Việt Nam cần quan tâm hoàn thiện thể chế và cơ sở dữ liệu phát triển kinh tế số
Kinh tế số Việt Nam: Thời cơ vàng, thách thức lớn Phát triển kinh tế báo chí thời kinh tế số Techsauce Global Summit 2024 Ho Chi Minh: Hướng đến thúc đẩy nền kinh tế số bền vững |
Báo cáo “Tương lai nền kinh tế số Việt Nam hướng tới năm 2030 và 2045” (Tổ chức Data61 - Úc) mới đây nhận định, GDP Việt Nam có thể tăng thêm hàng năm từ 0,38 đến 1,1% tùy vào các kịch bản khác nhau của chuyển đổi số.
Trong bối cảnh đó, liên quan đến phát triển kinh tế số, hai bài toán mà Việt Nam cần giải quyết theo khuyến nghị của nhóm chuyên gia đến từ Trường Đại học Kinh tế quốc dân nêu trong báo cáo khuyến nghị mới đây là hoàn thiện thể chế, dữ liệu và chất lượng nguồn nhân lực.
Liên quan đến đẩy mạnh hoàn thiện về thể chế và cơ sở dữ liệu phát triển kinh tế số, Việt Nam cần chú trọng trước hết đến việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm tạo khuôn khổ cho phát triển kinh tế số trên quy mô cả nước cũng như thể chế vùng kinh tế và địa bàn tỉnh, thành phố.
“Hoàn thiện khung thể chế, cơ chế quản lý phù hợp với môi trường kinh doanh số, tạo thuận lợi cho đổi mới sáng tạo phù hợp với các khuôn khổ pháp lý khu vực và toàn cầu để phát triển kinh tế số, đặc biệt là các mô hình và phương thức kinh doanh mới để kinh tế số sớm tăng quy mô và gia tăng tỷ trọng đóng góp trong tăng trưởng nói chung”, báo cáo khuyến nghị.
Bên cạnh đó, cần tạo cơ chế khuyến khích đổi mới và đầu tư vào nền kinh tế số ở các bộ phận cấu thành như kinh tế số lõi, nền tảng và số hóa các ngành, tạo ra một sân chơi bình đẳng cho các công ty mới và đã thành lập.
Cần ngăn chặn các công ty thống trị tham gia vào các hành vi phản cạnh tranh và đảm bảo rằng cạnh tranh là công bằng và cởi mở trong nền kinh tế số.
Theo các chuyên gia, yếu tố thể chế là trọng tâm để phát triển kinh tế số. Ảnh minh họa. |
Hai yếu tố nữa cần được đặc biệt quan tâm là bảo đảm an ninh mạng và quyền lợi của người tiêu dùng. Liên quan đến bảo đảm an ninh mạng, cần bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng của quốc gia, dữ liệu nhạy cảm khỏi các cuộc tấn công mạng và vi phạm dữ liệu, đồng thời đảm bảo an toàn và bảo mật cho dữ liệu cá nhân của người tiêu dùng.
Về bảo vệ quyền của người tiêu dùng, cần có các thiết chế bảo đảm rằng người tiêu dùng được bảo vệ khỏi thông tin sai lệch hoặc gây hiểu lầm, vi phạm quyền riêng tư và các hành vi có hại khác có thể phát sinh trong nền kinh tế số.
Cần có các cơ chế giải quyết các vấn đề xuyên biên giới liên quan đến kinh tế số. Trong nền kinh tế số, các doanh nghiệp và người tiêu dùng có thể hoạt động xuyên biên giới và điều này đặt ra những thách thức pháp lý mới. Các quy định được đưa ra để giải quyết những thách thức này và đảm bảo rằng nền kinh tế số hoạt động theo cách phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế.
Có giải pháp ưu tiên các dự án kinh tế số mang tính liên ngành, liên tỉnh, phù hợp với quy hoạch phát triển các vùng kinh tế đã được thông qua.
Theo các chuyên gia, cần phải chuyển từ ứng dụng công nghệ, “bắt chước” trong công nghệ, sang phát triển công nghệ, và các doanh nghiệp số Việt Nam cần lĩnh trọng trách này trong phương thức tăng trưởng của những thập niên tới. Các địa phương cần quan tâm bố trí nguồn lực, hỗ trợ thu thập thông tin phục vụ biên soạn các chỉ tiêu liên quan đến kinh tế số trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đặc biệt là hoạt động thương mại điện tử.
Về phát triển nguồn nhân lực và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, hiện tại, mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam đứng đầu các nước trong khu vực, đặc biệt là tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử, tuy nhiên, xét về nhân lực sẵn sàng cho phát triển kinh tế số, Việt Nam lại đang đứng cuối bảng.
Vấn đề này đã được các quốc gia phát triển chú trọng từ lâu, nhưng đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, vấn đề phát triển nguồn nhân lực cho kinh tế số vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Do đó, Việt Nam cần dành nhiều nguồn lực hơn cho phát triển nguồn nhân lực cho kinh tế số, nhất là ở cấp độ địa phương và cơ sở.
Nhà nước cần có chiến lược và kế hoạch cung cấp giáo dục và đào tạo để mọi người dân đều có được những kỹ năng và kiến thức cần thiết để tham gia vào nền kinh tế kỹ thuật số. Điều này bao gồm đào tạo về kiến thức kỹ thuật số, kỹ năng máy tính và các lĩnh vực khác có liên quan đến nền kinh tế kỹ thuật số.
Nhà nước có thể thúc đẩy phát triển kỹ năng số bằng cách đầu tư vào các chương trình giáo dục và đào tạo, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp và cá nhân đầu tư vào phát triển kỹ năng số của chính họ. Cùng đó, nhà nước có trách nhiệm giải quyết tình trạng thiếu kỹ năng trong nền kinh tế kỹ thuật số, bằng cách đảm bảo có đủ công nhân lành nghề và được đào tạo để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế kỹ thuật số
Tập trung phát triển, thu hút các chuyên gia về công nghệ số, các doanh nhân số thông qua các chính sách phù hợp. Đồng thời, cần định hướng phát triển giáo dục - đào tạo ở địa phương gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, sản xuất thông minh của nền kinh tế số.