô, góp phần cụ thể hóa các nội dung gợi ý của Đề cương định hướng Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố thông qua tháng 4/2023.
Phát biểu tại buổi họp báo, PGS.TS Bùi Đức Thọ, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế quốc dân (đơn vị Liên danh tư vấn lập Quy hoạch Thủ đô) cho biết: Khó khăn lớn nhất khi thực hiện bản quy hoạch Thủ đô là sức ép về thời gian hoàn thành khi quỹ thời gian không còn nhiều. Tuy nhiên, từ đó sự phối hợp giữa các Liên danh phải hiệu quả, với tinh thần trách nhiệm cao nên sự nhịp nhàng trong phân công nhiệm vụ đảm bảo đúng chất lượng và tiến độ. Qua đó đến thời điểm này, bản dự thảo Quy hoạch Thủ đô đã hoàn thành và trình Thành ủy Hà Nội.
“Dự thảo bản Quy hoạch Thủ đô sẽ được trình bày chi tiết tại Hội thảo khoa học “Định hướng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” diễn ra vào ngày 29/9 tới. Khi được tham vấn lấy ý kiến để xây dựng bản quy hoạch Thủ đô, các đơn vị liên danh đã nhận được sự tham góp rất lớn từ các bộ, ngành, viện nghiên cứu, các nhà khoa học. Do đó chúng tôi tự tin về chất lượng dự thảo bản Quy hoạch Thủ đô để trình Quốc hội vào cuối tháng 10” – ông Thọ chia sẻ.
Ông Thọ cũng nêu rõ, các số liệu trong dự thảo bản Quy hoạch Thủ đô bảo đảm tính chính xác, đánh giá trung thực hiện trạng đang có, cũng như gốc để dự báo, quy hoạch trong tương lai góp phần quan trọng trong việc phát triển Thủ đô.
Các đại biểu tham dự buổi họp báo “Hội thảo khoa học định hướng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” |
Bên cạnh đó, ông Lê Ngọc Anh cũng chia sẻ thêm, tại hội thảo tới đây, các nhà khoa học sẽ cho ý kiến thêm về quan điểm về tổ chức không gian. Theo đó đề cập đến sự: Hài hòa, hợp lý, có bản sắc của Thủ đô di sản nghìn năm văn hiến; mở rộng không gian đô thị xanh, thông minh, hiện đại; giữ gìn và phát huy giá trị, bản sắc văn hóa khu vực nông thôn mang đặc trưng của Vùng đồng bằng sông Hồng.
Các nội dung quan trọng về tổ chức không gian phát triển thì các chuyên gia gợi ý định hướng nghiên cứu các nội dung như: 2 thành phố trực thuộc Thủ đô: Thành phố tại khu vực phía Bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và Thành phố phía Tây (vùng Hòa Lạc, Xuân Mai).
Nhất là, 3 tuyến hành lang kinh tế gồm: Hành lang (Côn Minh, Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; hành lang Điện Biên - Sơn La - Hòa Bình - Hà Nội; hành lang Nam Ninh (Trung Quốc) - Lạng Sơn - Bắc Giang - Bắc Ninh - Hà Nội.
Cùng với đó là 4 không gian chú trọng phát triển như: Không gian số (môi trường quan trọng trong thời đại mới); không gian văn hóa (mở rộng không gian để khai thác hiệu quả các di sản phục vụ phát triển Thủ đô); không gian ngầm; không gian công cộng, chú trọng không gian xanh, đặc biệt là mặt nước sông, hồ.
Đặc biệt là 5 trục phát triển quan trọng gồm: Trục sông Hồng (là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông); trục Hồ Tây - Ba Vì kết nối giữa đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh (là trục giao thông đối ngoại, hướng tâm, tạo chuỗi đô thị xanh, hiện đại) và trục Nhật Tân - Nội Bài (trục đô thị thông minh - đối ngoại); trục liên kết phía Nam (trục liên kết vùng) và trục Hồ Tây - Cổ Loa (trục không gian văn hóa).
Theo đó, ông Lê Ngọc Anh nhấn mạnh, cần phát huy, khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế, tạo bước chuyển có tính đột phá trong huy động sức mạnh tổng hợp của Thủ đô, kết hợp với nguồn lực của trong nước và nguồn lực quốc tế. Khơi dậy khát vọng phát triển Thủ đô sánh ngang với Thủ đô các nước trong khu vực và trên thế giới.
Đồng thời, tập trung ưu tiên hoàn thiện thể chế phát triển Thủ đô toàn diện, đồng bộ, với các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, tăng cường phân cấp, phân quyền cho Thủ đô. Hoàn thiện tổ chức, bộ máy chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, liên thông, phù hợp với vai trò, vị trí và yêu cầu phát triển, quản lý Thủ đô trong giai đoạn phát triển mới.
Phát triển bao trùm, nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và phát triển kinh tế tuần hoàn, là vùng động lực phát triển, 1 trong 2 cực tăng trưởng của vùng và cả nước, có sức lan tỏa mạnh để thúc đẩy Vùng đồng bằng sông Hồng, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển. Kết hợp hài hòa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại.
Bên cạnh đó, văn hóa, con người vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng, nguồn lực, động lực phát triển Thủ đô. Nguồn lực văn hóa và con người Hà Nội, nguồn tài nguyên nhân văn và tài nguyên số là nguồn lực quan trọng cho sự phát triển bền vững của Thủ đô.