Đề xuất nâng mức phạt với các hành vi vượt đèn đỏ đến 8 triệu đồng, chuyên gia nói gì?
Khoá tài khoản vĩnh viễn những xe ôm công nghệ vượt đèn đỏ, đi ngược chiều Xe ôm công nghệ tự cho mình quyền vượt đèn đỏ Đừng để xe ôm công nghệ chạy ẩu thành vấn nạn |
Theo quy định hiện hành tại Nghị định 100/2019 (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021), với hành vi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông (vượt đèn đỏ, vượt đèn vàng), người điều khiển ô tô sẽ bị xử phạt từ 4 - 6 triệu đồng, người điều khiển xe máy sẽ bị phạt 800.000 đồng đến 1 triệu đồng. Đồng thời, người điều khiển phương tiện còn bị tước giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng.
Mới đây, Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an đang tham mưu xây dựng, hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe.
Một trong những đề xuất đáng chú ý của dự thảo lần này đó là đề xuất điều chỉnh tăng mức xử phạt vi phạm hành chính đối với một số nhóm hành vi là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông.
Bộ Công an đề xuất ô tô vượt đèn đỏ bị phạt đến 8 triệu đồng. Ảnh: An ninh thủ đô |
Theo đó, tại dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe, Bộ Công an đề xuất nâng mức phạt tiền đối với một số hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông, trong đó có lỗi vượt đèn đỏ.
Trong dự thảo nghị định chuyển tới Bộ Tư pháp để thẩm định, Bộ Công an đề xuất nâng mức phạt tiền hành vi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông lên 6 - 8 triệu đồng đối với người điều khiển ô tô, từ 2 - 3 triệu đồng với người điều khiển xe máy. Đồng thời, người điều khiển phương tiện còn bị trừ 3 điểm Giấy phép lái xe.
Tương tự, Bộ Công an cũng đề xuất nâng mức phạt tiền hành vi không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông, từ 4 - 6 triệu đồng lên 6 - 8 triệu đồng đối với ô tô, từ 800 nghìn đồng đến 1 triệu đồng lên 2 - 3 triệu đồng đối với xe máy.
Trao đổi với Báo Công Thương, chuyên gia giao thông Phan Lê Bình - Trưởng đại diện văn phòng OCG Nhật Bản bày tỏ quan điểm hoàn toàn đồng ý với đề xuất trên.
“Tình trạng người điều khiển phương tiện vượt đèn đỏ ở các nút giao thông Thủ đô vẫn diễn ra khá phổ biến, là một trong những lỗi vi phạm dễ bắt gặp nhất. Đây là hành vi gây nguy hiểm để lại hậu quả khôn lường, giáng những tai nạn oan uổng cho người khác. Đã có rất nhiều vụ tai nạn do phương tiện vượt đèn đỏ gây ra”, chuyên gia giao thông chia sẻ.
Trước nhiều ý kiến cho rằng việc xử phạt với vi phạm vượt đèn đỏ cần làm kiên trì, lâu dài, toàn xã hội chung tay cùng làm, như đối với việc xử lý lỗi nồng độ cồn, chuyên gia bày tỏ sự ủng hộ và nhấn mạnh bất kỳ vi phạm hành chính nào cũng nên được xử lý, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.
Thêm đó, ông Bình cho rằng đối với hành vi vượt đèn đỏ không chỉ dừng lại ở phạt tiền, mà còn phải tập trung vào cả công tác giáo dục, tuyên truyền kiến thức về trật tự, an toàn giao thông; làm kiên trì, lâu dài, toàn xã hội chung tay cùng làm, như đối với việc xử lý lỗi nồng độ cồn.
Đồng quan điểm trên, TS. Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông Vận tải chia sẻ cần tập trung vào cả công tác giáo dục, tuyên truyền kiến thức về trật tự, an toàn giao thông và đồng thời, làm kiên trì, lâu dài, toàn xã hội chung tay cùng làm, như đối với việc xử lý lỗi nồng độ cồn.
“Vượt đèn đỏ dù chỉ diễn ra trong 1 - 2 giây nhưng hậu quả để lại thì khôn lường, vượt đèn đỏ lại là một trong những lỗi vi phạm dễ bắt gặp nhất, có thể chứng kiến hàng ngày, hàng giờ” - TS. Nguyễn Xuân Thủy cho biết.
Tương tự, Cục Cảnh sát giao thông cho biết nguyên nhân cơ bản của hành vi vượt đèn đỏ xuất phát từ ý thức chủ quan của người tham gia giao thông.
Theo số liệu của Bộ Công an, nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn chủ yếu là do lỗi của người điều khiển phương tiện vi phạm quy tắc giao thông (chiếm trên 90%), trong đó có hành vi vượt đèn đỏ. Cụ thể, từ năm 2020 - 2024, lực lượng công an toàn quốc lập biên bản xử lý gần 14,9 triệu trường hợp vi phạm, nộp kho bạc hơn 21.036 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, Bộ Công an cho rằng, trước tình trạng gia tăng các lỗi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông, trong đó có vượt đèn đỏ, nâng chế tài xử phạt với nhóm hành vi trên là điều cần thiết. Việc này sẽ góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông.
Theo đó, để đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đòi hỏi việc thực thi pháp luật phải nghiêm minh, vừa tuyên truyền nhưng phải đủ sức răn đe. Trong đó, việc tăng chế tài xử phạt nhằm xử lý tương xứng với các hành vi vi phạm, nhất là các hành vi cố ý xâm phạm trật tự an toàn giao thông là cần thiết.