Tín chỉ carbon: Hàng hóa đặc biệt chờ khung pháp lý
Thị trường tín chỉ carbon - Động lực xây dựng Việt Nam Xanh Tài chính xanh: Nên đóng vai trò dẫn dắt hay đi sau? Dự kiến năm 2028 sẽ vận hành chính thức sàn giao dịch tín chỉ carbon |
Thị trường carbon chờ khung pháp lý
TS. Hà Công Anh Bảo – Trưởng Khoa Luật (Đại học Ngoại thương); Trưởng ban quản lý dự án IISD – FTU cho rằng, nếu coi carbon là một tài sản, hàng hoá đặc biệt, thì các bên có thể thực hiện các quyền cơ bản đối với hàng hoá đặc biệt này, ví dụ như quyền mua bán, chuyển nhượng, sở hữu, chiếm hữu, tặng cho...
Theo Quyết định 13/2024/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh sách các lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải kiểm kê khí nhà kính cập nhật, có 2.166 doanh nghiệp thuộc 6 lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải, môi trường, nông lâm nghiệp,… tại Việt Nam phải kiểm kê khí nhà kính và đáp ứng hạn ngạch phát thải.
Ngành thép là một trong những ngành phát thải lớn đang chờ các quy định hiện hành liên quan đến phân bổ hạn ngạch khí thải và cơ chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon. Ảnh: TCT |
"Do vậy, việc sớm hoàn thiện hành lang pháp lý cho thị trường carbon sẽ giúp các doanh nghiệp phát thải lớn có căn cứ để thực thi các giải pháp và lộ trình cụ thể”- ông Bảo cho hay.
Theo ông Bảo, xây dựng lộ trình giảm phát thải là một ưu tiên cấp bách để doanh nghiệp khẳng định cam kết bền vững và giảm thiểu rủi ro tác động từ môi trường.
Để thực hiện điều này, doanh nghiệp nên bắt đầu bằng việc đánh giá tổng thể các nguồn phát thải trong toàn bộ hoạt động, từ sản xuất đến vận hành, và xác định các biện pháp giảm phát thải khả thi nhất.
Là một trong những ngành có khối lượng doanh nghiệp phát thải lớn theo Quyết định số 13, ông Hoàng Văn Tâm Trưởng nhóm Biến đổi khí hậu, Vụ Tiết kiệm Năng lượng và phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho biết, để hỗ trợ doanh nghiệp tham gia thị trường carbon, ngày 27/12/2023, Bộ Công Thương cũng đã ban hành Thông tư số 38/2023/TT-BCT quy định kỹ thuật đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và kiểm kê khí nhà kính ngành Công Thương.
Ngoài ra, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức các hoạt động đào tạo, tập huấn để doanh nghiệp biết doanh nghiệp của mình phát thải bao nhiêu và phát thải carbon như thế nào. Đồng thời, tổ chức khoá tập huấn cho doanh nghiệp tại 3 miền (Bắc - Trung - Nam) để hỗ trợ thông tin cho doanh nghiệp, vì nếu không biết phát thải bao nhiêu thì khi tham gia thị trường carbon sẽ rất khó cho doanh nghiệp.
Doanh nghiệp chờ chính sách
Theo các chuyên gia, để phát triển thị trường carbon doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với những thách thức nhất định, ảnh hưởng đến tiến trình triển khai của doanh nghiệp.
Nói về vấn đề này, bà Nguyễn Mai Anh - Tập đoàn Công nghiệp Than, Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho rằng: TKV là tập đoàn năng lượng hoạt động trong nhiều lĩnh vực như: than, khoáng sản, xi măng… nên vấn đề thực hiện kiểm kê phát thải khí nhà kính trong các đơn vị trực thuộc luôn được TKV quan tâm, triển khai thực hiện.
Hội thảo về thị trường carbon do Báo Công Thương tổ chức vào sáng 25/12 đã nhận được sự chia sẻ từ chuyên gia, doanh nghiệp về tình hình triển khai và khó khăn doanh nghiệp đang gặp phải. Ảnh: Cấn Dũng |
"Cụ thể, Tập đoàn TKV đã quan tâm xây dựng lộ trình giảm phát thải trong các đơn vị, nhưng khó khăn là hiện chúng ta chưa có văn bản nào về hạn mức carbon, nên vấn đề triển khai gặp phải những khó khăn về nhiều chỉ tiêu. Cần phải có hạn mức cụ thể thì đơn vị mới xây dựng được” - bà Nguyễn Mai Anh nhấn mạnh.
Chuyển đổi sản xuất xanh đang là xu thế mà nhiều nước đang theo đuổi để hướng tới mục tiêu phát thải carbon bằng 0 vào năm 2050. Hay nói cách khác, việc chuyển đổi xanh hóa, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn là xu hướng phát triển tất yếu trong các hoạt động thương mại và đầu tư trên toàn cầu.
Thời gian tới, thị trường tín chỉ carbon ở Việt Nam được dự báo sẽ phát triển mạnh mẽ, bởi không chỉ dư địa lớn từ rừng mà còn ở các ngành năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, các dự án chuyển đổi năng lượng, thu gom và tái chế rác, nông lâm nghiệp...
Vì vậy để biến tiềm năng carbon thành hàng hóa, mang lại nguồn thu thì việc sớm nghiên cứu ban hành khung pháp lý hoàn chỉnh chuyên sâu để thúc đẩy đầu tư và vận hành thị trường tín chỉ carbon là việc làm có ý nghĩa tiên quyết. Đây cũng là giải pháp quan trọng nhằm thực hiện mục tiêu nước ta đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, như Thủ tướng Chính phủ đã tái cam kết tại COP26.