Tịnh Biên - An Giang: Quan tâm hỗ trợ sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số
Trên địa bàn huyện Tịnh Biên hiện có 02 xã thuộc khu vực III gồm: xã Văn Giáo, An Cư và 03 xã khu vực I là: Vĩnh Trung, Tân Lợi và An Hảo. Đến nay, nhìn chung cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng đồng bào dân tộc được đầu tư xây dựng cơ bản đáp ứng được nhu cầu thông thương, trao đổi hàng hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các công trình cơ sở hạ tầng được nâng cấp, sửa chữa đáp ứng cho nhu cầu khám chữa bệnh, học hành, đi lại của nhân dân tuyến cơ sở.
Cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng đồng bào dân tộc được đầu tư xây dựng cơ bản |
Vào mùa khô, những khu vực trước đây không đủ nước tưới nay nhờ có hệ thống thủy lợi vùng cao, một số vùng bà con nông dân có thể sản xuất lúa từ 1 vụ/năm lên 3 vụ/năm, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc.
Các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế từ Chương trình 135 được các xã triển khai nối tiếp hàng năm. Những năm qua, đồng bào DTTS được thụ hưởng các chính sách về: Hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chương trình 135, hỗ trợ nhà ở, vay vốn tín dụng, ưu tiên tham gia các mô hình giảm nghèo bền vững… Đến nay, 100% đồng bào DTTS nghèo và đồng bào DTTS sinh sống tại địa bàn các xã khó khăn, đặc biệt khó khăn được nhà nước hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế. Riêng trong năm 2021, Phòng Dân tộc huyện đã ban hành trên 26 nghìn thẻ bảo hiểm y tế cho bà con dân tộc Khmer.
Các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế được triển khai nối tiếp hàng năm |
Các mô hình hỗ trợ hộ nghèo, như: Nuôi bò, trồng đậu phộng được thực hiện ở 7 xã đặc biệt khó khăn. Trong đó, trồng cây đậu phộng là một trong những mô hình kinh tế hiệu quả đối với những vùng thiếu nước tưới, vùng đất triền dốc chưa được đầu tư công trình thủy lợi do đậu phộng thích nghi cao với chất đất pha cát. Hiện nay, tiềm năng phát triển cây đậu phộng tại Tịnh Biên rất cao. Thậm chí có thể phát triển thành vùng trọng điểm đậu phộng của tỉnh An Giang bởi bà con nông dân có thể sản xuất quanh năm. Hướng tới việc chuyên canh hóa mô hình này, thời gian qua, Tịnh Biên đã kêu gọi các công ty, doanh nghiệp liên kết, hỗ trợ nông dân về máy móc tưới tiêu, máy sạ đậu phộng, máy ép dầu…
Riêng trong vùng đồng bào DTTS Khmer, nhiều hộ được vay vốn ưu đãi đã phục hồi nghề nấu đường thốt nốt. Đây là nghề truyền thống của đồng bào Khmer được lưu truyền từ bao đời nay. Từ sự hỗ trợ của vốn giảm nghèo, vốn khuyến công… các hộ đồng bào Khmer đã phát triển sản xuất, đầu tư đổi mới công nghệ, đưa sản phẩm đường thốt nốt tiêu thụ rộng rãi trên thị trường. Nhờ vậy, đời sống của người dân Khmer đã được cải thiện đáng kể về vật chất, tinh thần, nhất là ý thức vươn lên thoát nghèo.
Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, huyện Tịnh Biên tiếp tục đẩy mạnh các nội dung trọng tâm của công tác dân tộc trong giai đoạn mới. Tiếp tục triển khai chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt và chuyển đổi ngành nghề, thực hiện chính sách an sinh xã hội đối với đồng bào DTTS nghèo trong các dịp lễ, tết; thực hiện tốt chính sách Người có uy tín trong đồng bào DTTS; tăng cường công tác an ninh, chính trị, bảo đảm đời sống kinh tế và phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, chăm sóc y tế, giáo dục; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân trong vùng đồng bào DTTS...