Công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn “hút” vốn FDI
Cả vốn FDI đăng ký và giải ngân đều cao
Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết tháng 10/2024, Việt Nam đã thu hút được 27,26 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tăng 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18/21 ngành kinh tế của Việt Nam trong 10 tháng, trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu thu hút FDI tại Việt Nam.
Biểu đồ FDO đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo trong 9 tháng. Ảnh NH |
Cụ thể, trong số 27,26 tỷ USD vốn FDI đăng ký mới, vốn đăng ký tăng thêm và vốn góp, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài “rót” vào Việt Nam trong 10 tháng thì có tới 17,1 tỷ USD tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, chiếm gần 62,6% tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam.
Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho thấy, 10 tháng Việt Nam thu hút được 2.743 dự án FDI mới với tổng vốn đăng ký 15,23 tỷ USD thì lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo chiếm tới 9,79 tỷ USD, chiếm 64,2% tổng vốn FDI đăng ký mới.
Cùng với vốn FDI đăng ký, dòng vốn FDI giải ngân trong 10 tháng đạt 19,58 tỷ USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo có vốn FDI giải ngân đạt 15,8 tỷ USD, chiếm 80,7% tổng vốn FDI của cả nước.
Nhận định về dòng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, ông Phan Hữu Thắng – nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, đây là điểm sáng trong bức tranh FDI năm 2024. Đặc biệt, 10 tháng năm 2024 có nhiều dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo có quy mô vốn lớn.
“Số lượng các dự án đầu tư có quy mô vốn từ 100 triệu USD trở lên gấp 2 lần so với năm 2022, tổng lượng vốn của các dự án này gấp 1,9 lần so với 2022. Đặc biệt, các dự án trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo sử dụng công nghệ cao trong các lĩnh vực điện tử, sản xuất chất bán dẫn, công nghiệp phụ trợ… phù hợp với Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt” – ông Phan Hữu Thắng thông tin.
Cũng đánh giá cao về dòng vốn FDI tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, PGS, TS Nguyễn Mại – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài cho rằng: 5 lĩnh vực chiếm 91% tổng tài sản của các doanh nghiệp FDI gồm: Doanh nghiệp ngành chế biến chế tạo chiếm 60%; tài chính, ngân hàng, bảo hiểm chiếm 10%; bất động sản chiếm 7%; sản xuất chế biến, khí đốt, điều hòa chiếm 4% và khoa học công nghệ chiếm 4%.
Về triển vọng thu hút FDI vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thời gian tới, PGS, TSKH Nguyễn Mại cho rằng: Tập đoàn Apple của Mỹ đã hoàn tất việc chuyển 11 nhà máy sản xuất các thiết bị nghe nhìn vào Việt Nam. “Bộ ba” đối tác quen thuộc của Apple tại Việt Nam là Foxconn, Luxshare và Goertek cũng đồng loạt tăng vốn, mở rộng nhà máy ở Việt Nam. Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ cùng nhiều doanh nghiệp đã đến Việt Nam tìm hiểu môi trường đầu tư như là một địa điểm dịch chuyển sản xuất chip. Đây sẽ là cơ hội để dòng vốn FDI tập trung vào lĩnh vực công nghiệp gia tăng trong thời gian tới.
Việt Nam có sức hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh ST |
Để dòng vốn FDI góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế
Theo các chuyên gia kinh tế, việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp của Việt Nam, đồng thời hiện thực hoá mục tiêu trở thành thành nước có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, thuộc nhóm nước công nghiệp phát triển hàng đầu khu vực châu Á theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hàng Trung ương Đảng khoá XIII xác định.
Tuy nhiên, theo bà Dương Thị Vĩnh Hà - Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), thời gian qua, dòng vốn FDI vào Việt Nam nói chung và vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo nói riêng vẫn còn những tồn tại. Điều này thể hiện ở chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hạn chế.
"Liên kết, tương tác giữa khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các khu vực khác của nền kinh tế thiết chặt chẽ, hiệu ứng lan toả về năng suất, công nghệ cưa cao… " - bà Dương Thị Vĩnh Hà thông tin.
Từ những phân tích trên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, nâng cao chất lượng dự án FDI nói chung và dự án FDI vào lĩnh vực chế biến, chế tạo nói riêng là nhiệm vụ cần phải được quan tâm, đẩy mạnh trong thời gian tới. Tuy nhiên, để thu hút được những dự án FDI có chất lượng vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, Việt Nam cần tập trung vào 6 giải pháp, bao gồm: Hoàn thiện hạ tầng khu công nghiệp gắn với phát triển nhà ở cho người lao động; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển hạ tầng năng lượng; phát triển công nghiệp hỗ trợ; ban hành những hình thức, cơ chế ưu đãi, hỗ trợ đầu tư mới và thành lập Tổ công tác hỗ trợ các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài trọng điểm.