Thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa trong bối cảnh tác động của chiến sự Nga-Ukraine
Xuất khẩu rau quả kỳ vọng lần đầu tiên vượt mốc 7 tỷ USD Nhập khẩu từ Trung Quốc tăng cao, loại nông sản nào được lựa chọn nhiều nhất? Xuất khẩu tôm sang EU tăng mạnh 9 tháng đầu năm |
Trong bối cảnh chiến sự Nga - Ukraine tiếp tục có các tác động lên kinh tế thế giới, cần có các giải pháp để bảo đảm ổn định cho xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam là nội dung các khuyến nghị đưa ra trong báo cáo mới đây của nhóm các chuyên gia đến từ trường Đại học Kinh tế quốc dân.
Theo tính toán, thiệt hại do chiến sự lên đến 300 tỷ USD cho cả hai bên, đồng thời mất đi chi phí cơ hội lớn hơn nhiều lần cho sự tăng trưởng kinh tế. Chiến sự Nga - Ukraine đã tác động, ảnh hưởng tới kinh tế thế giới sâu sắc, mạnh mẽ.
Theo các chuyên gia, Việt Nam cần tận dụng cơ hội gia tăng nhiều hơn nữa các hoạt động giao thương và thu hút đầu tư. Điều này sẽ giúp khẳng định chắc chắn hơn nữa chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam, tạo điều kiện tốt nhất cho luồng vốn đầu tư nước ngoài. Khi Việt Nam thuyết phục được các bên về đường lối, chính sách và quan điểm chính trị rõ ràng của Việt Nam đối với chiến sự thì Việt Nam sẽ thực hiện tốt hơn chiến lược tận dụng các lợi thế của FTA với hai đối tác lớn là Mỹ và EU.
Xét về mặt thực tiễn cho thấy khi có sự hỗn loạn và thay đổi mạnh mẽ do chiến sự lại là cơ hội cho các nước khác thâm nhập và cung cấp hàng hóa thiếu hụt cho EU, đặc biệt là những hàng hóa trước đây phải nhập từ Nga và Ukaine. Dấu hiệu EU tăng nhập than củi, dầu mỡ, hàng thiết yếu… cho thấy rõ nhu cầu đó nhưng gần như các doanh nghiệp Việt Nam lại không nắm được cơ hội.
Rất ít doanh nghiệp chen chân vào thay thế nhà cung cấp hàng hóa cho EU. Khi EU ổn định trở lại và có đủ nhà cung cấp thì việc cạnh tranh và giành thị trường càng thêm khó khăn. Để tận dụng cơ hội này, Việt Nam cần gia tăng các đoàn ra, tham gia mạnh mẽ các diễn đàn về xuất hàng hóa tại châu Âu, nhanh chóng nắm bắt cơ hội bán hàng hóa tại châu Âu và là cơ hội tốt nhất thâm nhập sâu thị trường châu Âu, không vì lo sợ chiến tranh mà né tránh giao thương với châu Âu.
Bên cạnh đó Việt Nam cũng cần chú trọng nâng cao năng lực nội tại về các điều kiện kinh doanh cho sản xuất hàng hóa xuất khẩu với FDI.
Một giải pháp nữa được các chuyên gia khuyến nghị là Việt Nam cần linh hoạt trong các hình thức đối lưu hàng hóa và đa dạng hàng hóa nhận về từ Nga. Theo đó, Việt Nam nên chủ động và sớm đề xuất gặp gỡ phía Nga giải quyết việc phân chia lợi ích của liên doanh thậm chí sẽ chủ động tiêu thụ sản lượng đầu ra cho các nhà máy lọc dầu trong nước. Xây dựng nhiều phương án trao đổi sản phẩm dầu với các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh của Nga mà Nga đang có như công nghệ, như tài nguyên thép, ngũ cốc làm thức ăn chăn nuôi…
Cử các đoàn sang Nga nhằm tìm hiểu những nhu cầu hàng hóa mà Việt Nam có thể thâm nhập nhằm đối lưu với những lợi ích của các liên doanh Việt Nam đang tham gia và gia tăng nhập khẩu dự trữ cho nền kinh tế.
Việt Nam cần chủ động có giải pháp bảo đảm ổn định cho xuất khẩu hàng hoá. Ảnh minh hoạ |
Việt Nam cũng cần có các động thái chủ động gia tăng dự trữ cho nền kinh tế trước tình thế chiến sự Nga - Ukraine còn tiếp diễn và có nguy cơ lan rộng. Việt Nam hiện có đủ ngoại tệ nhập khẩu nguyên liệu, phục vụ 6 tháng nhập siêu nhưng đó mới chỉ dừng ở mức bảo đảm ngoại tệ. Còn cụ thể từng ngành hàng, từng lĩnh vực, chủng loại, chất lượng hàng hóa, thời gian, mức độ dự trữ… vẫn chưa được lên kịch bản thực hiện.
Bối cảnh đó đòi hỏi thực hiện những giải pháp vừa tăng năng lực sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam vừa thực hiện chính sách gia tăng dự trữ quốc gia nhằm chuẩn bị cho tình huống “xấu nhất” hoặc tình huống “hậu chiến” để lấy đà bứt tốc kinh tế.
Theo đó cần thu hút FDI từ Trung Quốc và các nước thành viên RCEP, nâng cao năng lực hoặc liên doanh sản xuất hàng xuất khẩu sang Mỹ và EU, chuỗi cung ứng Việt Nam đang có về hàng chế biến chế tạo.
Tăng cường thỏa thuận với Nga nhằm nhận chuển giao công nghệ, hàng hóa của Nga thay vì nhận phân chia dầu thô từ liên doanh; kết hợp với mạng lưới các kiều bào Việt Nam tại Nga mời các nhà khoa học, các nhà kỹ thuật cao sang Việt Nam chuyển giao kiến thức và công nghệ. Mua những tài nguyên dồi dào từ Nga như ngũ cốc, quặng, than….
Cần sớm ổn định tài chính và tạo ra các quỹ nhập khẩu dự trữ các loại nguyên liệu quan trọng cho nền kinh tế, đặc biệt là cho hàng hóa xuất khẩu. Chiến sự Nga- Ukraine có thể sẽ gây ra lạm phát đẩy, thiếu nguồn cung, đứt gẫy chuỗi… Bởi vậy, rất cần sự dự trữ cấp quốc gia cho nền kinh tế trong ngắn hạn và dài hạn.