Doanh nghiệp ô tô nội khó khăn, Bộ Tài chính đề xuất hỗ trợ
Bộ Tài chính đề xuất tăng mức phí thi sát hạch lái xe máy, ôtô Chưa tiếp tục giảm lệ phí trước bạ đối với ôtô lắp ráp trong nước |
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước.
Trong văn bản gửi các bộ ngành, Bộ Tài chính cho biết, hiện nay, trên cả nước có tổng cộng 12 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô. Trải qua quãng thời gian dịch bệnh bùng phát với nhiều khó khăn, thách thức, nhờ sự hỗ trợ đúng đắn thông qua chính sách của Chính phủ mà ngành công nghiệp ô tô trong nước đã phục hồi mức tăng trưởng, doanh số năm 2022 đã vượt năm 2019, thời điểm trước khi có đại dịch.
Doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô Việt Nam đang gặp khó khăn do sản lượng giảm, lãi suất tăng cao... (Ảnh minh họa) |
Từ tháng 10/2022, sản lượng kê khai là 25.571 xe với số thuế TTĐB tương ứng là 3.884 tỷ đồng. Đến tháng 11/2022 sản lượng kê khai là 23.658 xe với số thuế TTĐB tương ứng là 3.412 tỷ đồng, giảm 472 tỷ đồng so với tháng trước.
Tháng 12/2022, số thuế TTĐB phát sinh là 3.218 tỷ đồng, giảm 194 tỷ đồng so với tháng trước. Tháng 1/2023 số thuế TTĐB phát sinh là 1.442 tỷ đồng, với sản lượng kê khai tương ứng là 9.766 xe.
"Nếu loại trừ yếu tố do nghỉ lễ kéo dài (do tháng 1 là tháng Tết Nguyên đán) thì số thuế TTĐB kê khai trong tháng 1/2023 cũng giảm khoảng 200 tỷ đồng so với tháng liền kề", văn bản của Bộ Tài chính nêu rõ.
Dự đoán thị trường sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước có thể sẽ gặp phải những khó khăn, thách thức (như UBND tỉnh Quảng Nam, Ninh Bình và Hiệp hội các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước từng đề cập): lãi suất ngân hàng tăng, hạn mức tín dụng thấp phát sinh trong quý IV/2022 và những dự đoán về tình hình khó khăn đối với thị trường tài chính, tín dụng trong năm 2023.
Từ đó, Bộ Tài chính cho rằng, việc tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh là cần thiết. Hết thời gian gia hạn, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô phải nộp đủ số thuế vào ngân sách nhà nước nên không ảnh hưởng đến số chung.
Cụ thể, Bộ Tài chính đề xuất gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế của các tháng 6, 7, 8, 9/2023 đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước. Theo đó, chậm nhất đến ngày 20/11/2023 doanh nghiệp phải hoàn thành nộp thuế của các tháng trên.
Thời gian gia hạn kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
Theo Bộ Tài chính, việc đề xuất thống nhất thời gian gia hạn là ngày 20/11/2023 để tránh dồn các khoản phải nộp cho doanh nghiệp vào cuối năm và tránh ảnh hướng đến việc hoàn thành dự toán thu NSNN trong trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính.
Việc gia hạn áp dụng đối với trường hợp kê khai bổ sung hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế được gia hạn và áp dụng đối với trường hợp doanh nghiệp có các chi nhánh, đơn vị trực thuộc có hoạt động sản xuất hoặc lắp ráp ô tô thực hiện kê khai thuế tiêu thụ đặc biệt riêng với cơ quan thuế quản lý trực tiếp.
Do đây là giải pháp cấp bách cần ban hành ngay để kịp thời hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô trong nước và được thực hiện trong năm 2023 nên Bộ Tài chính đề xuất cho phép Nghị định có hiệu lực kể từ ngày ký đến hết ngày 31/12/2023.
Theo tính toán, dự kiến số thuế TTĐB đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước bình quân 1 tháng phát sinh trong các tháng tiếp theo năm 2023 là khoảng 2.600 - 2.800 tỷ đồng. Theo đó, tổng số thuế TTĐB được gia hạn trong 4 kỳ tính thuế như phương án đề xuất là khoảng 10.400 tỷ đồng - 11.200 tỷ đồng.