Chống lãng phí: Tạo nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội
Từ năm 2023, phát động toàn quốc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí Thực hành tiết kiệm: Chống lãng phí song hành cùng chống tham nhũng |
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đến tham dự và phát biểu khai mạc, tổng kết diễn đàn. Cùng tham gia diễn đàn có PGS.TS Lê Hải Bình, Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng - Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, TS. Phan Đức Hiếu - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, PGS.TS. Trần Đình Thiên...; đại diện các đơn vị, tập đoàn, doanh nghiệp.
Chủ động triển khai biện pháp chống lãng phí
Công tác tiết kiệm, phòng chống lãng phí luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng, Nhà nước ta quan tâm. Điều này đã thể hiện rõ trong các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng. Hiện thực hóa quan điểm chỉ đạo, chúng ta cũng đã có Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại diễn đàn |
Thời gian qua, công tác tiết kiệm, phòng chống lãng phí được các bộ/ban ngành Trung ương, địa phương, doanh nghiệp và toàn xã hội tích cực thực hiện, qua đó góp phần nâng cao ý thức của cán bộ, công chức, viên chức người lao động trong công tác tiết kiệm, phòng chống lãng phí.
Là bộ kinh tế đa ngành, hàng năm, Bộ Công Thương đều ban hành và triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Theo chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021-2025, Bộ Công Thương đặt ra yêu cầu phải tăng cường ý thức trách nhiệm về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các tổng công ty, công ty, đơn vị hành chính, sự nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức thuộc bộ.
Theo đó, trong năm 2021, Bộ Công Thương đã ban hành 10 Chỉ thị, 6 Quyết định và nhiều văn bản liên quan đến công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Năm 2021, chi công tác phí tiết kiệm 4,5 tỷ đồng, 1,2 tỷ chi phí hội thảo, 1 tỷ đồng tiền khánh tiết, lễ hội, văn phòng phẩm, thông tin liên lạc 1,7 tỷ đồng. Các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; tổng công ty và công ty cổ phần nhà nước nắm giữ trên 50% vốn do Bộ Công Thương là đại diện chủ sở hữu tiết kiệm tới 10,9 tỷ đồng.
Đến năm 2022, tại các tổng công ty đã tiết kiệm chi phí quản lý tới 290,479 tỷ đồng. Trong 2023, Văn phòng Bộ tiết kiệm chi ngân sách nhà nước lên tới 13,190 tỷ đồng (10,66% kinh phí giao). Cùng với đó, các tổng công ty tiết kiệm chi phí quản lý lên tới 765,901 tỷ đồng. Trên cơ sở tổng hợp dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023 của các đơn vị, Bộ Công Thương đã chủ động cắt giảm khi xây dựng dự toán của Bộ Công Thương như tiết kiệm tối thiểu 10% chi thường xuyên.
Bộ cũng đặt ra một số chỉ tiêu tiết kiệm trong ngành Công Thương giai đoạn 2021-2025 như quản lý chặt chẽ, giảm chi thường xuyên; thực hiện có hiệu quả các quy định của Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14, Luật Quản lý sử dụng tài sản công và các văn bản hướng dẫn Luật; quản lý, sử dụng kinh phí các Chương trình mục tiêu quốc gia theo đúng mục tiêu, đối tượng, nguyên tắc, tiêu chí, định mức, nội dung hỗ trợ đầu tư và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương của chương trình, đảm bảo tiết kiệm và hiệu quả.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân chia sẻ, là một bộ kinh tế đa ngành, Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo và các công chức viên chức của Bộ Công Thương không chỉ bám sát và tuân thủ những chỉ đạo của Trung ương về phát triển kinh tế ngành mà còn nhận thức sâu sắc về quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác tiết kiệm, phòng chống lãng phí. Coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và có ý nghĩa quan trọng của ngành để nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành, góp phần tạo nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.
Năm 2024, dưới sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp kịp thời, hiệu quả của các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương, ngành Công Thương đã chủ động, tích cực triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các giải pháp theo chức năng, nhiệm vụ được giao và đã đạt nhiều kết quả tích cực, toàn diện.
Nổi bật như, đã tạo được sự đột phá trong công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách với hàng loạt Luật, Nghị định, Thông tư được sửa đổi, bổ sung và ban hành mới, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng và công nghiệp; tái khởi động Chương trình phát triển điện hạt nhân; tháo gỡ khó khăn cho các dự án năng lượng tái tạo; tách A0 ra khỏi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để đổi mới vận hành hệ thống điện và thị trường điện quốc gia; giải quyết nhiều dự án tồn đọng của ngành, giúp khai thông các điểm nghẽn, tránh lãng phí nguồn lực xã hội. Đồng thời, mở ra cơ hội huy động các nguồn lực đầu tư của xã hội.
Quyết liệt “tinh, gọn, mạnh” bộ máy hơn nữa
Chia sẻ tại diễn đàn, PGS.TS Lê Hải Bình - Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản – nhấn mạnh: Trong bối cảnh toàn cầu và sự gia tăng của các vấn đề về nguồn lực, tài nguyên, lãng phí đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng nhiều quốc gia đang nỗ lực giải quyết trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế chung đó.
PGS.TS Lê Hải Bình nhắc đến bài viết quan trọng “Chống lãng phí” của Tổng Bí thư Tô Lâm với thông điệp mạnh mẽ, mang tính thức tỉnh sâu sắc, kêu gọi đảng viên, cán bộ, nhân dân xem xét lại cách thức sử dụng và quản lý các nguồn lực trong toàn xã hội. Bài viết của Tổng Bí thư phân tích sâu sắc, chỉ rõ cả hệ thống chính trị và từng người dân cần có ý thức tránh xa lãng phí, không chỉ vì lợi ích quốc gia, lợi ích của bản thân, gia đình, xã hội mà còn vì trách nhiệm với thế hệ tương lai.
Bên cạnh ý kiến của PGS.TS Lê Hải Bình, diễn đàn cũng đã thu hút nhiều ý kiến, bài tham luận của chuyên gia, doanh nghiệp về công tác tiết kiệm, phòng chống lãng phí; giải pháp khơi thông nguồn lực nhằm phát triển kinh tế - xã hội.
Nhiều ý kiến bày tỏ, dù công tác tiết kiệm, phòng chống lãng phí đã được các bộ/ban ngành TW, địa phương, doanh nghiệp và toàn xã hội thực hiện, tuy nhiên trên thực tế vẫn còn tình trạng lãng phí như Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ ra gần đây.
TS. Nguyễn Xuân Trường – Vụ trưởng Vụ Địa phương I– Ban Nội chính Trung ương nêu: Bộ máy nhà nước có nơi, có lúc hoạt động chưa hiệu quả, một bộ phận cán bộ thiếu năng lực, né tránh, đùn đẩy công việc, sợ trách nhiệm; do chất lượng, năng suất lao động thấp. Lãng phí tài nguyên thiên nhiên; lãng phí tài sản công do quản lý, sử dụng chưa hiệu quả, trong đó giải ngân vốn đầu tư công; cổ phần hóa, xử lý thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước; sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước; thực hiện các chương trình, mục tiêu quốc gia, gói tín dụng hỗ trợ phát triển an sinh xã hội còn chậm. Lãng phí trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của Nhân dân diễn ra dưới nhiều hình thức. Lãng phí do hệ thống tiêu chuẩn, định mức, chế độ, một số chưa phù hợp thực tế nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung...
Các đại biểu tham dự diễn đàn "Bộ Công Thương: Chống lãng phí, khơi thông nguồn lực phát triển" |
Để nâng cao hiệu quả phòng, chống lãng phí, góp phần tích lũy, gia tăng tiềm lực phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, cần chú ý: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống lãng phí; nghiên cứu, xây dựng, bổ sung thể chế về phòng, chống lãng phí; tăng cường giám sát, quản lý chặt chẽ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong hệ thống chính trị; nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan có chức năng phòng, chống lãng phí…
Mặc dù đã đạt được kết quả bước đầu song Bộ Công Thương xác định phải tiếp tục đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Vì vậy, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân bày tỏ mong muốn tại diễn đàn này, đại diện các bộ, ban, ngành trung ương, chuyên gia, các hiệp hội, doanh nghiệp sẽ tiếp tục phân tích, làm rõ thực trạng, thảo luận những khó khăn, vướng mắc; chia sẻ kinh nghiệm về lý luận cũng như thực tiễn; đề xuất giải pháp thiết thực đẩy mạnh phòng chống lãng phí, tháo gỡ các điểm nghẽn cơ chế, chính sách, khơi thông các nguồn lực, tạo sự phát triển đột phá của ngành Công Thương trong kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Qua đó vừa góp phần quán triệt và lan tỏa những chỉ đạo, thông điệp mạnh mẽ và đổi mới của Đảng, của Tổng Bí thư Tô Lâm về chống lãng phí.
Đồng thời giúp Bộ Công Thương nói riêng và các bộ, ngành, địa phương nói chung tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, nâng cao hiệu quả trong công tác phòng chống lãng phí, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
Phòng, chống lãng phí là nhiệm vụ quan trọng, chiến lược nhằm tích lũy, gia tăng tiềm lực quốc gia để chuẩn bị đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đây là tư tưởng, quan điểm chỉ đạo chiến lược của Tổng Bí thư Tô Lâm để hướng đến thực hiện thành công mục tiêu chiến lược đã được Đại hội XIII của Đảng xác định: “Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao”, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, công dân cần phải rèn luyện, hình thành thói quen với tính kỷ luật cao về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sinh hoạt, học tập, lao động hàng ngày.