Thương mại vẫn là trụ cột trong hợp tác kinh tế Việt Nam - Ấn Độ
Hình thức nào giúp tra cứu nợ thuế kinh doanh thương mại điện tử năm 2025? Cơ hội xuất khẩu mặt hàng thế mạnh sang thị trường Ấn Độ |
Ấn Độ đã trở thành một trong 8 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam
Năm 2024 đánh dấu 52 năm Việt Nam - Ấn Độ thiết lập quan hệ ngoại giao (1972-2024) và 8 năm hai nước nâng cấp quan hệ lên tầm Đối tác chiến lược toàn diện. Theo thông tin đưa ra tại Đối thoại về thúc đẩy hợp tác kinh doanh giữa Ấn Độ - Việt Nam diễn ra tại Hà Nội mới đây, các chuyên gia kinh tế cho rằng, thương mại luôn được đánh giá là trụ cột vững chắc trong quan hệ Việt Nam - Ấn Độ.
Thương mại luôn được đánh giá là trụ cột vững chắc trong quan hệ Việt Nam-Ấn Độ. Ảnh: Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ |
Kể từ khi hai nước bắt đầu thiết lập quan hệ kinh tế thương mại, kim ngạch thương mại song phương đã liên tục tăng trưởng ổn định. Hiện nay, Ấn Độ đã trở thành một trong 8 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam và là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Nam Á, chiếm gần 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đến khu vực này. Đồng thời, Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn thứ 17 trên thế giới và lớn thứ 4 trong khu vực ASEAN của Ấn Độ. Năm 2023, tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ đạt 14,36 tỷ USD, đây là con số xuất khẩu cao nhất của Việt Nam sang Ấn Độ trong 10 năm qua và hướng đến nỗ lực đưa kim ngạch thương mại song phương hai nước tới mục tiêu 20 tỷ USD trong thời gian tới.
Trong khi đó, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ năm 2024 dự kiến sẽ vượt mốc 15 tỷ USD.
"Thành tích này sẽ là điểm sáng kết thúc năm 2024 trong quan hệ hai nước, tiếp tục khẳng định vai trò trụ cột của hợp tác kinh tế, thương mại trong quan hệ Việt Nam - Ấn Độ" - Thứ trưởng Phan Thị Thắng thông tin.
Trong chuyến thăm Ấn Độ vào tháng 8/2024 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng khuôn khổ thỏa thuận hợp tác kinh tế và thương mại toàn diện giữa hai nước. Điều này không chỉ mở ra những cơ hội mới cho các lĩnh vực sản xuất, đầu tư và thương mại mà còn tạo nền tảng vững chắc để thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực tài chính và ngân hàng – một yếu tố then chốt để hỗ trợ các hoạt động kinh tế. Trong bối cảnh đó, lĩnh vực ngân hàng đóng vai trò là cầu nối quan trọng, không chỉ hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện giao dịch thương mại, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho các dòng vốn đầu tư song phương.
Ông Sandeep Arya - Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam - cho rằng: Kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ đã có sự tăng trưởng 11% trong vòng 10 năm qua và có nhiều cơ hội tăng trưởng tích cực trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh Chính phủ hai nước đã có những cuộc đối thoại cấp cao về thúc đẩy thương mại và đầu tư. Đặc biệt, sau những đối thoại cấp cao đó, đã có một số những hội nghị ở cấp thấp hơn và đều khẳng định, triển vọng hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai nước còn rất lớn.
Kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ đã có sự tăng trưởng 11% trong vòng 10 năm qua. Ảnh: ST |
Cơ hội hợp tác còn rộng mở
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng đã chỉ ra 3 cơ hội hợp tác kinh tế giữa Việt Nam - Ấn Độ trong thời gian tới, bao gồm: Thứ nhất, Việt Nam - Ấn Độ có nền tảng quan hệ chính trị, ngoại giao tốt đẹp, lãnh đạo hai bên dành nhiều sự quan tâm đến việc thúc đẩy quan hệ song phương. Từ khi nâng cấp lên quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện năm 2016, quan hệ song phương Việt Nam - Ấn Độ càng được củng cố và phát triển sâu rộng hơn. Tần suất các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao giữa lãnh đạo hai nước được gia tăng. Trong năm 2024, nhận lời mời của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính đã có chuyến thăm chính thức tới Ấn Độ. Chuyến thăm đã đạt được nhiều kết quả hợp tác về kinh tế, thương mại, tạo tiền đề và mở ra những cơ hội rất lớn về đầu tư, kinh doanh cho doanh nghiệp hai nước.
Thứ hai, Việt Nam và Ấn Độ là những nền kinh tế tăng trưởng ổn định, tích cực. Mới đây, dựa trên số liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Việt Nam và Ấn Độ đều nằm trong nhóm 15 nền kinh tế lớn nhất châu Á. Theo đánh giá, năm 2025, quy mô kinh tế của Việt Nam dự kiến đạt khoảng 506 tỷ USD, Chính phủ Việt Nam cũng đạt mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 8% cho năm 2025.
“Sự tăng trưởng của nền kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô là những yếu tố rất quan trọng thu hút đầu tư của doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của cả doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ” - Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng thông tin.
Thứ ba, cơ cấu ngành hàng hai nước có sự bổ sung cho nhau, cả Việt Nam và Ấn Độ đều có nhu cầu cao đối với hàng hóa của mỗi bên. Với cơ cấu hàng hóa bổ sung lẫn nhau, Việt Nam có thể cung cấp cho Ấn Độ nhiều loại hàng hóa đa dạng: Nông - thủy sản, gia vị phục vụ tiêu dùng và sản xuất xuất khẩu; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng, thiết bị điện tử; các sản phẩm hoá chất, phân bón, chất dẻo, các sản phẩm tiêu dùng, thủ công mỹ nghệ.
Ngược lại, Ấn Độ là nguồn cung cấp nguyên phụ liệu cho các ngành sản xuất trong nước của Việt Nam như: Dệt may, da giày; dược phẩm; linh kiện, phụ tùng; thức ăn gia súc và nguyên liệu; khoáng sản…
Đồng tình với nhận định trên, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam, ông Sandeep Arya cho biết: Tốc độ tăng trưởng GDP nhanh chóng ở Ấn Độ cũng như Việt Nam, tầm nhìn kinh tế của Việt Nam 2045 và Ấn Độ phát triển vào năm 2047, đang tạo ra những cơ hội mới cho thương mại, đầu tư và hợp tác kinh doanh giữa hai nước.