Hỗ trợ khu vực doanh nghiệp: Cần có trọng tâm, trọng điểm
Xuất khẩu khu vực doanh nghiệp vốn trong nước tăng trưởng 3,9% Gỡ “nút thắt” sản xuất công nghiệp: Cần quan tâm hỗ trợ khu vực doanh nghiệp |
Doanh nghiệp nhiều lĩnh vực đối mặt với khó khăn
Theo chia sẻ của bà Nguyễn Thị Hương – Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê: Cộng đồng doanh nghiệp đang đối mặt với nhiều khó khăn. Đặc biệt, qua nắm bắt tình hình của các doanh nghiệp cho thấy, mức độ thiệt hại đối với tài sản và hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp sau cơn bão Yagi là rất lớn.
Cộng đồng doanh nghiệp đang đối mặt với nhiều khó khăn. Ảnh KL |
Cụ thể, lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản, tàu cá khai thác thuỷ hải sản, tàu du lịch, lồng bè nuôi trồng thuỷ hải sản trên mặt biển thiệt hại nặng nề sau bão. Trong các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, dịch vụ, nhiều tài sản có giá trị lớn của không ít doanh nghiệp đã bị hư hỏng như nhà xưởng, tàu thuyền, phương tiện giao thông, máy móc, trang thiết bị, hàng hoá…
“Phần lớn các doanh nghiệp khác tại các tỉnh miền Bắc chịu ảnh hưởng gián tiếp như phải đóng cửa, ngừng sản xuất kinh doanh hoặc giảm năng suất, doanh số trong thời gian bão lũ do người lao động không thể đi làm, hàng hoá không thể vận chuyển hoặc không thể tiếp cận được khách hàng” – đại diện Tổng cục Thống kê nêu
Tổng hợp kết quả khảo sát 30.587 doanh nghiệp của Tổng cục Thống kê mới đây cũng cho thấy, các doanh nghiệp quý III/2024 gặp khó khăn hơn quý II/2024 chủ yếu ở các tỉnh bị ảnh hưởng của bão, các doanh nghiệp quy mô sản xuất nhỏ bị ảnh hưởng nhiều hơn các doanh nghiệp quy mô lớn, các doanh nghiệp ngoài nhà nước bị ảnh hưởng nhiều hơn các doanh nghiệp FDI.
Cụ thể, có 23,5% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh quý III/2024 tốt hơn quý II/2024; 48,3% giữ ổn định; 28,2% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn hơn. So với quý II/2024 tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá thuận lợi hơn quý trước giảm 2,4%; khó khăn hơn tăng 1,7%.
Khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp còn được thể hiện qua số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 9 tháng năm 2024 tăng khá cao, xấp xỉ so với số doanh nghiệp gia nhập thị trường và quay trở lại sản xuất kinh doanh. Cụ thể, theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 9 tháng cả nước có 183.000 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, cao hơn con số cả năm của giai đoạn 2018-2021. Tuy nhiên, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường vẫn ở mức cao và liên tục tăng từ 2020. 9 tháng năm 2024, tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 163,76 nghìn doanh nghiệp.
Bình luận về con số này, TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) - Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: Bên cạnh số doanh nghiệp tham gia đăng ký thành lập mới và quay trở lại sản xuất kinh doanh thì số doanh nghiệp rời khỏi thị trường vẫn rất cao.
“Khi 1 doanh nghiệp rời khỏi thị trường thì kéo theo nguồn vốn, lao động bị dừng lại, trong khi các doanh nghiệp mới đăng ký thì chưa có khả năng hấp thụ về vốn, lao động, do đó cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh. Tạo cơ hội cho doanh nghiệp nhỏ thành doanh nghiệp trung bình và từ doanh nghiệp trung bình trở thành doanh nghiệp lớn. Có như vậy Việt Nam mới có thể vươn mình phát triển” – TS Nguyễn Quốc Việt nêu.
Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cần có trọng tâm, trọng điểm. Ảnh KL |
Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp có trọng tâm, trọng điểm
TS Nguyễn Quốc Việt cho rằng, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thời gian qua có rất nhiều, nhất là các chính sách miễn, giãn, giảm thuế cho doanh nghiệp. Nhưng có lẽ trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh bội chi ngân sách và chi ngân sách cho các dự án đầu tư trọng đểm thì cần cân nhắc lại các gói miễn, giảm, hoãn phí thuế cho doanh nghiệp, để tập trung hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm.
“Vì vậy, vẫn cần thiết phải có các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhưng có lẽ nên thu hẹp các đối tượng cũng như các chính sách lại, và trước khi thu hẹp và làm rõ các đối tượng được hỗ trợ” - TS Nguyễn Quốc Việt nói và cho biết thêm: Việt Nam đã thành công tương đối cho các chính sách hỗ trợ xuất khẩu, thì tiếp tục các chính sách này, ở đây không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu và tăng tỷ trọng xuất khẩu mà cần tăng tỷ lệ gia tăng nội địa của hàng xuất khẩu, thông qua việc đưa vào các giải pháp hỗ trợ không chỉ cho doanh nghiệp tư nhân mà cả chiến lược thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, tạo ra sự hấp dẫn, ưu đãi nhất định đối với FDI liên quan đến công nghệ cao, sử dụng nhiều giá trị gia tăng nội địa. Chú trọng kết hợp giữa doanh nghiệp FDI và công nghiệp phụ trợ nằm trong chuỗi giá trị để gia tăng thị trường và thúc đẩy hoạt động xuất khẩu.
Trên thực tế để hỗ trợ doanh nghiệp, đầu tháng 10/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 103/CĐ-TTg về hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh trong cuối năm 2024 và những năm tiếp theo.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, cấp dưới trực thuộc, tiếp tục nỗ lực, quyết liệt thực hiện theo thẩm quyền các giải pháp, nhiệm vụ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh trong những tháng, năm tới; trong đó, tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Khuyến khích cơ chế doanh nghiệp lớn hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa để tạo ra chuỗi giá trị nội địa và phát triển ngành công nghiệp phụ trợ trong nước.
Chính phủ cũng yêu cầu, các chính sách hỗ trợ cần thiết thực, hiệu quả để doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh, hiệu quả giữa các khu vực; nghiên cứu việc hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh; đồng thời đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với nâng cao trách nhiệm thực thi của các cơ quan, đơn vị; cắt giảm thủ tục hành chính, giấy phép không cần thiết, không phù hợp, làm tăng chi phí tuân thủ…