Luật Dược sửa đổi: Nhiều chính sách, ưu đãi đưa ngành dược thành công nghiệp mũi nhọn
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 22/10, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược và thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật này.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược - Ảnh: Quochoi |
Về chính sách của Nhà nước về dược và chính sách phát triển công nghiệp dược, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh cho biết, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng sửa đổi toàn diện Điều 7 của Luật hiện hành để quy định các chính sách chung của Nhà nước về dược; quy định chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trong phát triển công nghiệp dược.
Còn quy định liên quan đến thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ được xem xét khi sửa Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm triển khai thực hiện.
Trong đó: Điều 7 (sửa đổi) bổ sung quy định "có chính sách ưu đãi, hỗ trợ để phát triển ngành công nghiệp dược Việt Nam thành ngành công nghiệp mũi nhọn"; quy định chính sách ưu tiên mua sắm thuốc sản xuất trong nước tại các cơ sở y tế công lập;
Ưu tiên về các thủ tục hành chính khi cấp giấy đăng ký lưu hành, cấp phép nhập khẩu; áp dụng các cơ chế ưu đãi, hỗ trợ từ các quỹ hỗ trợ cho hoạt động khoa học và công nghệ; hỗ trợ phát triển dược liệu, phát huy các bài thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu; phát triển hệ thống cung ứng thuốc theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; giữ giá, giảm giá đối với một số nhóm thuốc cần thu hút chuyển giao công nghệ.
Tại Điều 8 (sửa đổi) quy định chính sách ưu đãi đầu tư cụ thể để thúc đẩy hơn nữa việc phát triển công nghiệp dược trong nước. Do còn ý kiến khác nhau về nội dung này, để thận trọng, bảo đảm công khai, minh bạch, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin ý kiến đại biểu về hai phương án:
Phương án 1: Quy định cho phép áp dụng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt với dự án thành lập mới trong lĩnh vực dược có quy mô vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 1.000 tỷ đồng trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh, phương án này có tính đặc thù, đột phá và khả thi đối với ngành công nghiệp dược và phù hợp với quy định tại khoản 4 Điều 4 Luật Đầu tư: "Trường hợp luật khác ban hành sau ngày Luật Đầu tư có hiệu lực thi hành cần quy định đặc thù về đầu tư khác với quy định của Luật Đầu tư thì phải xác định cụ thể nội dung thực hiện hoặc không thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư, nội dung thực hiện theo quy định của luật khác đó". Tuy nhiên, nhược điểm là khác với các quy định về ưu đãi đầu tư đặc biệt của pháp luật về đầu tư.
Phương án 2: Không quy định quy mô cụ thể mà dẫn chiếu áp dụng theo Luật Đầu tư, có nghĩa là chỉ được áp dụng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt với dự án thành lập mới có vốn đầu tư từ 30.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 10.000 tỷ đồng trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư (gấp 10 lần quy mô vốn so với phương án 1).
Ưu điểm của phương án 2 là phù hợp với các quy định về ưu đãi đầu tư đặc biệt của pháp luật về đầu tư, song không có tính đặc thù, đột phá và không khả thi đối với ngành công nghiệp dược.
ĐBQH Nguyễn Lâm Thành (đoàn Thái Nguyên) - Ảnh: Quochoi |
Phát biểu tại phiên họp, ĐBQH Nguyễn Lâm Thành (đoàn Thái Nguyên) cho biết, phương án 1 quy định cụ thể về vốn đầu tư với quy mô đầu tư tối thiểu là 3.000 tỷ đồng, điều kiện thực hiện trong 3 năm đầu là 1.000 tỷ đồng.
Đại biểu cho rằng, đây là điều kiện rất khó khăn, bởi lĩnh vực được hưởng ưu đãi trong công nghiệp dược là phát triển công nghệ, chuyển giao công nghệ sản xuất dược liệu, thuốc cổ truyền từ dược liệu trong nước, dược liệu, dược chất, thuốc mới, thuốc hiếm...
Đây là những lĩnh vực rất hẹp, trong khi đó lại yêu cầu quy mô đầu tư rất cao, khả năng giải ngân trong 3 năm đầu hoàn toàn không khả thi.
Phương án 2 thì quy định phải đáp ứng được quy định tại Điều 20 của Luật Đầu tư thì mới được hưởng ưu đãi. Do đó, đại biểu nghiêng về phương án 1 nhưng có điều chỉnh lại vốn đầu tư, quy mô đầu tư.
Trong khi đó, ĐBQH Nguyễn Tâm Hùng (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) lựa chọn phương án 2, theo đó thực hiện ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt cho các dự án trong các ngành dược đáp ứng quy định của Luật Đầu tư, nhưng không yêu cầu cụ thể về quy mô vốn đầu tư tối thiểu như phương án 1.